Trong vòng hơn một năm kể từ khi dịch COVID-19 gây ra cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế toàn cầu, các chính phủ trên khắp thế giới đồng loạt nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ, giúp nền kinh tế chống đỡ tác động từ đại dịch.
Các gói kích thích kinh tế với quy mô chưa từng có tạo ra những hiện tượng không có tiền lệ. Một trong số đó là giá cổ phiếu tăng mạnh bất chấp đại dịch và bí ẩn về bong bóng Bitcoin.
Theo Bloomberg, câu hỏi đầu tiên được nhiều người thắc mắc nhất, là tại sao giá cổ phiếu cao ngất ngưởng trong khi đại dịch vẫn ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày. Tính đến nay, tỷ số PE điều chỉnh theo chu kỳ nền kinh tế (CAPE) đạt mức 35, cao hơn bất cứ thời điểm nào kể từ khi giáo sư Robert Shiller bắt đầu thu thập dữ liệu và tính toán vào năm 1880.
Giá cổ phiếu cao ngất ngưởng
Tỷ số CAPE được tính bằng cách lấy giá cổ phiếu chia lợi nhuận trung bình 10 năm đã được điều chỉnh lạm phát.
Đương nhiên, lãi suất trái phiếu dài hạn của Mỹ chạm đáy là lý do chính đẩy giá cổ phiếu lên cao. Tuy nhiên, lợi suất CAPE vượt quá chỉ đạt 3%. Điều đó cho thấy chênh lệch giữa lợi suất thu nhập từ cổ phiếu và lợi tức trái phiếu không đáng kể.
Trên Bloomberg, nhà phân tích John Authers – tác giả cuốn The Fearful Rise of Markets – cho rằng mua vào ở thời điểm hiện tại không nguy hiểm như đỉnh bong bóng năm 2000. Tuy nhiên, các chỉ số cho thấy việc mạnh tay mua cổ phiếu sẽ không đem lại kết quả tuyệt vời như tưởng tượng.
Chỉ số S&P 500 đã trải qua 12 tháng tốt nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, đà tăng là “không bền vững”. “Đại dịch COVID-19 đã xáo trộn nhận thức và nhiều dữ liệu thực tế. Không có gì ngạc nhiên khi kinh tế đi xuống nhưng thị trường vẫn tăng”, chuyên gia Authers nhận định.
Giáo sư Shiller đã thu thập các dữ liệu từ những thời kỳ bùng nổ cho đến suy thoái kinh tế. Chúng cho thấy kỷ lục của các thị trường chứng khoán thường do thanh khoản được bơm ồ ạt.
Cùng với đà tăng giá kỷ lục của cổ phiếu là “hiện tượng lạ” Bitcoin. Giá Bitcoin tăng phi mã trong vòng 12 tháng qua, ngay cả khi chúng ta chưa biết liệu các chính phủ có chấp nhận đồng tiền mã hóa này hay không.
Bong bóng Bitcoin
“Vì sao chúng ta nhắc tới Bitcoin? Bởi nó đang trở nên rất lớn và một số giả định về tiền mã hóa đã không còn chắc chắn nữa”, chuyên gia Authers phân tích.
Mới đây, Goldman Sachs đưa ra một biểu đồ so sánh lợi nhuận của Bitcoin trong vòng 12 tháng qua với các bong bóng lớn nhất lịch sử, bao gồm chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones dẫn đến cuộc Đại khủng hoảng năm 1929, chỉ số S&P 500 năm 2021, bong bóng công nghệ và bong bóng hoa tulip năm 1636.
Theo đó, khoản lợi nhuận của Bitcoin là hoàn toàn phi lý, nhất là đối với một tài sản không có giá trị nền tảng như tiền mã hóa. Hồi năm 2017, Bitcoin từng được so sánh với bong bóng hoa tulip. Vào thời điểm đó, Bitcoin tăng phi mã và lần đầu thiết lập kỷ lục gần 20.000 USD/đồng rồi vỡ vụn.
Nhưng điều đáng nói là Bitcoin đã tạo nên ít nhất bốn bong bóng trong vòng hơn 10 năm qua. Tất cả bong bóng kinh tế, tài chính từng tồn tại đều sụp đổ. Một khi được gắn nhãn “bong bóng”, các bong bóng chắc chắn phải vỡ vụn, chúng không thể xẹp xuống dần dần rồi sau đó phình to trở lại.
Tuy nhiên, Bitcoin là một trường hợp đặc biệt. Bong bóng Bitcoin phình to rồi sụp đổ. Nhưng sau một khoảng thời gian, một bong bóng mới lại hình thành.
“Ở thế giới chúng ta đang sống, các ngân hàng trung ương đang ngày càng đẩy mạnh những tác nhân chi phối nền kinh tế. Các chính phủ giữ độc quyền tiền tệ và chắc chắn không muốn từ bỏ sức mạnh đó”, nhà phân tích Authers nhấn mạnh.
Trong khi đó, khai thác Bitcoin là một sự lãng phí lớn về năng lượng và sức mạnh tính toán. Tuy nhiên, mạng lưới Bitcoin vẫn đang được mở rộng, mọi người đổ xô tìm cách sử dụng chúng.
“Tôi vẫn còn rất nhiều vấn đề với Bitcoin. Việc ‘tin tưởng’ thay vì ‘đầu tư’ vào một tài sản tài chính là không lành mạnh. Những câu chuyện xoay quanh Bitcoin là quá tuyệt vời để có thể trở thành sự thật”, chuyên gia Authers viết.
Các ngân hàng trung ương, doanh nghiệp và tổ chức khác luôn tìm cách giới thiệu tiền mã hóa của riêng họ. Tuy nhiên, ngay cả những người hoài nghi về Bitcoin vẫn phải chấp nhận rằng thế giới đang thay đổi. Đến nay, giá trị vốn hóa thị trường của đồng tiền này đã vượt quá 1.000 tỷ USD.
“Tất cả bong bóng khác có cùng quy mô với Bitcoin đều sụp đổ hoàn toàn chỉ trong vòng một năm và không bao giờ trở lại. Bong bóng Bitcoin đã vỡ đến bốn lần. Tuy nhiên, giá chưa bao giờ về 0 và sau đó tiếp tục phình to. Bằng cách nào?”, chuyên gia Authers đặt câu hỏi.
(Tham khảo: Cointelegraph, Bitcoin News)