Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất trong cơ thể người với nhiều vai trò quan trọng để duy trì sức khỏe con người. Nó đảm nhiệm cùng lúc cả chức năng nội tiết và ngoại tiết. Ví dụ như chức năng chống độc, giải độc, chuyển hóa, dự trữ (máu, glucid, vitamin) và tạo mật… Tuy nhiên, cơ quan này lại rất dễ tổn thương, hình thành bệnh tật trong âm thầm từ những thói quen rất nhỏ hàng ngày, bao gồm cả ăn uống.
Uống nhiều bia rượu luôn là thói xấu đầu tiên được nhắc đến trong chế độ ăn uống gây hại cho gan. Nhưng ngay trong bếp cũng có một số gia vị khi ăn quá nhiều khiến gan tổn thương, mắc bệnh mà ít người biết đến như:
1. Đường
Đường rất phổ biến trong ẩm thực từ bình dân đến cao cấp. Tuy nhiên, tiêu thụ quá nhiều đường cũng có thể gây hại cho nhiều cơ quan nội tạng, bao gồm cả gan dù bạn không động tới một giọt rượu bia nào.
Chế độ ăn quá nhiều muối hay đường đều có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan, nhất là gan nhiễm mỡ (Ảnh minh họa) |
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tiêu thụ đường quá mức là nguyên nhân quan trọng gây bệnh gan nhiễm mỡ không do bia rượu. Kiểu ăn uống này cũng làm cơ thể bị tăng cân, béo phì và ảnh hưởng xấu tới hoạt động của gan, tăng nguy cơ viêm nhiễm - yếu tố dẫn tới ung thư gan.
Ngoài đường ở dạng gia vị, ngay cả trái cây hay đồ uống chứa nhiều đường đều có thể gây hại cho gan. Bởi hầu hết thức ăn có đường được lưu trữ dưới dạng chất béo. Tích trữ lâu ngày có thể dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ, xơ gan và thậm chí là ung thư.
2. Nước tương
Nước tương (hay còn gọi xì dầu) là một loại nước chấm cũng như gia vị trong nấu ăn phổ biến với người Việt bởi hương vị thơm ngon. Nhưng nếu sử dụng quá nhiều sẽ có ảnh hưởng nhất định tới sức khỏe, đặc biệt là gan.
Bởi nước tương có nguồn gốc từ quá trình lên men của đậu nành. Trong quá trình này sẽ sinh ra amoni nitrit - một chất có khả năng gây ung thư. Trong khi gan là bộ phận thải độc chính của cơ thể, dù biết amoni nitrit là chất độc nhưng cơ thể vẫn vận chuyển đến gan để đào thải.
Nếu sử dụng quá nhiều nước tương, đồng nghĩa với việc gia tăng tiếp xúc giữa gan và amoni nitrit sẽ khiến quá trình phân chia tế bào gan sẽ bị gián đoạn, ức chế. Thời gian dài, gan sẽ dần bị tổn thương thậm chí là xơ hóa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng gan.
3. Muối
Muối từ lâu đã là gia vị không thế thiếu trong các món ăn hàng ngày và cũng cần cho hoạt động của cơ thể. Tuy nhiên, muối khi được sử dụng quá nhiều lại gây ra những tác hại đối với lá gan. Đặc biệt là với người gan yếu, mắc các bệnh lý về gan.
Thói quen ăn thừa muối có hại cho gan vì lượng muối vào cơ thể quá nhiều sẽ cản trở việc đào thải các chất cặn bã dư thừa ra ngoài, về lâu dài sẽ làm giảm khả năng hoạt động của gan. Đồng thời, ăn mặn dễ dẫn đến béo phì, gan nhiễm mỡ do tăng cảm giác khát nước khiến nhu cầu tiêu thụ các loại đồ uống, nhất là nước ngọt cao hơn.
Ngoài ra những người có bệnh gan ăn nhiều muối có thể dẫn tới phù nề do bị giữ nước, và tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu thông qua hệ thống mạch máu. Do vậy việc giảm lượng muối là cực kỳ cần thiết. Nếu trong giai đoạn này mà người bệnh vẫn ăn mặn thì nguy cơ biến chứng xảy ra là rất cao và gây tử vong.
Theo khuyến cáo của WHO, mỗi người trưởng thành không nên ăn quá 2g natri hay tương đương với khoảng 5g muối trên ngày. Hiệp hội Tim mạch Mỹ đưa ra khuyến nghị thận trọng hơn là 1,5 g natri mỗi ngày, đặc biệt là đối với những người có nguy cơ mắc bệnh tim
4. Dầu ăn để lâu ngày, tái sử dụng nhiều lần
Không ít người cho rằng dầu ăn dù để bao lâu cũng không bị biến chất. Tuy nhiên, nếu để lâu ngày và không được bảo quản đúng cách, dầu ăn cũng sẽ bị giảm chất lượng, tạo ra mùi hăng và thậm chí biến chất.
Không nên dùng dầu ăn để lâu ngày, chiên đi chiên lại nhiều lần vì gây hại cho gan (Ảnh minh họa) |
Khi ngửi thấy mùi khác lạ trong dầu ăn, tốt nhất không nên tiếp tục sử dụng. Bởi khi dầu ăn biến chất sẽ sản sinh ra aflatoxin, độc tố này có thể gây ung thư gan với hàm lượng dưới 1mg, có hại cho gan rất lớn. Đồng thời, những loại dầu ăn khi quá hạn sẽ dần phân huỷ và sản sinh một số oxit, gốc tự do và các chất khác, có thể gây tổn thương tế bào gan và gây ra các bệnh về gan.
Đồng thời, việc sử dụng dầu ăn chiên lại nhiều lần dù có thể tiết kiệm hơn trong sinh hoạt nhưng cũng gây hại không nhỏ cho gan. Loại dầu này khi sử dụng liên tục có thể giải phóng nhiều hóa chất độc hại như acrolein, acrylamide, tetrahydropyran… gây tổn thương tế bào gan.
Nguồn và ảnh: Aboluowang, Cancer123
3 gia vị ăn nhiều chẳng khác gì "đục đẽo" gan, nhà nào cũng có
Gia vị là thứ quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày, nhưng nếu quá lạm dụng sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng với sức khoẻ.