Sáng nay (16/6), Ủy ban Tư pháp (UBTP) của Quốc hội phiên toàn thể để đánh giá theo thẩm quyền về kết quả giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao với vụ án Hồ Duy Hải . Cuộc họp mang tính nội bộ và chỉ có sự tham dự của hầu hết các thành viên UB Tư pháp, không có cơ quan tố tụng, theo thông tin trên báo Vietnamnet.
Vụ án Hồ Duy Hải kéo dài từ năm 2008 đến nay được dư luận quan tâm trong suốt thời gian qua. |
Tại cuộc họp, các thành viên thảo luận về tính đúng đắn, tính hợp lý của quyết định giám đốc thẩm. Đa số thành viên Ủy ban Tư pháp tại phiên họp này đã đánh giá những vi phạm trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án là nghiêm trọng, có thể làm thay đổi bản chất vụ án.
Sau cuộc họp, UB Tư pháp sẽ tổng hợp các ý kiến và tham mưu, sẽ có báo cáo quan điểm của ủy ban về toàn bộ vụ án, bởi ủy ban là cơ quan chuyên môn, không thể không có quan điểm.
Sau phiên giám đốc thẩm, gia đình Hồ Duy Hải lại kiến nghị đến UB Tư pháp. Ngoài ra, các ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân, Trương Trọng Nghĩa và đặc biệt Đoàn ĐBQH Đà Nẵng kiến nghị UB Tư pháp mở phiên họp toàn thể. Đây không phải là lần đầu tiên UB Tư pháp của Quốc hội họp toàn thể để thảo luận về một vụ án.
Trước đó, theo TTXVN, tại phiên Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế xã hội, nhiều đại biểu đề cập đến vụ Hồ Duy Hải.
Cũng tại phiên thảo luận này, báo cáo với Quốc hội về vụ án Hồ Duy Hải xảy ra năm 2008, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, Hồ Duy Hải có 25 lời khai nhận tội, trong đó lời khai đầu tiên đã tự viết ra "khá chi tiết nội dung vụ án", chứ không phải qua hỏi cung.
Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao khẳng định, ở những thời điểm quan trọng của vụ án, Hải đều nhận tội. Khi nhận kết luận điều tra của cơ quan điều tra, Hải nhận tội. Khi nhận cáo trạng của Viện Kiểm sát, Hải cũng khẳng định đúng.
Khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, gửi đơn cho Chủ tịch nước, Hồ Duy Hải cũng không kêu oan, chỉ xin giảm nhẹ hình phạt. Người kêu oan nhiều nhất lại là mẹ của Hải ở ngoài xã hội.