Đóng cửa phiên 20/4, VN-Index giảm 21,73 điểm còn 1.384,72 điểm, HNX-Index giảm 12,65 điểm xuống 380,04 điểm. Đây là phiên thứ 5 liên tiếp trong chuỗi giảm 8/9 phiên vừa qua, lấy đi 140 điểm của chỉ số VN-Index.
Đây cũng là chuỗi giảm giá dài lần thứ hai kể từ đầu năm. Tuy nhiên, đáng chú ý là mốc 1.400 điểm của VN-Index tưởng chừng rất vững chắc nhưng cũng đã bị “xuyên thủng”.
Sàn HOSE hôm nay có tới 318 mã giảm giá; trong đó, có 99 mã giảm sàn. Sàn HNX cũng có 195 mã giảm; trong đó, có 46 mã giảm sàn.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm rất sâu; trong đó, SHB và LPB giảm sàn. Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng chỉ còn mỗi VND tăng 1%. Các mã còn lại giảm rất sâu; trong đó, APG, APS, ART, OGC, TVB, TVC… giảm sàn.
Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng chỉ còn PLX tăng giá, các mã PVB, PVD, PVC thậm chí giảm hết biên độ. Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng động loạt giảm sàn. Cùng đó, nhóm hóa chất và phân bón, xây dựng và vật liệu, du lịch và giải trí, bảo hiểm… chìm trong sắc đỏ.
Điểm tích cực là khối ngoại tiếp tục mua ròng trong phiên hôm nay. Cụ thể, khối ngoại mua ròng hơn 439 tỷ đồng trên HOSE và 20,78 tỷ đồng trên HNX, trong khi chỉ bán ròng 15,83 tỷ đồng trên UPCOM. Như vậy, trong 7 phiên trở lại đây, khối ngoại đã mua ròng hơn 2.000 tỷ đồng và trở thành điểm sáng thị trường.
Lý giải về đà giảm mạnh trong những phiên gần đây, ông Bùi Văn Huy- Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HSC) cho biết, thị trường rơi trạng thái quá bán, nhưng lực cầu khá yếu. Nhiều nhà đầu tư đã đặt lệnh thị trường (MP) để bán bằng mọi giá, quyết thoát hàng do lo ngại nếu cầm cổ phiếu có thể sẽ thua lỗ nặng nề hơn trong những phiên sắp tới.
Thị trường đã bỏ qua cơ hội để bứt phá tốt đó là quãng thời gian này là mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý I và mùa đại hội cổ đông. Ông Huy cho rằng, sức ảnh hưởng của các thông tin này có thể sẽ giảm dần từ nửa sau tháng Tư.
Chuyên gia từ công ty Chứng khoán Sài Gòn- Hà Nội (SHS) thì cho rằng, thị trường đang chịu thêm áp lực call margin (lệnh dừng ký quỹ). SHS nhận định, có thể có hiện tượng call margin ở nhiều nhóm cổ phiếu càng làm cho tình hình giao dịch trên thị trường trở nên tiêu cực.
Dưới góc nhìn vĩ mô, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, từ tháng 3 tới nay, thị trường đang có nhịp điều chỉnh, trong bối cảnh các yếu tố rủi ro từ ngoại biên tác động như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, hay xung đột bất ngờ nổ ra ở Nga – Ukraina.
Những yếu tố ngoại biên đã khiến áp lực lạm phát toàn cầu gia tăng, đặc biệt là sức ép giá cả nguyên vật liệu đầu vào, nhất là năng lượng. Những yếu tố đó tác động tới triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam là không ngoại lệ dù được đánh giá không quá lớn.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán trong nước cũng chịu tác động một phần từ các thông tin sự vụ tại một số doanh nghiệp cụ thể, hay một số tin đồn, tin bất lợi trên thị trường bất động sản,… khiến tâm lý nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân thận trọng và gia tăng hoạt động chốt lời.
Diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng có sự tương đồng với các thị trường quốc tế. Những tín hiệu về khả năng ngân hàng trung ương các nước áp dụng chính sách siết chặt tiền tệ nhằm đối phó với lạm phát và căng thẳng giữa Nga - Ukraina cũng tác động đến tâm lý nhà đầu tư chứng khoán trên toàn cầu. Nhiều thị trường chứng khoán châu Âu, Mỹ và một số thị trường châu Á cũng biến động mạnh và theo chiều hướng giảm.
Dù vậy, triển vọng tích cực của nền kinh tế, cũng như tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2022 vẫn là yếu tố hỗ trợ thị trường chứng khoán. Số lượng tài khoản nhà đầu tư tiếp tục tăng mạnh, đặc biệt là trong tháng 3 vừa qua, số tài khoản giao dịch nhà đầu tư cá nhân mở mới ghi nhận tăng thêm 271.619 tài khoản.
Luỹ kế tới cuối tháng 3/2022, số tài khoản nhà đầu tư cá nhân đạt gần 5 triệu tài khoản, chính thức đạt chỉ tiêu Chính phủ đặt ra là 5% dân số trước 3 năm.
Dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trong những tháng đầu năm, nhưng đến thời điểm hiện tại đã được kiểm soát tốt hơn, các hoạt động kinh tế được khôi phục, tiêu dùng nội địa phục hồi, hoạt động du lịch quốc tế dần được mở cửa trở lại sẽ thúc đẩy triển vọng phục hồi mạnh mẽ hơn của nền kinh tế. Số liệu công bố chính thức cũng đã cho thấy, tăng trưởng GDP quý I đã tăng khá mạnh trở lại, đạt 5,03%.
Đồng thời, mặt bằng lãi suất có khả năng vẫn duy trì ổn định ở mức thấp để hỗ trợ kinh tế phục hồi. Trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành lãi suất theo hướng ổn định, do vậy, dòng tiền có khả năng vẫn tiếp tục được thu hút vào thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, sức ép lên lạm phát là có và không thể chủ quan, nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để kiểm soát trong mục tiêu đề ra.
Cùng với đó, Chính phủ cũng đã quán triệt nhiều chính sách sách tài khóa và tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Riêng với chính sách tài khóa, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ thông qua nhiều giải pháp về trong lĩnh vực thuế, hải quan…, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Đối với lĩnh vực chứng khoán, nhiều chính sách đã được Bộ Tài chính kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp, thị trường và đã chứng minh được hiệu quả trong bối cảnh tác động không nhỏ bởi dịch COVID-19 vừa qua.
Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp vẫn khả quan trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động mạnh mẽ. Tính đến ngày 31/3/2022 có 1.293/1.609 công ty niêm yết và công ty đại chúng quy mô lớn đăng ký giao dịch trên sàn UPCOM đã công bố Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, tương đương 80% tổng số công ty báo cáo.
Trong đó, 1.156/1.293 công ty báo cáo có lãi, chiếm 89% tổng số công ty đã thực hiện báo cáo, cao hơn cùng kỳ năm 2020 là 88%. Nếu tính riêng các công ty niêm yết, có 598/632 công ty niêm yết báo cáo có lãi trong năm 2021, chiếm 95% số công ty niêm yết thực hiện báo cáo, cao hơn số công ty niêm yết báo lãi trong năm 2020 là 584/632, tương đương 92%.
Với triển vọng phục hồi kinh tế, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán đang được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì mức độ tăng trưởng cao trong năm 2022.
(Nguồn: TTXVN)