Việt Nam nhập khẩu gỗ từ châu Phi chỉ thua Trung Quốc

Hiện Việt Nam đã trở thành quốc gia lớn thứ 2 trên thế giới về lượng gỗ nhập khẩu từ châu Phi, chỉ sau Trung Quốc.

Theo Tổ chức quốc tế về gỗ nhiệt đới (ITTO), châu Phi là một trong những nhà cung cấp gỗ tròn và gỗ xẻ hàng đầu của Việt Nam. Đến nay, lượng cung gỗ tròn và xẻ từ nguồn này chiếm gần 1/4 tổng lượng gỗ tròn và xẻ nhập khẩu vào Việt Nam mỗi năm.

Năm 2019, Việt Nam đã nhập khẩu 873 761 m3 gỗ tròn từ châu Phi. Tuy nhiên, nhập khẩu gỗ của nước ta đã giảm 9% về lượng và 19% về giá trị, chỉ còn 299 triệu USD. Cameroon là nước cung cấp gỗ lớn nhất cho Việt Nam, chiếm tới 56% tổng lượng gỗ tròn mà Việt Nam mua từ châu Phi (495 526 m3, giảm 3,5% trong năm qua).

Tiếp đến là Nigeria (cung cấp 82 923 m3), CH dân chủ Congo (55 025 m3), Angola (53 171 m3), Nam Phi (49 259 m3) và Ghana (44 557 m3). Tali/okan (lim), doussie (gỗ đỏ), sapelli (xoan đào) và padouk (hương đỏ) là 4 loại gỗ nhập khẩu chính.

Về gỗ xẻ, khối lượng nhập khẩu của Việt Nam từ châu Phi lên tới 463 000 m3 năm 2019, tăng 50% so với năm 2018, đạt kim ngạch 193,5 triệu USD, tăng 32% về giá trị. Cameroon cũng vẫn là nước cung cấp gỗ xẻ lớn nhất cho Việt Nam với 227 391 m3, tăng gấp đôi so với năm 2018. Ngoài ra còn có các nước Gabon (cung cấp 76 325 m3), Angola (47 071 m3), Nigeria (30 958 m3), Nam Phi (21 411 m3) và Ghana (30 958 m3).

Theo Thương vụ Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Gambia, Mali, Niger và Senegal, gỗ châu Phi nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu phục vụ thị trường nội địa. Nhằm đáp ứng nguồn cung gỗ tự nhiên , nhất là để sản xuất các mặt hàng gỗ có kiểu dáng truyền thống, số lượng các nhà nhập khẩu Việt Nam tăng nhanh trong thời gian qua.

Châu Phi là một trong những nhà cung cấp gỗ tròn và gỗ xẻ hàng đầu của Việt Nam.
Châu Phi là một trong những nhà cung cấp gỗ tròn và gỗ xẻ hàng đầu của Việt Nam.

Cùng với đó, một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã và đang tiếp tục mở các xưởng xẻ tại các quốc gia cung gỗ chính như Cameroon, Gabon,… thuê lao động bản địa, cùng với lao động từ Việt Nam sang nhằm chủ động gỗ nguyên liệu đầu vào và phòng tránh rủi ro thương mại.

Chuyên gia Tổ chức Forest Trends cho biết một trong những lý do cơ bản khiến lượng gỗ tròn nhập khẩu từ châu Phi vào Việt Nam lớn là do các loại gỗ từ nguồn này có mức giá rất cạnh tranh. Bên cạnh đó, những thay đổi trong chính sách quản lý tài nguyên rừng tại Việt Nam và một số quốc gia cung gỗ nhiệt đới truyền thống cho Việt Nam như Lào và Campuchia cũng làm cho cung gỗ từ nguồn châu Phi tăng nhanh chóng.

Năm 2019, nếu như Trung Quốc giảm nhập khẩu gỗ cây từ châu Phi thì Liên minh châu Âu (EU) lại tăng cường nhập khẩu gỗ xẻ.

Nhập khẩu gỗ tươi nhiệt đới của Trung Quốc từ châu Phi đạt 9,19 triệu m3, giảm 14% về lượng, với kim ngạch 2,275 tỷ USD, giảm 27%  so với năm 2018, chiếm 15% tổng khối lượng gỗ nhập khẩu của nước này.

Trung Quốc nhập khẩu gỗ tươi nhiệt đới chủ yếu từ Papua New Guinea (36%), quần đảo Salomon (26%), Equatorial Guinea (7,2%) và CH Congo (7,0%). Nhập khẩu gỗ tươi của Trung Quốc từ CH Congo và Sierra Leone đã tăng lần lượt là 18% và 17%. Tuy nhiên, trong năm 2019, nước này đã giảm nhập khẩu gỗ tươi từ phần lớn các nước, đặc biệt là Equatorial Guinea (-47%) và CH Trung Phi (-32%).

Với Liên minh châu Âu (EU), năm 2019, khối này đã nhập khẩu 2,13 triệu tấn (Mt) sản phẩm gỗ nhiệt đới, tăng 2,5%, đạt kim ngạch 2,32 tỷ euro (+3,5%).

Đối với gỗ xẻ nhiệt đới, lượng nhập khẩu tăng nhẹ (+5%) đạt 753 000 tấn vào năm 2019, giá trị 728,1 triệu euro (-0,1%). Nhập khẩu gỗ của EU từ Cameroon đã tăng 10%, đạt 277 600 tấn, từ  Brazil (+ 23% tương đương 129 100 tấn), từ Gabon (+ 5%, 96 300 tấn), Congo (+ 28 %, 60 900 tấn) và Ghana (+ 12%, 17 000 tấn). Nhập khẩu gỗ của EU từ CHDC Congo đạt 13 100 tấn năm 2019, giảm 5% so với năm 2018, từ Malaisia (-25% ở mức 74 500 tấn), từ Côte d’Ivoire (- 8%, 27 200 tấn) và từ Myanmar (- 24%, 6 800 tấn).

Đối với gỗ tươi nhiệt đới, nhập khẩu của EU năm 2019 đạt 98 600 tấn, giảm 13% so với năm 2018 trong khi giá trị nhập khẩu giảm 14% tương đương 48,4 triệu euro. Các nước và lãnh thổ cung cấp chính là CH Congo 34 400 tấn, CH Trung Phi 16 300 tấn, CHDC Congo 13 400 tấn, Cameroon 15 100 tấn, Liberia 7 500 tấn, Equatorial Guinea 2 100 tấn…

Độ che phủ rừng của châu Phi ước tính chiếm 650 triệu ha bằng 17% diện tích rừng trên thế giới. Các loại rừng chính là rừng khô nhiệt đới ở Sahel (gần sa mạc Sahara), Đông và Nam Phi, các khu rừng nhiệt đới ẩm ở Tây và Trung Phi, cận nhiệt đới rừng và rừng ở Bắc Phi và rừng ngập mặn ở vùng ven biển của phía Nam.

Với nguồn gỗ phong phú, khu vực Trung và Tây Phi là một trong những trung tâm cung cấp gỗ nguyên liệu ra thị trường thế giới. Một số nước ở khu vực Trung Phi có diện tích rừng bao phủ trên 50% diện tích cả nước và là những nước xuất khẩu quan trọng mặt hàng này.

Ngành khai thác rừng đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế của các quốc gia Châu Phi, tuy nhiên hoạt động khai thác và xuất khẩu gỗ của các này chưa được quản lý nghiêm túc dẫn đến tình trạng khai thác bừa bãi, trái phép.

Hiện nay, các nước này đang đẩy mạnh cải cách trong quản lý và điều hành nhằm hạn chế tình trạng này. Chính phủ Gabon đã ra quyết định cấm xuất khẩu gỗ tươi từ năm 2010 để phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ trong nước, góp phần tạo việc làm cho người lao động và nâng cao giá trị gia tăng cho mặt hàng bằng xuất khẩu gỗ thành phẩm hoặc bán thành phẩm.

Các sản phẩm gỗ muốn được đưa ra khỏi các cảng phải có giấy chứng nhận là gỗ được phép khai thác và đã qua sơ chế. Các nước khác thì cũng đã có những chính sách hạn chế việc xuất khẩu gỗ tươi.

VIÊN VIÊN

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương