Son môi cho bé, không an toàn như mẹ nghĩ!

Hiện thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm môi son dành cho em bé. Nhiều bà mẹ muốn làm điệu cho con, hay thấy trẻ khô môi đã tự mua về sự dụng vì tin là an toàn. Song theo các chuyên gia, son môi em bé không thật sự an toàn như nhiều người vẫn nghĩ.

Rửa bằng nước vẫn không trôi

Thấy đứa bé đi cùng chúng tôi đòi mẹ cho thoa son lên môi, một tiểu thương bán mỹ phẩm tại chợ Xóm Chiếu (Q.4, TP.HCM) vội đưa ra mấy thỏi son nhỏ chỉ bằng ngón tay, có hình dáng búp bê, quả vải, mận, táo... Chị này nói: “Em mua cho cháu xài đi, son môi em bé đó, sản phẩm nhập từ Thái Lan bao an toàn tuyệt đối, không chứa chì hay chất độc hại nào, chỉ 25.000 đồng/lọ”.

Theo quan sát, đây là son dạng nước, pha sệt như xi rô. Lâu nay, nhiều người nghĩ son môi dạng nước có mùi thơm là có hóa chất tạo mùi. Đánh vào tâm lý này nên hiện son môi em bé được sản xuất không hề có mùi thơm để thu hút người tiêu dùng. 

Son môi em bé bán tràn lan ngoài thị trường, nhiều sắc, kiểu dáng rất bắt mắt.
Son môi em bé bán tràn lan ngoài thị trường, nhiều sắc, kiểu dáng rất bắt mắt.

Dù quảng cáo hàng ngoại nhập nhưng bên ngoài thỏi son không hề có bất kỳ thông tin nào trên sản phẩm chứng minh được sản xuất tại Thái Lan. Một số sản phẩm có dán tờ giấy chi chít tiếng Thái nhưng cũng không hề có nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định – dấu hiệu chứng minh đó là hàng nhập lậu. Tại một số chợ khác như Xóm Củi (Q.8, TP.HCM), Thái Bình (Q.1, TP.HCM) đều có bán loại son này.

Thoa thử sản phẩm lên tay, chúng tôi có cảm giác hơi nóng, ngửi thì mùi nồng ngai ngái, cảm giác khó chịu. Sau khi về rửa lại bằng nước rất nhiều lần nhưng vết son này vẫn rất đậm màu, không dễ trôi. Điều này chứng tỏ son có độ bám rất lâu – một trong những yếu tố khẳng định son chứa nhiều chì.

Không chỉ tại chợ, hiện các cửa hàng dành cho mẹ và bé cũng đều bán nhiều loại son được cho có thể sử dụng an toàn cho em bé. Ghé một cửa hàng chuyên bán sản phẩm mẹ và bé trên đường Võ Văn Tần (Q.3, TP.HCM), khi được hỏi “có son môi dành cho em bé”, nhiên viên bán hàng đưa ngay một loại son dưỡng môi dạng sáp có xuất xứ từ Nhật Bản với giá 150.000 đồng/sản phẩm và hướng dẫn: “Loại này có nguồn gốc 100% từ thiên nhiên nên rất an toàn cho bé từ 2 tháng tuổi. Không chỉ dưỡng môi mà da mặt bé bị khô vẫn có thể sử dụng được”. Thậm chí, nhiều cửa hàng còn khuyến khích cứ cho trẻ dùng hàng ngày.

Mặc dù sản phẩm bán tại cửa hàng và dành cho trẻ em – vốn dĩ có làn da nhạy cảm nhưng thông tin trên sản phẩm rất sơ sài. Chẳng hạn, son môi Chuchubaby của Nhật, trên nhãn phụ chỉ ghi: sản phẩm không chứa các chất như vị ngọt, chất tẩm màu, hương liệu, chất khử trùng… chỉ tiêu kích ứng thấp thích hợp cho da nhạy cảm của bé. Thành phần giữ ẩm từ thiên nhiên (chiết xuất từ cây lô hội), giữ cho môi bé mềm và bóng. Đặc biệt hiệu quả đối với các chứng khô môi, nứt môi.

Trên nhiều trang mạng bán hàng online, diễn đàn các bà mẹ… cũng quảng cáo rầm rộ các loại son môi, son dưỡng môi ngoại nhập, xách tay được làm từ thiên nhiên, có giá từ 135.000 – 150.000 đồng/sản phẩm. Trong khi đó, chất lượng hàng lại rất mập mờ.

Son môi em bé có thật sự an toàn?

TS.BS Lê Ngọc Diệp, giảng viên Bộ môn Da liễu, Đại học Y Dược TP.HCM cho rằng, với son môi em bé bán tại chợ có màu đỏ tươi, dạng nước, bôi lên tay bám màu rất lâu thì son này cũng giống như son người lớn, tức cũng chứa nhiều thành phần hóa học. Tùy theo phương thức sản xuất mà trong đó bao gồm dầu cứng, benzen, niken, đồng ansen, crôm, coban. Trong đó, nguy hại nhất là chì. Đây là một khoáng chất tự nhiên, nên nó có mặt hầu hết những thứ ta thường dùng.

Người dùng cẩn trọng khi chọn mua và sử dụng son môi, dưỡng môi cho bé.
Người dùng cẩn trọng khi chọn mua và sử dụng son môi, dưỡng môi cho bé.

Chì trong mỹ phẩm, thường là do nguyên liệu để chế biến có chứa khoáng chất chì ôxit. Lượng chì trong mỹ phẩm thường chỉ ở lượng vài phần triệu (part per million - ppm), nên không ghi trên thành phần mỹ phẩm. Tuy nhiên son môi các hãng có thương hiệu thì được kiểm duyệt và chứa một lượng chì rất thấp dưới 10 ppm (ở Việt Nam và các nước trong khu vực ngưỡng chì được cho phép trong mỹ phẩm là 20 ppm).

Trong khi đó, các loại son môi rẻ tiền, nhiều màu sắc rực rỡ, đậm mùi thơm được nhập lậu không qua kiểm duyệt thì không biết được lượng chì có vượt ngưỡng cho phép không nên rất nguy hiểm khi sử dụng chúng. Các hóa chất này khi vào cơ thể sẽ phản ứng với các enzyme có trong dạ dày, sẽ phá vỡ hoạt động bình thường của hệ tiêu hóa và nhiều cơ quan trong cơ thể, thậm chí có thể gây ra ung thư.

Riêng son môi em bé dạng dưỡng, thành phần gồm các arachidyl propionate, long não, hương thơm, linoleate isopropyl, myristate isopropyl, lanolin và một số thành phần khác. Những thành phần này sẽ gây nguy hại cho sức khỏe khi trẻ nuốt phải. Liên minh người tiêu dùng Pháp UFC Que-choisir đã tiến hành một thử nghiệm để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Cụ thể, họ đã phân tích các thành phần hóa học có trong những loại son dưỡng của các thương hiệu mỹ phẩm hàng đầu, trong đó có cả những thương hiệu đình đám như Carmex, Garnier và La Roche Posay.

Sau khi thử nghiệm, các nhà khoa học đã đưa ra danh sách 10 loại son dưỡng có chứa các thành phần độc hại và có khả năng gây ung thư. Đặc biệt, một số loại son dưỡng có chứa dầu bão hòa hydrocacbon khoáng rất nguy hiểm với con người. Loại dầu bão hòa này còn được gọi là Mosh, có thể gây cháy đối với các hạch bạch huyết và gan khi ăn phải.

“Nhiều bà mẹ cho rằng các loại son dưỡng sẽ giúp ích trong việc điều trị khô môi, nứt môi cho trẻ. Điều này hoàn toàn sai lầm vì các hóa chất trong son sẽ làm môi bé thêm khô, nứt nẻ. Hãy để ý là sau vài phút thoa son dưỡng môi, môi bé lại khô và khiến bé phải thoa nhiều hơn lúc ban đầu. Nếu trẻ bị khô hoặc nứt môi thì chỉ nên cho trẻ uống nước nhiều, có thể bôi thêm dầu dừa hoặc mật ong cũng giúp môi bé mềm hơn” – TS.BS Diệp khuyến cáo.

Hoàng Hải

Nhặt ngay bí kíp dưỡng da cấp tốc sau kỳ nghỉ lễ hả hê

Nhặt ngay bí kíp dưỡng da cấp tốc sau kỳ nghỉ lễ hả hê

Sau chuyến đi chơi lễ, chị em giật mình vì da bị cháy nắng. Không cần phải lo lắng học ngay bí kíp dưỡng da sau để lấy lại làn da xinh.