Yêu con theo cách khác

Tôi không biết nói gì. Điều tốt nhất tôi có thể làm là lặng yên lắng nghe câu chuyện của P.

P. gọi điện cho tôi, giọng như chực khóc, “chị ơi, em nói chuyện với chị được không, em buồn quá.”

Tôi không rõ chuyện gì, nhưng khi P. gọi cho tôi như vậy, hẳn không phải là chuyện vớ vẩn. tôi hẹn em chờ chút xíu, cho con đi ngủ xong xuôi mới gọi lại cho em. Tôi dự đoán, đây hẳn sẽ là câu chuyện dài.

P là một cô gái sôi nổi và nồng nhiệt, lúc nào trông cô cũng tràn đầy năng lượng. Cô hay nói, hay cười, những lúc vui có thể bắn như súng liên thanh hàng tiếng đồng hồ không ngừng nghỉ.

Nhưng P cũng là một cô gái thích tâm sự. Cô thường tìm đến tôi mỗi khi có những ấm ức ở chỗ làm việc, giận dỗi với chồng vì phân chia không xong mấy việc nhà, hay đơn giản chỉ là những than vãn không đầu không cuối về cuộc sống, về những thứ khiến cô cảm thấy chán ghét.

Lần này, qua điện thoại, tôi cảm thấy giọng của P rất khác. Trầm, buồn, chán nản, dường như mọi nỗi buồn đều được cô trút lên ba tiếng, “em buồn quá”.

***

“Hoá ra mẹ biết chồng em từng đánh em chị ạ. Vậy mà mẹ không nói gì.”

Tôi sửng sốt. Em ấy đã từng bị chồng đánh sao? Tôi sẽ không bao giờ có thể tin được, kể cả khi điều đó do P. tự nói ra. Chồng em ấy là một anh chàng có học thức, lịch lãm, ân cần và (trong mắt tôi) anh ta luôn hết lòng chiều vợ và con cái. Dù đã cưới nhau hơn 10 năm nhưng lúc nào trông họ cũng như đôi uyên ương.

“Thôi chuyện đánh em thì chị bỏ qua đi, vì hồi đó bọn em còn trẻ, mới cưới nhau. Em cũng có lỗi vì đã trêu điên anh ấy. Giờ thì anh ấy không như vậy nữa, em cũng biết giữ mồm rồi. Điều làm em buồn là, mẹ em biết em bị chồng đánh mà mẹ em hoàn toàn im lặng.”

Yêu con theo cách khác

Tôi không biết nói gì. Điều tốt nhất tôi có thể làm là lặng yên lắng nghe câu chuyện của P.

P. lấy chồng rất sớm, ngay khi vừa tốt nghiệp đại học. P. chưa có việc làm, chồng cô đang chuẩn bị kết thúc khoá thạc sỹ. Cả hai đều chưa có tiền, chả biết cưới nhau về sẽ sống kiểu gì.

Cô bảo, không hẳn lúc đó cô và chồng cô đã sẵn sàng cho cuộc hôn nhân này. Lý do đám cưới diễn ra là vì cô đã trót mang thai. Mẹ cô một mực muốn đám cưới diễn ra. Mẹ chồng cô muốn trì hoãn sau khi con trai học xong, nhưng không được, nên đành phải gật đầu.

Trước đám cưới, vợ chồng cô căng thẳng, vì tiền không có, mọi thứ chuẩn bị cho đám cưới rất đơn sơ. Nhưng cô không muốn bị mẹ chê. Thiệp cưới dù ít tiền cũng phải xinh xắn. Váy cưới dù không có nhiều tiền thuê cũng nên tìm một cái cho ra trò. Cô còn phải nói dối mẹ là nhà chồng trả tiền thuê váy cưới, thật ra đó là tiền cô tiết kiệm từ việc làm thêm. Không có tiền chụp ảnh cưới ngoại cảnh nên cô nói dối là cô không thích, cô chỉ thích chụp kiểu studio cho giống Hàn Quốc.

Mẹ cô xem ảnh xong chỉ nói một câu, “trông như con mẹ nạ dòng”. Cô nuốt nước mắt vào trong. 10 năm sau, những lời đấy, cô vẫn không thể quên được.

P. kể, bước vào cuộc hôn nhân như 1 sự ban ơn, cô hoàn toàn cảm thấy lép vế. Nhà chồng cô không thoải mái với cuộc hôn nhân này, nên cô không thể đòi hỏi gì cho một đám cưới như ý muốn. Chồng cô là người đơn giản, lúc nào cũng “có sao làm vậy, anh thấy vậy là được rồi.”

Mặt khác, cô lại phải gồng lên để bảo vệ nhà chồng trước những lời chê trách của mẹ đẻ cô. Mẹ cô luôn miệng kể về “đám cưới nhà người khác” hoàng tráng như thế nào, đẹp đẽ ra sao. P. bảo, cô cảm thấy vô cùng ức chế, lúc nào cũng chỉ muốn nói thẳng ra với mẹ, bị ép cưới như vậy, con còn có thể đòi hỏi gì được đây?

***

Đám cưới cuối cùng cũng diễn ra, dù trước đám cưới cô đã ăn một bạt tai của chồng đến nỗi rách cả miệng. Cô bảo đừng cưới xin gì nữa. Cô xé toang bức tranh lồng tên hai đứa mà chồng cô tặng trong một lần đi xa.

Nhưng rồi cô lại mềm lòng.

Sau đám cưới, trong tuần đầu tiên, P. lúc nào cũng hân hoan hạnh phúc. Chồng cô cứ học xong là về nhà ngay, quanh quẩn quấn quýt bên cô không rời. Cô thực sự hạnh phúc.

Mọi chuyện dần thay đổi, khi cô dần làm quen với những thói quen sinh hoạt của chồng. Anh ta thích chơi điện tử, nếu không bận bài vở, anh ta cắm đầu vào chơi, say sưa, sime không còn biết trời đất gì nữa. Kể cả khi cơm cô đã nấu xong, đã dọn ra bàn, anh ta cũng mặc kệ. Cô giục thì anh ta cáu. Lát sau rời máy, cơm canh nguội cả thì đến lượt anh ta cáu, lại bắt cô phải đi hâm lại hết, mặc dù cô đã rửa hết nồi niêu xoong chảo rồi.

Yêu con theo cách khác

P. không chịu được cảnh vô lý này. Cô bất tuân. Cô bảo rằng cô không phải là tuýp người phụ nữ sinh ra để phục vụ đàn ông.

Cứ thế, không ngày nào là hai vợ chồng cô không có chuyện để cãi nhau. Lời qua tiếng lại, hết khôn dồn đến dại, cô buông ra những lời nói chẳng hay ho gì. Má cô hứng trọn những cái bạt tai. Hạnh phúc vỡ như bóng xà phòng.

Cô trút hết mọi đau khổ vào cuốn nhật ký. P. có thói quen viết nhật ký từ hồi cấp 2, từ khi cô bắt đầu có những nỗi niềm không thể tâm sự cùng ai.

Khi gặp và yêu chồng cô, cô bỏ thói quen viết nhật ký, vì mải mê chìm đắm trong hạnh phúc. Cô cứ ngỡ mình đã gặp được một người luôn sẵn sàng lắng nghe bầu tâm sự của mình.

Có lẽ mẹ cô đã đọc nhật ký của cô nên mới biết P. bị chồng đánh. Bà vẫn thường làm vậy từ khi biết con gái mình có nhật ký.

- Tại sao hồi đó em không kể với mẹ là em bị đánh?

- Ôi không chị ơi, em chưa từng một lần nào kể với mẹ về những chuyện buồn của em. Chả ích gì. Mẹ em sẽ dành hàng tiếng đồng hồ thuyết giảng đạo đức. Chẳng có một chút cảm thông, chẳng một lời an ủi. Kể làm gì, chỉ làm mình thêm bực.

Tôi không biết nhiều về mẹ của P. Trong mắt tôi, bà là một người phụ nữ yêu đời, vui vẻ, có lẽ vì thế mà trông bà rất hiện đại và trẻ trung. Qua những hình ảnh được thể hiện trên mạng xã hội, tôi thấy gia đình P. đúng là 1 gia đình kiểu “nhà người ta”: khá giả, con cái giỏi giang, thành đạt, gia đình hạnh phúc, yêu thương, quan tâm lẫn nhau. Các chị em P. đều đã lớn và có gia đình riêng, cha mẹ của P. vẫn thường đưa nhau đi du lịch, trong và ngoài nước, một năm mấy lần.

Tôi không biết nói gì với P. Nếu như P. đã không muốn mẹ biết việc mình bị chồng đánh, thì cô lại chờ mong phản ứng của mẹ cô là gì cơ chứ? Và tại sao cô lại buồn, vì chính cô còn không muốn mẹ biết cơ mà?

Chẳng phải chính P. cũng rất khó hiểu đấy sao?

P. ấm ức bảo tôi, nếu là chị, chị sẽ phản ứng thế nào, khi biết con mình bị đánh? Chị có ngồi yên hay không? Chị không xăm xăm xắn tay áo đi tìm “thằng kia” tính sổ, nhưng chí ít chị cũng ôm con vào lòng mà an ủi chứ? Chả nhẽ chị không nghĩ, nó đánh con mình một lần, thì nó cũng có thể đánh lần hai? Chả nhẽ chị không lo lắng hay sao? Cứ im lặng là giải quyết được hết mọi vấn đề hay sao?

Có thể mẹ em chỉ im lặng quan sát thôi, chờ xem tình hình đến mức nào mới ra tay?

Yêu con theo cách khác

Em không biết, nhưng chị ơi, giá như mẹ em, bóng gió kiểu gì đó cho em biết, nếu buồn quá, nếu cuộc sống khó khăn quá thì còn có mẹ đây. Buồn quá con cứ về. Giá mẹ em nói với em như thế, có phải em sẽ thấy đỡ cô đơn biết bao không chị?

Ngày bé em đi học cũng bị bắt nạt, mẹ em cũng chỉ bảo “con lờ chúng nó đi, đừng tỏ ra tức tối, chúng nó sẽ chán mà không trêu chọc con nữa”. Rồi em cũng vật vã qua mấy năm cấp 2 mà không có bạn bè. Mẹ em không chấp nhận em yếu đuối, mẹ muốn em phải mạnh mẽ, ở mặt trận nào cũng phải là người làm chủ cuộc chơi. Cũng tốt thôi chị ơi, nhưng cũng có lúc em mệt mỏi, em muốn mẹ chấp nhận rằng em đã thua.

“Nhưng mà nhé, giờ em phải cảm ơn mẹ chứ. Nếu ngày xưa mẹ em không ép cưới, nếu mẹ em không im lặng vờ như không biết, thì chắc gì em đã hạnh phúc được như ngày hôm nay. Nên kiểu gì mẹ em cũng có công đấy chứ.” Tôi cố vớt vát để bào chữa cho mẹ của P. Tôi luôn nghĩ, không có người mẹ nào không thương con, chỉ là họ có lỹ lẽ riêng của họ.

“Em nghĩ là do em tự trưởng thành. Em biết rút kinh nghiệm. Em biết giữ mồm giữ miệng hơn. Em biết nhịn nhục. Trong suốt hành trình hôn nhân của em, mẹ em chưa cho em lời khuyên nào cả. Mẹ em chỉ bất bình về nhà chồng em, than phiền về những thói xấu của chồng em, và luôn kể về những anh con rể “nhà người ta”. Đã có lúc em còn tự hỏi không biết mẹ em muốn gì.

Mẹ em cũng chẳng bao giờ biết được, em đã trải qua những gì. Thế rồi giờ mẹ lại trách em là không bao giờ tâm sự với mẹ. Lúc nào cũng là lỗi từ em. Chưa một lần nào mẹ em nói, ừ, lúc đó mẹ sai rồi.

Em biết mẹ thương em, nhưng có lẽ mẹ thương em theo cách khác.”

“Em không giận mẹ, vì mọi chuyện đã qua lâu rồi. Em chỉ buồn thôi. Em sẽ không bao giờ đối xử với con em như thế. Em sẽ cho con biết, NHÀ luôn là nơi an toàn để trở về.” 

Cơm Khê

Xổ số Vietlott 23/9/2020 - Trực tiếp Vietlott Mega 6/45 thứ 4 ngày 23/9/2020

Xổ số Vietlott 23/9/2020 - Trực tiếp Vietlott Mega 6/45 thứ 4 ngày 23/9/2020

Xổ số Vietlott hôm nay 23/9/2020 bắt đầu quay số mở thưởng lúc 18h, với loại hình Mega 6/45: