Quan hệ đối tác nhằm Tăng cường chuỗi cung ứng bền vững và toàn diện (RISE) sẽ hỗ trợ về mặt tài chính và công nghệ cho các quốc gia mới nổi, hiện chủ yếu sản xuất nguyên liệu thô được sử dụng trong các chuỗi cung ứng này, để xây dựng năng lực xử lý những nguyên liệu đó và lắp ráp các sản phẩm cuối cùng. Mục tiêu là đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu chính ổn định trên toàn cầu nhằm hạn chế rủi ro an ninh kinh tế.
Các đối tác khác trong chương trình này là Anh, Hàn Quốc, Canada và Ý. Năm quốc gia đã cam kết tổng đóng góp ban đầu hơn 40 triệu USD, trong đó có 25 triệu USD từ Nhật Bản.
RISE chủ yếu nhắm đến các nước mới nổi và đang phát triển ở Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh tạo nên Miền Nam Toàn cầu. Chile và Ấn Độ đã tham dự sự kiện ra mắt hôm thứ Tư với tư cách là đại diện của những nước nhận hỗ trợ tiềm năng.
"Chúng tôi sẽ kiên định thúc đẩy sáng kiến này với sự hợp tác chặt chẽ với nhiều bên liên quan", Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki cho biết hôm 11/10.
Các bộ trưởng tài chính G7 và ngân hàng trung ương đã đồng ý tạo ra khuôn khổ tại cuộc họp vào tháng 5.
Chuỗi cung ứng toàn cầu hiện phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc về đất hiếm, lithium và các khoáng chất khác được sử dụng trong xe điện, làm dấy lên lo ngại rằng các hạn chế xuất khẩu hoặc thiên tai có thể gây ra sự gián đoạn lớn.
Trung Quốc cũng đang gia tăng dấu ấn của mình trong lĩnh vực xe điện và các tấm pin mặt trời. Với việc các nền kinh tế công nghiệp hóa đầu tư nhiều hơn vào quá trình khử cacbon, G7 coi việc phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào về các nguyên liệu chính là một rủi ro an ninh.
Mặc dù nguồn cung nguyên liệu thô sử dụng trong pin EV tương đối đa dạng, Trung Quốc vẫn nắm giữ thị phần đáng kể trong việc xử lý những nguyên liệu đó và lắp ráp pin. Theo Bộ Tài chính Nhật Bản, Trung Quốc chịu trách nhiệm sản xuất 10% sản lượng lithium của thế giới nhưng chiếm tới 55% quy trình xử lý. Nó chiếm 75% thị phần trong sản xuất pin.
Ít nhất 90% chất nền được sử dụng trong các tấm pin mặt trời cũng được sản xuất tại Trung Quốc.
Nhưng các nền kinh tế tiên tiến không thể tự mình xây dựng chuỗi cung ứng thay thế. Bằng cách hợp tác với Ngân hàng Thế giới, họ hy vọng khai thác được chuyên môn của mình trong việc cung cấp hỗ trợ phát triển trung và dài hạn cho các nước mới nổi và đang phát triển.
Tại hội nghị thượng đỉnh tháng 5 ở Hiroshima, các nhà lãnh đạo G7 đã đưa ra thông cáo kêu gọi giảm rủi ro chứ không phải tách rời chuỗi cung ứng. Ý tưởng là duy trì mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc ngay cả khi họ giảm bớt sự phụ thuộc vào các nguyên liệu quan trọng.
Cách tiếp cận này nhằm xoa dịu nhiều quốc gia ở Nam bán cầu vốn không muốn theo phe chính trị. Mỹ và các quốc gia phương Tây khác cũng tìm kiếm sự hợp tác của Trung Quốc trong một số lĩnh vực nhất định, như chống biến đổi khí hậu.