Bắt đầu dự trữ hàng Tết Nguyên đán 2021

Bộ Công Thương đang lên kế hoạch bình ổn thị trường cuối năm và Tết Tân Sửu. Các tỉnh, thành cũng đã chủ động chuẩn bị hàng Tết.

Lưu ý những mặt hàng có khả năng mất cân đối cung-cầu trong ngắn hạn

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, cho biết Bộ đã thực hiện kế hoạch bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Tân Sửu, đảm bảo hàng hóa cung ứng mùa cao điểm. Cùng với đó là thực hiện chương trình bình ổn với mặt hàng chính: lương thực, thực phẩm, thịt gia súc, gia cầm. Đặc biệt, là những mặt hàng có khả năng mất cân đối cung-cầu trong ngắn hạn, để kịp thời đưa ra các giải pháp điều hành.

Bộ đã chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng chương trình bình ổn thị trường các giai đoạn sát Tết, tăng cường các điểm bán khu công nghiệp, vùng sâu vùng xa… để đảm bảo người dân không thiếu hàng, sốt giá.

Các doanh nghiệp đã lên kế hoạch dữ trữ nguồn hàng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2021 từ rất sớm. Ảnh: BigC
Các doanh nghiệp đã lên kế hoạch dữ trữ nguồn hàng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2021 từ rất sớm. Ảnh: BigC

Năm nay, dịch COVID-19 bùng phát trong hai giai đoạn tháng 3- 4 và cuối tháng 7, đã ảnh hưởng nặng nề đến thị trường hàng hóa trong nước, nhất là trong giai đoạn cách ly xã hội vào tháng 4, khiến cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại bị hạn chế. Vì vậy, thị trường đã xảy ra hiện tượng nhu cầu một số hàng hóa tăng đột biến trong một vài thời điểm, khi có ca nhiễm bệnh trong cộng đồng, dẫn đến gián đoạn nguồn cung cục bộ tại một số điểm bán hàng.

Tuy nhiên, sau thời gian bị ảnh hưởng dịch COVID-19, thị trường hàng hóa đã sôi động trở lại với các hoạt động kích cầu, khuyến mãi từ tháng 7. Giá cả không còn biến động bất thường.

Doanh nghiệp chủ động trữ hàng sớm

Thông tin về kế hoạch chuẩn bị hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan cho biết các doanh nghiệp cung ứng lớn đã dự trữ hàng hóa từ khá sớm. Doanh nghiệp cũng chủ động nguồn cung sẵn sàng bổ sung, đưa hàng về Hà Nội khi nhu cầu tăng đột biến.

Lượng hàng hóa tại kho của các doanh nghiệp luôn bảo đảm cung ứng đủ cho thị trường Hà Nội trong vòng 60 - 90 ngày. Một số đơn vị bán lẻ lớn, như Tập đoàn Central Retail (chuỗi siêu thị Big C, Lan Chi), Tập đoàn BRG (hệ thống siêu thị Hapro, Intimex, SEIKA mart, BRG Mart…), Co.opmart,... đã tăng lượng dự trữ lương thực, thực phẩm thiết yếu từ 300% đến 500% so với bình thường.

Bà Trần Thị Phương Lan cho biết thêm Hà Nội đã lập các tổ nắm bắt thông tin thị trường hàng hóa, tổ điều phối hàng hóa, chủ động ký kết với các đơn vị phân phối, để bảo đảm nhu cầu hàng hóa cho nhân dân.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng cung cấp danh sách 2.156 địa điểm, giúp các doanh nghiệp có thể mở thêm kho hàng dự trữ và bán lưu động khi cần thiết. Thành phố cũng duy trì hoạt động của hệ thống thương mại, gồm 142 siêu thị, 27 trung tâm thương mại, 1.700 cửa hàng tiện lợi, 455 chợ và 11.382 trang web, sàn thương mại điện tử...

Gạo, thực phẩm là các nhóm hàng thiết yếu được doanh nghiệp ưu tiên dự trữ sớm cho thị trường  Tết 2021 . Ảnh: ND
Gạo, thực phẩm là các nhóm hàng thiết yếu được doanh nghiệp ưu tiên dự trữ sớm cho thị trường Tết 2021 . Ảnh: ND

Trong bối cảnh dịch COVID-19, bà Lan cho biết Hà Nội đã triển khai sớm kế hoạch bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu phục vụ thị trường cuối năm. Theo đó, thành phố đẩy mạnh đa dạng hóa mạng lưới phân phối, bảo đảm hàng hóa đến tay người tiêu dùng nhanh chóng, thuận lợi nhất.

Các nhóm hàng trong chương trình bình ổn thị trường gồm lương thực, thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản, trứng, thực phẩm chế biến, rau củ quả tươi, đường, dầu ăn, gia vị, sữa và nhóm hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết, như bánh, mứt, kẹo, nước giải khát…

Tại Đồng Nai, địa phương này cũng đã chủ động nguồn hàng hóa phục vụ thị trường cuối năm. Chương trình bình ổn giá của tỉnh Đồng Nai triển khai với 12 mặt hàng, gồm gạo, mì gói, thực phẩm chế biến đóng hộp, thịt gà, heo, trứng gia cầm, đường, dầu ăn, gia vị, nước chấm. Bên cạnh đó còn có sách giáo khoa, vở học sinh.

Riêng với chương trình bình ổn giá vào dịp Tết Nguyên đán 2021, Đồng Nai cho biết các hợp tác xã tham gia bán hàng lưu động phải kinh doanh mặt hàng phù hợp với danh mục 10 nhóm/mặt hàng nói trên (trừ sách giáo khoa và vở học sinh).

Đồng Nai dự kiến dành nguồn vốn 7 tỷ đồng cho các đơn vị tham gia bình ổn thị trường Tết vay không lãi suất. 

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán 2021, thành phố Vũng Tàu đã đưa ra các giải pháp góp phần cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định giá thị trường, nhất là hàng thiết yếu.

Chương trình hỗ trợ vốn không lãi suất cho doanh nghiệp thực hiện chương trình bình ổn giá vẫn được các tỉnh duy trì. Ảnh: muaban.net
Chương trình hỗ trợ vốn không lãi suất cho doanh nghiệp thực hiện chương trình bình ổn giá vẫn được các tỉnh duy trì. Ảnh: muaban.net

Theo đó, các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh phải xây dựng kế hoạch để cân đối nguồn hàng, không để xảy ra tình trạng khan hàng trong dịp Tết Nguyên đán.

Chia sẻ thêm về kiểm tra kiểm soát thị trường cuối năm, ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, cho hay những tháng cuối năm, tình hình buôn bán, hàng giả, hàng nhái diễn ra phức tạp hơn. Nhất là năm nay dịch bệnh COVID-19 hoành hành, các mặt hàng cần kiểm soát chặt chủ yếu tập trung hàng y tế.

Tổng cục Quản lý thị trường cũng đang kiểm tra các mặt hàng nóng, trọng điểm và có nhu cầu cao trong dịp Tết Nguyên đán, như thuốc lá, rượu bia, nước giải khát, pháo nổ, quần áo, giày dép, mỹ phẩm…

Quản lý thị trường sẽ phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, về niêm yết giá, nhất là các mặt hàng nhu yếu phẩm, xử lý nghiêm việc trà trộn lưu thông hàng giả, hàng không rõ xuất xứ.

TP.HCM chi 813 tỷ đồng cho người dân ăn Tết Tân Sửu

Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đã có tờ trình gửi UBND TP.HCM, về kế hoạch tổ chức hoạt động và chăm lo Tết Tân Sửu năm 2021, với kinh phí dự kiến khoảng 813 tỷ đồng.

Theo đó, 525 cán bộ lão thành cách mạng, nhân sĩ trí thức, mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống, thương binh nặng, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm 81%, được đề xuất tặng quà, tiền trị giá 3,1 triệu đồng/suất.

Phần quà trị giá 1,7 triệu đồng/suất sẽ tặng cho 1.200 thương binh nặng, bệnh binh, anh hùng Lực lượng vũ trang, anh hùng Lao động, thân nhân của 2 liệt sĩ trở lên…

150 gia đình có con em đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 sẽ được tặng quà trị giá 2,7 triệu đồng/suất. Cùng với đó, 32 hộ giữ rừng ngập mặn Cần Giờ được tặng quà trị giá 1 triệu đồng/hộ.

Phần quà 1,3 triệu đồng/suất tặng gần 292.000 đối tượng chính sách có công khác.

145.000 cán bộ, công chức, viên chức, đang công tác trong khu vực hành chính sự nghiệp sẽ được tặng quà trị giá 1,5 triệu đồng/suất.

Với hộ nghèo và cận nghèo khoảng 18.700 hộ, TP.HCM dự kiến tặng quà 1,25 triệu đồng/suất.

Khoảng 150.700 người diện bảo trợ xã hội, khuyết tật, người già trên 80 tuổi trở lên, sẽ được nhận 1,15 triệu đồng/người.

NHẬT SANG

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương