Ngoài tham gia dẹp bạo loạn, triệt phá băng nhóm tội phạm, Kỵ binh Việt Nam còn có nhiệm vụ gì?

Cảnh sát kỵ binh ở Việt Nam và các nước trên thế giới hoạt động như thế nào, được tuyển chọn và huấn luyện khắc nghiệt ra sao?

Lực lượng kỵ binh ra đời khi nào?

Tài liệu về lịch sử cảnh sát kỵ binh trên trang emerald.com, cho hay, những tư liệu lịch sử lâu đời nhất về cảnh sát kỵ binh được tìm thấy trong Articles of War (Các Điều khoản chiến tranh) của vua Charles, Anh, xuất bản năm 1629. Đây là tập hợp các quy định được soạn thảo quy định hành động các lực lượng quân đội và hải quân của một quốc gia.

Mô hình cảnh sát kỵ binh của Anh sau đó được áp dụng cho các thuộc địa của vương quốc trong thời kỳ hoàng kim của đế quốc Anh ở thế kỷ 19. Trong suốt thời kỳ này, các lực lượng cảnh sát kỵ binh được thành lập Châu Phi, Trung Đông, Ấn Độ, Canada và các thuộc địa của Anh ở khu vực Thái Bình Dương. Tại đây, mô hình này tiếp tục phát triển mạnh mẽ cho tới thời kỳ có ô tô. 

Ngoài mô hình của Anh, cảnh sát kỵ binh truyền thống cũng phát triển ở bang Texas, Mỹ, với đội biệt động Texas Rangers và có ảnh hưởng nhiều nhất đến các bang láng giềng Arizona, New Mexico cũng như ảnh hưởng sang Mexico.

Emerald.com cho hay, trong những năm gần đây, cảnh sát kỵ binh cũng đã được hồi sinh, dù chủ yếu là ở các đô thị thay vì làm nhiệm vụ ở biên giới hoặc khu vực khác. 

Theo bài viết về lịch sử cảnh sát kỵ binh ở một số nước mà Christian Science Publishing Society đăng tải năm 2000, năm 1758, đội tuần tra kỵ binh phố Bow của London, Anh, trở thành lực lượng cảnh sát kỵ binh được ghi nhận đầu tiên.

Trong giai đoạn từ 1800-1850, các đơn vị cảnh sát kỵ binh được thành lập tại các thành phố như Dublin, Ireland và Calcutta, Ấn Độ.

Năm 1870, cơ quan cảnh sát Boston, Mỹ đã thuê một sĩ quan kỵ binh và tăng thêm 27 sĩ quan kỵ binh ngay 1 năm sau. Cơ quan cảnh sát New York, Mỹ thành lập đơn vị cảnh sát kỵ binh năm 1871.

Những năm 1950, cảnh sát kỵ binh trở nên phổ biến trong các sự kiện công cộng ở Boston và bắt đầu tuần tra ở các công viên, khu vực vui chơi giải trí của thành phố. Những năm 1970, cảnh sát kỵ binh được sử dụng thành công để kiểm soát đám đông và bạo loạn trong cuộc khủng hoảng xe buýt trường học ở Boston. Sau khi cắt giảm ngân sách, kỵ binh cảnh sát ở Boston giảm từ 100 xuống còn 16 như thời điểm năm 2000. 

Năm 1873, đơn vị thiện xạ kỵ binh North West được thành lập ở Canada. Đơn vị này sau đó tiếp tục trở thành đơn vị cảnh sát kỵ binh hoàng gia Canada nổi tiếng. 

Đội kỵ binh của Việt Nam

Theo Trung tướng Phạm Quốc Cương, Tư lệnh Cảnh sát cơ động (Bộ Công an), giống ngựa được chọn cho Đoàn có sức khỏe tốt, khả năng thích nghi cao với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, ngoại hình phù hợp để làm nhiệm vụ triệt phá các băng ổ nhóm tội phạm ở vùng sâu vùng xa, hẻo lánh; những nơi ôtô, môtô không thể chạy được.

Kỵ binh cũng có thể vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm, hành quân tới vùng sâu, vùng xa, tham gia cứu hộ, cứu nạn; tham gia các nghi thức Nhà nước, đón nguyên thủ các quốc gia đến Việt Nam nếu được cho phép.

Ngoài ra, kỵ binh sẽ tham gia các cuộc thi, đua ngựa quốc tế để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, phục vụ chiến đấu.

Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an, cho biết kỵ binh còn có thể được điều động làm nhiệm vụ dẹp bạo loạn, giải tán đám đông tương tự một số nước; tuần tra, xuất hiện ở các điểm du lịch, các dịp kỷ niệm, lễ lớn để tạo sự thân thiên của hình ảnh cảnh sát kỵ binh với bạn bè, du khách quốc tế...

Kể từ khi thành lập tới nay, Đoàn cảnh sát cơ động kỵ binh đã thuần dưỡng, huấn luyện, làm chủ được hơn 60 ngựa hoang dã nguồn gốc từ nước ngoài; số ngựa này sinh thêm được 4 ngựa con.

Đoàn cảnh sát cơ động kỵ binh đang huấn luyện và thuần dưỡng ngựa ở Trung tâm nghiên cứu và phát triển chăn nuôi miền núi (xã Bình Sơn, TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên). Cán bộ, chiến sĩ của Đoàn đã huấn luyện thành thục ngựa đi theo nghi thức, từng nhóm 4 đến 10 con hàng ngang, hoặc nối đuôi nhau, chạy, nhảy theo hiệu lệnh...

Đại tá Nguyễn Huy Hạnh, Trưởng Đoàn cảnh sát cơ động kỵ binh cho biết, với sự hướng dẫn của chuyên gia nước ngoài, việc huấn luyện và thuần dưỡng ngựa đến nay đã đạt kết quả tốt; các chiến sĩ đã nắm được các kỹ thuật cơ bản cũng như kỹ năng nâng cao khi đi tuần tra, đấu tranh với tội phạm.

"Chúng tôi đang xây dựng quy chuẩn, quy trình thuần hóa để ngựa phù hợp với các chức năng, nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm và đảm bảo an ninh trật tự theo yêu cầu thực tế", đại tá Hạnh thông tin thêm.

Đội kỵ binh Mỹ 

Với lợi thế về chiều cao, tầm nhìn, tính cơ động, ngày nay hầu hết cảnh sát kỵ binh ở các nước sẽ làm những nhiệm vụ sau đây: Cưỡi ngựa, kiểm soát đám đông tại các sự kiện cộng đồng và công cộng; điều tiết giao thông; đôi khi truy tìm nghi phạm; tuần tra, tìm kiếm, cứu nạn vì ngựa có khả năng đi tới những nơi xe cơ giới không thể đi vào.

Một nữ cảnh sát kị binh ở Brazil năm 2015. Ảnh: Guilmann
Một nữ cảnh sát kị binh ở Brazil năm 2015. Ảnh: Guilmann

Cưỡi trên lưng ngựa giúp cảnh sát kỵ binh quan sát được khu vực rộng lớn hơn, đồng thời giúp người dân từ xa đã nhìn thấy cảnh sát. Điều này giúp răn đe tội phạm và giúp người dân dễ dàng tìm được cảnh sát khi họ cần, theo báo Mỹ The New York Times. 

Ở một số nơi như Anh, do đặc thù về tầm quan sát trên lưng ngựa và sự oai vệ của cảnh sát kỵ binh khiến họ thường xuất hiện để bảo vệ các trận thi đấu bóng đá, hoặc trấn áp đám đông.

Quá trình huấn luyện cảnh sát kỵ bịnh kéo dài khoảng ba năm, sau khi cảnh sát viên đã có bằng đại học và được đào tạo chính quy. Đội kỵ binh U.S Park ở Washington D.C, Mỹ có một chương trình huấn luyện yêu cầu phải có 400 giờ lên lớp nghiêm ngặt, bao gồm điều khiển ngựa, hành vi của loài ngựa, giải phẫu và sinh lý học của loài ngựa, kỹ năng nâng cao về kiểm soát đám đông, và đào tạo tìm kiếm và giải cứu. Một cảnh sát kỵ binh còn phải có một tình yêu dành cho loài ngựa và động vật nói chung, cũng như khả năng giao tiếp và tin tưởng tuyệt đối với con vật.

Một cảnh sát kỵ binh được tính tương đương với mười sĩ quan mặt đất, đồng thời với mức lương trung bình 63,000 đôla/năm, theo thống kê năm 2017 của Cục lao động Mỹ.

Đội kỵ binh ngự lâm của Hoàng gia Bỉ

Tại Vương quốc Bỉ, trong các nghi lễ hoàng gia không thể thiếu đội kỵ binh ngự lâm.Theo truyền thống có từ thời Trung cổ, nhà vua luôn có một đội kỵ binh trung thành hộ vệ.

Những ngày mà hoàng gia Bỉ không có sự kiện cần tới đội kỵ binh, thì người và ngựa tập nghi thức tại doanh trại. Phối hợp động tác của người và ngựa, hướng nhìn của kỵ binh, tư thế cầm cây giáo dài, sao cho tất cả đều tăm tắp, phải mất rất nhiều thời gian. Ngựa được luyện để quen với tiếng hô, với đám đông, với cách di chuyển theo hiệu lệnh.

Đội kỵ binh ngự lâm của Hoàng gia Bỉ. Ảnh: Internet
Đội kỵ binh ngự lâm của Hoàng gia Bỉ. Ảnh: Internet

Ông Vincent Janssens - Kỵ binh hoàng gia Bỉ cho biết: “Luyện ngựa không thể vội được. Với một con ngựa mới mua về, ban đầu chúng tôi cho nó tập các bài tập dễ. Khi thấy nó đã quen, chúng tôi sẽ tăng áp lực dần dần, cho đến lúc thấy nó không chịu được nữa, thì giảm bớt một chút áp lực, cho nó nghỉ, rồi lại tiếp tục tăng dần độ khó. Tuỳ từng con ngựa, phải mất vài tuần, nhưng cũng có khi nhiều tháng mới luyện xong”.

Trước mỗi nghi lễ là nhiều tiếng đồng hồ chải lông đuôi, vuốt keo vào bờm, đánh xi móng ngựa và mang yên cương có biểu tượng hoàng gia.

Đội kỵ binh hoàng gia Bỉ có truyền thống từ thế kỷ XV và nay luôn có mặt trong các nghi lễ quốc gia. Khi các đại sứ nước ngoài tới trình quốc thư cho vua Bỉ, thay cho xe môtô, là 56 kỵ binh cưỡi ngựa theo xe hộ tống. Lính ngự lâm với 132 con ngựa tham gia diễu binh trong ngày Quốc khánh, và có mặt trong các lễ đón nguyên thủ nước ngoài tới thăm Vương quốc Bỉ. Sự kiện lớn nhất năm vừa rồi, 158 kỵ binh hoàng gia hộ tống vua Philippe trong lễ đăng quang.

Trang phục của kỵ binh hoàng gia không thay đổi qua các đời vua. Từ gần một trăm nay, ngự lâm hoàng gia Bỉ vẫn mặc mẫu đồng phục giày boot da, quần chẽn màu trắng, áo dạ gắn ngù vai kim tuyến, nếu trời lạnh thì có thêm tấm khoác bên ngoài. Và trong mọi thời tiết, đều có chiếc mũ lông gấu đen, với chòm lông đại bàng nhuộm đỏ. Riêng sĩ quan dẫn đầu đội kỵ binh, vẫn là chiếc mũ này, nhưng lông đại bàng thì màu trắng.

Lực lượng kỵ binh nổi tiếng của Hoàng gia Anh

Trung đoàn Household Cavalry là lực lượng kỵ binh nổi tiếng của Vương quốc Anh. Họ thường xuất hiện trong bộ đồng phục chỉnh tề, cưỡi ngựa và tháp tùng cỗ xe ngựa chở Nữ hoàng Anh hay các thành viên hoàng tộc trong các sự kiện trọng đại.

Trung đoàn kỵ binh Household Cavalry của nổi tiếng của Quân đội Anh. Ảnh: Images
Trung đoàn kỵ binh Household Cavalry của nổi tiếng của Quân đội Anh. Ảnh: Images

Là một trong những trung đoàn nổi tiếng của Quân đội Anh, trung đoàn Household Cavalry tham gia nhiều sự kiện quan trọng mang tính biểu tượng của nước Anh. Lực lượng kỵ binh này gây ấn tượng với công chúng bởi tác phong và hình ảnh cưỡi ngựa ấn tượng.

Cụ thể, trung đoàn Household Cavalry tham gia vào nhiều chiến dịch lớn của Quân đội Anh kể từ những năm 1660. Trong một số chiến dịch ở Afghanistan và Iraq, trung đoàn Household Cavalry là một trong những trung đoàn của Anh được triển khai nhiều nhất.

Trung đoàn Household Cavalry được người dân Anh và các nước biết đến nhiều nhất và chào đón nồng nhiệt khi xuất hiện trong các sự kiện quan trọng mang tính biểu tượng của nước Anh, nổi tiếng là việc tham gia đám cưới của Hoàng tử Harry vào năm 2018.

Cuộc diễu hành hoành tráng với sự tham gia của lực lượng kỵ binh Household Cavalry đưa Hoàng tử Harry và nữ diễn viên Meghan Markle, bắt đầu từ lễ đường St. George, qua lâu đài Windsor, đi xuyên qua các con phố để vẫy chào dân Anh trước khi trở lại công viên bên trong lâu đài, góp phần tạo nên sự kiện trang trọng và hoành tráng của Hoàng gia Anh.

AN LY (t/h)

Kỵ binh Cảnh sát cơ động diễu hành trên đường Độc Lập

Kỵ binh Cảnh sát cơ động diễu hành trên đường Độc Lập

Sáng 8/6, lực lượng Đoàn Cảnh sát cơ động Kỵ binh, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động đã chính thức ra mắt.