Dịch Covid-19 có thực sự giảm bớt khi vào hè?

Hiện tại vẫn chưa có bằng chứng cho thấy khi vào mùa hè virus Covid-19 sẽ bị ảnh hưởng và làm giảm số ca nhiễm.

Có một vài thông tin cho rằng, dịch Covid-19 sẽ sớm có nhiều thay đổi khi nhiệt độ tăng, đặc biệt là vào mùa hè. Trên thực tế, đại dịch thường không diễn biến giống như các bệnh phát theo mùa. 

Cúm thường xuất hiện vào mùa đông trong khi thương hàn lại gia tăng vào mùa hè, hay như bệnh sởi giảm vào mùa hè ở vùng ôn đới nhưng lại đạt cực đại vào mùa khô ở nhiệt đới. 

Dịch Covid-19 xuất hiện vào giữa tháng 12/2019, cho đến nay đã bùng phát và lan rộng ở rất nhiều nơi trên thế giới. Nhiều điểm bùng phát lớn ở khu thời tiết mát mẻ, điều này khiến nhiều người cho rằng vào mùa hè dịch sẽ chấm dứt. 

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo cần phải thận trọng khi áp dụng các suy đoán về đại dịch như các loại cúm mùa khác. 

Dịch Covid-19 có thực sự giảm bớt khi vào hè?

Theo chuyên gia, virus corona là virus bao bọc trong các phân tử chất béo (lipid), có lớp vỏ ngoài có gai như vương miện. Chính lớp lông nhờn ở vỏ ngoài làm cho virus dễ bị nóng hơn so với các loại khác. Nếu ở điều kiện lạnh, lớp lông này sẽ đông lại nhu cao su để bảo vệ virus lâu hơn khi ở bên ngoài cơ thể con người.

Nghiên cứu chỉ ra rằng, virus Covid-19 có thể tồn tại trên 72 giờ trên bề mặt cứng như nhựa, thép ở nhiệt độ từ 21-33 độ C, độ ẩm 40%. Cách thức Covid-19 hoạt động ở nhiệt độ và độ ẩm khác vẫn đang được nghiên cứu nhưng những nghiên cứu về các chủng khác của virus corona cho thấy chúng có thể tồn tại ở môi trường bên ngoài lên tới 28 ngày trong một số trường hợp.

Loại virus có liên quan đến dịch SARS cũng được kết luận là có khả năng sống sót tốt nhất trong điều kiện khô mát. Loại virus này có thể sống trên bề mặt khô nhẵn hơn 5 ngày vẫn có thể lây nhiễm nếu môi trường xung quanh có nhiệt độ 22-25 độ C và độ ẩm trong khoảng 40-50%. Nhiệt độ và độ ẩm càng cao thì thời gian virus sống sót càng ngắn.

Chuyên gia nghiên cứu về tác động của thay đổi môi trường đối với đa dạng sinh học tại Bảo tàng Khoa học Tự nhiên Quốc gia ở Madrid, Tây Ban Nha, ông Miguel Araújo cho rằng, nếu virus gây ra đại dịch Covid-19 có nhạy cảm tương tự với độ ẩm, nhiệt độ thì số ca mắc bệnh sẽ bùng phát vào các thời điểm khác nhau. 

Mặc dù vậy, ông cảnh báo: “Thật hợp lý khi hy vọng hai loại virus này (virus corona gây dịch SARS năm 2003 và virusgây dịch Covid-19 – ND) chia sẻ hành vi tương tự nhau. Nhưng đây không phải phương trình một biến. Virus lây lan từ người sang người. Càng nhiều người tụ tập và họ càng tiếp xúc nhiều với nhau thì sẽ càng có nhiều ca bệnh. Hành vi của họ là chìa khóa để hiểu được sự lây lan của virus”.

Một nghiên cứu khác lại cho rằng virus này lây lan hầu hết ở các thành phố và khu vực, nhiệt độ trung bình là từ 5 -11 độ C, độ ẩm thấp. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp ở nhiệt đới. 

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Y Harvard phát hiện virus  gây đại dịch Covid-19 ít nhạy cảm với thời tiết hơn nhiều người hy vọng. Cụ thể, sự lây lan nhanh của dịch bệnh ở các thành phố, tỉnh có thời tiết khô hanh ở Trung Quốc nhưng các vùng nhiệt đới khác lại không bị ảnh hưởng mấy, vì vậy cần có sự can thiệp rộng rãi để kiểm soát dịch. Có thể sự lây lan của virus không chỉ đơn giản phụ thuộc vào khả năng sống sót của nó trong môi trường.

Virus Covid-19 lây từ người sang người, vì vậy một số thay đổi hành vi của con người theo mùa cũng liên quan đến sô ca nhiễm. Ví dụ việc di chuyển của người dân Trung Quốc cũng là một tác nhân gây lây truyền bệnh. Hơn nữa, thời tiết tác động đến hệ miễn dịch dễ khiến chúng ta mắc bệnh hơn. 

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng  lượng vitamin D trong cơ thể con người có ảnh hưởng đến việc chúng ta dễ bị tổn thương thế nào trước các bệnh truyền nhiễm. Vào mùa đông, cơ thể con người ít tạo ra vitamin D hơn khi không có nhiều cơ hội tiếp xúc với ánh sáng Mặt trời.

Hiện đang còn nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề thời tiết ảnh hưởng đến virus cũng như hệ miễn dịch của con người. 

Có nhiều bằng chứng khẳng định độ ẩm có thể tác động lớn đến tính dễ bị tổn thương của con người trước bệnh tật. Khi không khí đặc biệt khô, điều này được cho là làm giảm lượng chất nhầy bao quanh phổi và bao phủ đường thở. Chất nhầy này chính là lớp bảo vệ tự nhiên chống lại nhiễm trùng và khi nó ít đi thì khả năng nhiễm virus sẽ cao lên.

Giáo sư kiểm soát bệnh truyền nhiễm, chuyên gia về virus tại Viện Karolinska ở Stockholm, Thụy Điển, Jan Albert cho biết, dịch Covid-19 không thể biến mất hoàn toàn khi vào mùa hè như mọi người tưởng tương. Nó còn có thể quay lại vào mùa thu, mùa đông, tuy nhiên việc giảm bớt ca nhiễm vào mùa hè là tín hiệu tốt. 

Ông nhấn mạnh: “Các biện pháp mà chúng ta đang thực hiện để kiểm soát dịch rất tốn kém về mặt kinh tế nhưng nếu điều này có thể giúp chúng ta tạm đẩy lùi đại dịch vào mùa hè thì hệ thống y tế sẽ có thêm thời gian để chuẩn bị trong trường hợp Covid-19 thực sự có tính thời vụ".

Thanh Mai

Phủ Tây Hồ ngày mùng 1 vẫn chật kín người bất chấp dịch bệnh

Phủ Tây Hồ ngày mùng 1 vẫn chật kín người bất chấp dịch bệnh

Dù đã được khuyến cáo về việc nguy cơ lây nhiễm khi ở đám đông và không đeo khẩu trang nhưng vẫn có một số người không thực hiện.