4 kịch bản thế giới trong tương lai: Chia rẽ, chiến tranh, tăng trưởng và bền vững

Thế giới đang bước vào một giai đoạn khó đoán định, khi dự báo về những thay đổi trong thập kỷ tiếp theo có thể có tác động lớn hơn cả sự sụp đổ của Bức tường Berlin hồi năm 1989.

Hãy nhìn lại 15 năm qua. Đại dịch COVID-19 xảy ra khi thế giới đang phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính giai đoạn 2008-2009. Khi đại dịch bắt đầu lắng xuống, Nga đã xâm lược Ukraina, làm đảo lộn an ninh năng lượng ở châu Âu và an ninh lương thực ở châu Phi. Hiện nay, châu Phi đang phải đối mặt với nạn đói và tình trạng khẩn cấp về phân bón, cùng một cuộc khủng hoảng nợ.

Kết quả là bất ổn lan rộng và nền dân chủ suy yếu, trong đó phải kể đến các cuộc đảo chính ở Tây và Trung Phi. Tuy nhiên, các khu vực khác cũng không khá hơn. Tây Âu và Mỹ đang tham gia vào một cuộc chiến tranh ủy nhiệm với Nga, đối thủ trước đây của họ trong Chiến tranh Lạnh. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gần đây xác định thêm Trung Quốc là mối đe dọa rõ ràng. Trong khi đó, Trung Quốc và Mỹ tiếp tục có mâu thuẫn về vấn đề Đài Loan.

Tuy nhiên, châu Phi đang nhanh chóng nổi lên như một chiến trường giữa Trung Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), điều có thể khiến kỷ nguyên cạnh tranh lưỡng cực giữa phương Đông và phương Tây trở nên mờ nhạt. Tất cả những điều này đang diễn ra trong khi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gia tăng qua từng năm.

Để khám phá tác động của các thế giới khác nhau có thể xuất hiện từ những biến động này, chương trình "Tương lai và Đổi mới châu Phi" tại Viện Nghiên cứu An ninh đang thực hiện đánh giá trên phạm vi rộng về các khả năng tương lai. Có 2 khía cạnh có thể sẽ định hình tương lai: mức độ hợp tác/chia rẽ quốc tế và việc theo đuổi tính bền vững.

4 kịch bản thế giới trong tương lai: Chia rẽ, chiến tranh, tăng trưởng và bền vững - Ảnh 1.

Châu Phi đang nổi lên như một chiến trường giữa Trung Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Kết quả là có 4 kịch bản lớn cho thế giới tương lai gồm: Thế giới bền vững, Thế giới chia rẽ, Thế giới chiến tranh và Thế giới tăng trưởng. Tác động này được mô hình hóa bằng cách sử dụng nền tảng dự báo Tương lai quốc tế từ Đại học Denver, hiện được giới thiệu để thảo luận và đánh giá ở một loạt các sự kiện công khai.

Theo xu hướng hiện tại, rất có thể xảy ra kịch bản một "Thế giới chia rẽ" trong tương lai. Khi đó, trật tự thế giới sẽ dần bị chia rẽ và tách rời khỏi hệ thống dựa trên luật lệ. Các quốc gia hùng mạnh như Mỹ và Trung Quốc sẽ thay nhau xây dựng chương trình nghị sự toàn cầu và chủ nghĩa biệt lập. Khả năng xảy ra kịch bản này sẽ ngày càng lớn nếu Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ vào năm 2024, gây bất lợi cho phương Tây và bản thân nước Mỹ.

Trong một thế giới mà Mỹ và EU không cùng chung hành động, Trung Quốc có thể vượt qua EU về tiềm lực vào năm 2027 và Mỹ vào năm 2031. Theo đó, Liên hợp quốc sẽ dần mất đi tính chính danh, tầm ảnh hưởng và vai trò, dẫn đến hậu quả mà châu Phi phải gánh chịu. Hoạt động gìn giữ và hỗ trợ xây dựng hòa bình ở châu Phi sẽ suy giảm.

Trong kịch bản "Thế giới chiến tranh", cạnh tranh quyền lực gay gắt sẽ chiếm ưu thế. Có 3 hành động châm ngòi cho kịch bản này. Đầu tiên là cuộc xung đột Nga-Ukraina leo thang thành một cuộc đối đầu quân sự rộng hơn với NATO. Thứ hai, Trung Quốc có thể xâm lược Đài Loan với sự can thiệp quân sự của Mỹ và các nước khác. 

Nguyên nhân thứ ba - ít có khả năng xảy ra do sự chênh lệch lớn về nguồn lực vật chất - có thể là xung đột biên giới; và cuối cùng là chiến tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Mặc dù năng lực của Ấn Độ vẫn thấp hơn đáng kể so với Trung Quốc, nhưng cả hai đang ngày càng trở thành đối thủ cạnh tranh quyền lực trong khu vực và toàn cầu, vốn có chung đường biên giới. 

Cuộc đối đầu giữa Ấn Độ với một Pakistan có vũ khí hạt nhân và được Trung Quốc hỗ trợ ở khu vực Kashmir có thể là một nguyên nhân kích hoạt chiến tranh, đặc biệt nếu hai bên tìm cách cân bằng quan hệ cùng Washington và Bắc Kinh.

Trong kịch bản "Thế giới chiến tranh", Nga và Trung Quốc tham gia vào một liên minh quân sự chính thức, đối đầu trực tiếp với NATO. Nhiều nước khác sẽ tham gia liên minh Nga-Trung, trong đó có Iran, quốc gia có lịch sử đối đầu căng thẳng với phương Tây.

Cũng trong kịch bản này, châu Phi trở thành khu vực cạnh tranh địa chiến lược quan trọng để giành quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên khoáng sản. Trung Quốc sẽ là nước đi đầu trong việc đảm bảo nguồn cung khoáng chất cần thiết cho quá trình chuyển đổi sang một tương lai dựa trên năng lượng tái tạo, trong đó có lithium, niken, coban, mangan và paladi. Hiện phương Tây đang tích cực bám đuổi.

4 kịch bản thế giới trong tương lai: Chia rẽ, chiến tranh, tăng trưởng và bền vững - Ảnh 3.

Tổng thống Nga Putin đang là tâm điểm của thế giới.

Nền kinh tế tự do, nhỏ giọt là đặc trưng của kịch bản "Thế giới tăng trưởng" nhưng ít quan tâm đến môi trường. Trong thế tăng trưởng mạnh nhưng bất bình đẳng này, tỷ lệ nghèo cùng cực sẽ giảm chậm. Nỗ lực đề xuất các mức thuế tối thiểu cho doanh nghiệp sẽ bắt đầu có hiệu quả. Các công ty kỹ thuật số lớn, đặc biệt là của Mỹ, sẽ tiếp tục tăng lợi nhuận mà không cần hiện diện ở các thị trường mục tiêu.

Việc trốn thuế thông qua hình thức chuyển lợi nhuận sang các khu vực có thuế suất thấp dẫn đến một cuộc chạy đua, trong đó các nước sẽ cạnh tranh để thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Các nước đang phát triển sẽ phải gánh chịu hậu quả, dòng chảy tài chính hợp pháp và bất hợp pháp từ 46 nước châu Phi có thu nhập trung bình và thấp sẽ tăng nhanh.

"Thế giới bền vững" là kịch bản khó xảy ra nhất. Khác với 3 kịch bản trước, "Thế giới bền vững" đòi hỏi những lựa chọn có chủ ý và sự lãnh đạo táo bạo để hướng đến một thế giới tốt đẹp hơn trước sự phản kháng tất yếu ở trong nước. 

Trong kịch bản này, cộng đồng quốc tế cân bằng giữa tăng trưởng và phân phối bằng cách giảm mức tiêu thụ tổng thể và hạn chế phát thải khí nhà kính. Hoạt động hợp tác và phát triển sẽ mở rộng trên nhiều lĩnh vực. "Thế giới bền vững" là dự báo duy nhất mà châu Phi đạt được tham vọng của Chương trình nghị sự 2063 về một lục địa hòa bình, thịnh vượng và hội nhập.

Có 3 diễn biến có thể mở ra tương lai bền vững này. Đầu tiên là dân chủ hóa ở Trung Quốc và Nga, điều rất khó xảy ra. Thứ hai là một động lực toàn cầu nhằm đảo ngược sự xói mòn hệ thống dựa trên luật lệ thông qua quá trình dân chủ hóa và phát triển cấu trúc. Thứ ba là cộng đồng thế giới sẽ buộc phải phản ứng trước tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu và các đại dịch toàn cầu.

Các kịch bản này đang được thử nghiệm và hoàn thiện cùng các chuyên gia trên khắp thế giới. Có thể theo dõi các hội thảo và kết quả trên trang chủ "Tương lai và Đổi mới của châu Phi" được ra mắt vào đầu năm nay, cùng những dự báo về tương lai của châu Phi trong 2 thập kỷ tới.

(Nguồn: Defenceweb)

TTXVN