"Cuộc chiến" mì gói: 1001 chiêu quảng cáo dắt mũi người tiêu dùng (bài 3)

Để giành giật thị phần, các hãng mì lao vào cuộc đua quảng cáo trên truyền hình và sẵn sàng chi tiền tấn cho nhà đài.

Muôn kiểu quảng cáo mì

Chi phí quảng cáo cho mỗi giây trên sóng truyền hình không hề nhỏ miễn thông điệp được truyền đi để người tiêu dùng chịu móc túi mua mì là được.

Những thông điệp quảng cáo được truyền đi với hình ảnh sống động, thậm chí là “bỏng mắt” người xem. Như mì Omachi từng tung ra bộ ảnh nàng Eva bị “Cám dỗ” trong vườn địa đàng với sự xuất hiện của Ngọc Trinh lột sạch đồ tay cầm hộp quà màu đỏ bên trong chứa 2 gói mì.

Bộ ảnh thả rong quảng cáo mì của "nữ hoàng nội y" gần như khỏ‌a thâ‌n hoàn toàn đã làm cho người tiêu dùng một một phen "mãn nhãn". Chưa biết chất lượng mì như thế nào, nhưng rõ ràng giới truyền thông thời điểm đấy đã tốn không ít giấy mực cho phi vụ quảng cáo bá đạo của thương hiệu mì này.

Hình ảnh quảng cáo mì Omachi. 
Hình ảnh quảng cáo mì Omachi. 

Thương hiệu mì này còn bị người tiêu dùng móc mẽ về quảng cáo mì khoai tây chiên Omachi 100% làm từ khoai tây, ăn nhiều không lo bị nóng. Nhưng công nghệ sản xuất mì gói thì ai cũng biết, đều làm từ bột mì tinh luyện và các chất phụ gia chỉ có một lượng nhỏ khoảng 5% là bột khoai tây đã qua tinh luyện. Nhiều người tiêu dùng thông thái đặt câu hỏi đây có phải là cách đánh tráo khái niệm khiến cho người tiêu dùng nhầm lẫn, mặc định rằng sợi mì được làm hoàn toàn 100% từ khoai tây?

Không chỉ mì Omachi mà mì Gấu đỏ - Asia Foods cũng từng bị lật tẩy quảng cáo không đúng sự thật, khi thông điệp quảng cáo mì nhấn mạnh “3 không” (không sử dụng phẩm màu, chất bảo quản và chất điều vị) nhưng ngay trên thành phần bao bì sản phẩm này lại có sự hiện diện của hai thành phần muối phosphete (45li, 452i).

Theo các nhà khoa học, chất 45li có tên khoa học là Pentasodium triphosphate, thường được sử dụng như chất bảo quản trong hải sản, thịt, gia cầm, thức ăn chăn nuôi... Còn 452i là Sodium polyphosphate còn được dùng để thay thế hàn the trong sản xuất thực phẩm.

Chiến lược quảng cáo mì Gấu Đỏ. 
Chiến lược quảng cáo mì Gấu Đỏ. 

Chưa dừng lại ở đó, mì Gấu Đỏ còn từng có chiến lược quảng cáo: Mỳ Gấu đỏ - kết nối yêu thương sử dụng hình ảnh những trẻ em bị ung thư để quảng bá cho thương hiệu mì của mình. Không chỉ lấn sân vào khung giờ vàng quảng cáo, mì Gấu đỏ còn rầm rộ treo baner quảng cáo khổ lớn, áp phích, thậm chí đến cả việc quảng cáo trên xe bus…

Người tiêu dùng thời điểm đó đã “ném đá” khi cho rằng thương hiệu này đang sử dụng hình ảnh người nghèo, trẻ em ung thư có hoàn cảnh hiểm nghèo để quảng cáo, lợi dụng lòng trắc ẩn người tiêu dùng để bán hàng và tăng doanh thu cho thương hiệu mì này.

Còn đối với quảng cáo của thương hiệu mì Unif của Vifon cũng không kém cạnh khi đánh vào tâm lý sợ ăn mì của một bộ phận người dân do mì ít chất dinh dưỡng. Quảng cáo thương hiệu này đã truyền đi thông điệp “mì sợi nhỏ, có vitamin E” thổi bay tâm lý sợ mì gói của người tiêu dùng và hình ảnh các diễn viên nhí liên tục lặp đi lặp lại tên mì Unif để ăn sâu vào tiềm thức của người xem.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa?

Nói về hình ảnh quảng cáo của các công ty mì chị Nguyễn Thị Vy (45 tuổi, quận Tân Phú, chủ tiệm tạp hóa Thanh Vy) chia sẻ câu chuyện cười ra nước mắt của một vị khách hàng nhí đã mang trả 4 gói mì vừa mua vì lý do mì không có tôm như hình ảnh ngoài bao bì.

Nói về hình ảnh quảng cáo của các công ty mì, theo Luật sư Ánh Ngọc, Công ty luật T&Q, đa số các doanh nghiệp quảng cáo mì, phở ăn liền đã tính tới những phương án dự trù. Mặc dù trên gói mì có rất nhiều hình ảnh minh họa không đúng sự thật: hình ảnh tôm, thịt … nhưng phía dưới bao bì họ luôn có dòng chữ “Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa”.

Nếu người tiêu dùng khiếu nại doanh nghiệp, về việc chất lượng thực tế và hình ảnh thì đó là cơ sở pháp lý để các doanh nghiệp giải thích với người tiêu dùng.

Hình ảnh thịt tôm chỉ mang tính chất minh họa. 
Hình ảnh thịt tôm chỉ mang tính chất minh họa. 

Luật sư Ánh Ngọc cho biết, theo nghị định Chính phủ số 158 năm 2013, điều số 51 trong nghị định vi phạm về hành vi cấm quảng cáo, cụ thể khoản 5 quy định về phạt tiền từ 50-70 triệu đối với hành vi quảng cáo sai sự thật, không đúng quy cách, không đúng chất lượng, lừa dối gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng.

Nếu quảng cáo không ảnh hưởng đến quá nhiều người thì sẽ dừng lại ở mức độ xử phạt hành chính, và buộc khắc phục hậu quả là thu hồi sản phẩm, thu hồi quảng cáo và có thông tin đính chính. Còn đối với những sản phẩm quảng cáo gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người như thuốc điều trị bệnh thì sẽ bị xử lý hình sự.

Có thể thấy, quảng cáo sản phẩm mì gói là cả một công nghệ "đánh lừa" thị giác của người tiêu dùng. Vì thế, hãy là người tiêu dùng thông thái, đừng dễ dàng bị đánh lừa hay bị dắt mũi bởi quảng cáo hay những chiến thuật tiếp thị tinh vi của các doanh nghiệp kinh doanh mì gói.

* Còn tiếp...

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương