Việt Nam dừng cấp visa cho tất cả các nước

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Chính phủ chỉ đạo tạm dừng cấp visa vào Việt Nam với tất cả các nước trong vòng 15-30 ngày.

Nguồn tin từ báo Tiền Phong, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Hà Nội chiều 16/3, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Ngô Văn Quý đã thông báo kết quả sau khi tham dự cuộc họp Thường trực Chính phủ cho hội nghị nắm được những chỉ đạo mới liên quan đến công tác phòng, chống COVID-19.

Theo ông Quý, Thủ tướng hoan nghênh các ngành, các cấp, các tỉnh/thành thời gian qua đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch, đạt kết quả tốt, đặc biệt là giai đoạn 1 (16 bệnh nhân được chữa khỏi, không để dịch bệnh phát triển).

Hiện nay cả nước đã vào giai đoạn 2 của dịch bệnh, Thủ tướng cho thấy đây là giai đoạn khốc liệt. Đây là thời điểm vàng để góp phần ngăn chặn sự lây lan của dịch cũng như hạn chế thấp nhất các ca tử vong trên địa bàn cả nước.

Cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Hà Nội. Ảnh: Vietnamnet.
Cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Hà Nội. Ảnh: Vietnamnet.

Về một số giải pháp, Thủ tướng chỉ đạo các địa phương cần tập trung vào một số việc:

Một là tiếp tục hạn chế đầu vào bằng việc tạm dừng cấp visa vào Việt Nam với tất cả các nước trên thế giới trong vòng 15-30 ngày.

Nếu như vài ngày trước, Thủ tướng chỉ quyết định tạm dừng việc cấp thị thực và tạm thời chưa cho nhập cảnh đối với khách du lịch đến từ hoặc đã đi qua 29 nước, thì nay đã mở rộng thêm phạm vi để hạn chế đầu vào. "Chính phủ coi đây là một biện pháp hết sức quan trọng để kiềm chế dịch", Phó Chủ tịch Hà Nội nói.

Thủ tướng cũng chỉ đạo tiếp tục hạn chế tối đa các hoạt động tập trung đông người ở tất cả các tỉnh, thành phố, quận, huyện, thị xã; bao gồm các hoạt động karaoke, vũ trường, quán bar… "Hoạt động đông người dừng, hạn chế tối đa, đề nghị quận huyện triển khai" ông Qúy lưu ý.

Việt Nam cũng sẽ tiếp tục thực hiện 3 hình thức cách ly: cách ly tập trung do quân đội quản lý, cách ly tại gia đình (đối với người F2) và cách ly theo nhóm (với các chuyên gia nước ngoài, những người mang hộ chiếu công vụ vào Việt Nam công tác).

Ban chỉ đạo quốc gia cũng sẽ xét về mức ăn và chế độ chính sách cho những người trực tiếp tham gia phòng, chống dịch. "Ngành y tế cũng phản ánh đây là khó khăn, vướng mắc, anh em rất là khó khăn, vất vả nhưng chế độ còn hạn chế. Thủ tướng giao cho Ban chỉ đạo có quyết định về việc này" ông Qúy thông tin.

Ngành y tế, các đơn vị liên quan bổ sung vật tư y tế phục vụ thời điểm hiện tại; Thủ tướng đồng ý phương án giao cho Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chuẩn bị cơ sở cách ly để làm sao khi cả nước có khoảng 5 đến 6 vạn người về có thể cách ly được, giao cho Bộ Tư lệnh thủ đô và các quân khu điều phối công việc này.

Trong bối cảnh quốc tế bùng phát dịch như hiện nay thì các địa phương, các bộ ngành phải có phương án "nóng" trong phòng chống dịch, chuẩn bị đầy đủ điều kiện vật chất, đặc biệt là đội ngũ y, bác sĩ sẵn sàng cho khi dịch lan rộng có thể đáp ứng được.

Tỷ lệ người tử vong cao đối với người có bệnh nền, đặc biệt là người già, yếu, Thủ tướng giao cho Bộ Y tế và các địa phương thống kê người có bệnh nền ở các xã, phường, thị trấn để có phương án phòng, điều trị bệnh, giảm thiểu nhất tử vong nếu dịch gây ra.

Cuối cùng, Thủ tướng thực hiện tốt nghị quyết 11 của Chính phủ về phát triển kinh tế trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh đã ban hành.

Theo thống kê, 8 chuyến bay có hành khách mắc COVID-19 được Bộ Y tế đưa ra vào tối 16/3, có các chuyến bay đến từ Singapore, Kuala Lumpur (Malaysia), Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), Moscow (Nga).

PV (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương