25 ngày Việt Nam không có ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, thế giới thêm 70.000 bệnh nhân

Theo Bản tin Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch COVID-19, tính từ 6h ngày 16/4 đến 6h ngày 11/5, Việt Nam trải qua 25 ngày không có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng.

Trong số 288 bệnh nhân mắc COVID-19 đã được ghi nhận tại Việt Nam có 148 ca mắc nhập cảnh được cách ly ngay; 140 ca do lây nhiễm trong cộng đồng. 

Việt Nam đã có 241 (84%) trường hợp khỏi bệnh; 47 bệnh nhân mắc COVID-19 còn lại đang được điều trị, theo dõi sức khỏe tại 6 cơ sở khám, chữa bệnh. Hiện 6 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2  và 14 bệnh nhân có kết quả âm tính 2 lần trở lên với virus SARS-CoV-2, chỉ còn lại 27 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Một nhóm người ở tỉnh Shizuoka đứng trên vỉa hè để vỗ tay thể hiện sự ủng hộ với các nhân viên y tế - hành động rất phổ biến ở châu Âu trong thời kỳ đại dịch. Ảnh: AP.
Một nhóm người ở tỉnh Shizuoka đứng trên vỉa hè để vỗ tay thể hiện sự ủng hộ với các nhân viên y tế - hành động rất phổ biến ở châu Âu trong thời kỳ đại dịch. Ảnh: AP.

Bệnh nhân 91 là nam phi công người Anh đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM vẫn đang trong tình trạng rất nguy kịch. Sáng 10/5, Trung tâm điều hành chẩn đoán, điều trị bệnh nhân nặng mắc COVID-19 tại Cục Quản lý Khám chữa bệnh, cùng các chuyên gia tại các Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh nhiệt đới TP.HCM cùng Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã cùng hội chẩn liên viện để đánh giá khả năng ghép phổi cho bệnh nhân này.

Các chuyên gia đã đề xuất xem xét khả năng chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị nội khoa tích cực và đánh giá khả năng ghép phổi.

Đến nay, 25.361 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly). Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện là 373 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác là 11.181 người và cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 13.807 người.

Trong khi đó, trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm gần 70.000 ca nhiễm mới, nâng tổng số người nhiễm COVID-19 lên hơn 4,177 triệu người và 283.720 ca tử vong.

Mỹ hiện ghi nhận hơn 1,367 triệu ca nhiễm và 255.654 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, Mỹ tăng thêm gần 20.000 ca nhiễm và hơn 700 ca tử vong. Tây Ban Nha là nước đứng thứ hai với 264.663 ca nhiễm và 26.621 ca tử vong.

Anh là nước xếp thứ ba với hơn 219.000 ca nhiễm và gần 32.000 ca tử vong. Tiếp theo là Italy với hơn 219.000 ca nhiễm và 30.560 ca tử vong. Italy hiện xếp thứ ba về số người chết vì COVID-19, sau Mỹ và Anh.

Trong khi đó, tại Nam Phi, số ca nhiễm COVID-19 đã vượt ngưỡng 10.000. Ngày 10/5, Bộ Y tế Nam Phi thông báo nước này đã ghi nhận thêm 595 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua, nâng tổng số người mắc COVID-19 tại đây lên 10.015 trường hợp, trong đó có 194 ca tử vong.

Theo Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize, cho đến thời điểm hiện tại, nước này đã thực hiện việc xét nghiệm COVID-19 cho 341.336 trường hợp sau khi tiến hành đo thân nhiệt cho hơn 7 triệu người.

Riêng trong 24 giờ qua, lực lượng y tế đã tiến hành xét nghiệm cho 17.257 người – con số cao nhất kể từ khi Nam Phi công bố ca đầu tiên hôm 5/3. Cho đến thời điểm hiện tại, 4.173 bệnh nhân mắc COVID-19 tại Nam Phi đã bình phục.

PV (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương