Ngày 8-9/11, tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Hoa Kỳ), Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đã tổ chức phiên thảo luận về báo cáo thường niên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) năm 2022 với sự tham gia của các nước thành viên LHQ, trong đó có phát biểu của hơn 40 quốc gia.
Theo phóng viên TTXVN tại New York, phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, ghi nhận và đánh giá cao khối lượng công việc mà IAEA đã hoàn tất trong năm vừa qua; đồng thời cảm ơn sự hợp tác của IAEA và các thành viên Hội đồng Thống đốc IAEA trong thời gian Việt Nam đảm nhiệm vai trò thành viên Hội đồng nhiệm kỳ 2021 – 2023. Đại sứ Đặng Hoàng Giang hoan nghênh các kết quả IAEA đạt được trong lĩnh vực thanh sát hạt nhân, nhấn mạnh vai trò đi đầu của IAEA hỗ trợ các quốc gia, trong đó có Việt Nam trong lĩnh vực bảo đảm an ninh, an toàn hạt nhân. Đại sứ cho biết Việt Nam cùng các đối tác đang phát triển Hệ thống quản lý thông tin Việt Nam (VIMS) nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở hạt nhân gửi báo cáo trực tuyến, góp phần đơn giản hoá quy trình thanh sát và xây dựng báo cáo.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc. (Ảnh: TTXVN phát) |
Đại sứ đánh giá cao các chương trình hợp tác kỹ thuật của IAEA với nhiều sáng kiến hàng đầu như ứng dụng hạt nhân trong giải quyết dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật (ZODIAC), xử lý rác thải nhựa đại dương (NUTEC Plastic) và cải thiện khả năng tiếp cận trong chẩn đoán và điều trị ung thư bằng phương pháp xạ trị (Rays of Hope) cùng nhiều dự án hỗ trợ giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Thông qua các dự án hỗ trợ kỹ thuật, IAEA đã giúp Việt Nam triển khai các dự án nghiên cứu lò phản ứng hạt nhân và ứng dụng năng lượng hạt nhân vào nhiều lĩnh vực như y tế, nông nghiệp, công nghiệp, nghiên cứu, bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, phát triển cơ sở hạ tầng an toàn hạt nhân.
Trong lĩnh vực công nghệ năng lượng hạt nhân mới nổi, Đại sứ Đặng Hoàng Giang cho rằng những công nghệ như lò phản ứng hạt nhân module nhỏ (SMRs), nhà máy điện hạt nhân nổi (FNPPs) đặt ra thách thức và tác động tiềm tàng đối với khuôn khổ pháp lý hiện hành cũng như đối với an ninh, an toàn và hàng hải. Việc phát triển, triển khai và vận hành các công nghệ năng lượng hạt nhân này cần được tiến hành phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS). Việt Nam ủng hộ cách tiếp cận thận trọng và từng bước trong khuôn khổ của IAEA đối với việc nghiên cứu, phát triển, cấp phép, quản lý và vận hành nhà máy điện hạt nhân nổi thông qua tham vấn chặt chẽ với các quốc gia liên quan.
Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tái khẳng định ủng hộ IAEA tiếp tục thực hiện chức năng nhiệm vụ, góp phần thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ hạt nhân vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững.
Số điện thoại giả mạo BHXH mà người dân cần hết sức cảnh giác, bị mất phí cao không tưởng nếu gọi vào
Được hứa hẹn hỗ trợ giải đáp trực tiếp và nhanh chóng về BHXH nhưng số điện thoại này không có người tư vấn mà vẫn trừ cước với giá “cắt cổ”.