7 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào TP.HCM là 2,43 tỷ USD

Số liệu của Cục Thống kê TP.HCM cho thấy, từ ngày 1/1-20/7/2022, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào TP.HCM là 2,43 tỷ USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm 2021.

7 tháng đầu năm, TP.HCM đã cấp phép 25.316 doanh nghiệp với vốn đăng ký đạt 304.190 tỷ đồng, tăng 20% về giấy phép và giảm 13,7% về vốn so với cùng kỳ. Trong đó, 9 ngành dịch vụ chủ yếu có 18.502 doanh nghiệp thành lập, tăng 18,8% so với cùng kỳ; vốn đăng ký đạt 231.555 tỷ đồng, giảm 1,3%.

Phân theo loại hình doanh nghiệp, Công ty TNHH có 22.106 đơn vị, tăng 21,9% so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký đạt 161.173 tỷ đồng, giảm 18,1% so với cùng kỳ. Công ty CP có 2.977 đơn vị, tăng 7,2%; vốn đăng ký 142.895 tỷ đồng, giảm 8,0%. Doanh nghiệp tư nhân 230 đơn vị, tăng 29,2%; vốn đăng ký 116 tỷ đồng, giảm 23,0%.

Phân theo loại hình kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có số lượng doanh nghiệp cấp phép là 98 đơn vị với vốn đăng ký đạt 1.338 tỷ đồng, giảm 46,0% về vốn so với cùng kỳ.

Khu vực công nghiệp, xây dựng cấp phép 4.986 doanh nghiệp, tăng 22,2% so với cùng kỳ; vốn đăng ký đạt 63.917 tỷ đồng, giảm 39,1%. Trong đó, ngành xây dựng có 2.179 doanh nghiệp, vốn đạt 21.472 tỷ đồng, giảm 29,6% về vốn so với cùng kỳ; nhóm ngành công nghiệp có 2.807 đơn vị với số vốn đăng ký đạt 42.445 tỷ đồng, giảm 42,9% về vốn.

Khu vực thương mại, dịch vụ cấp phép 20.232 doanh nghiệp, tăng 19,6% so với cùng kỳ; vốn đăng ký đạt 238.935 tỷ đồng, giảm 2,5%. Trong đó, thương nghiệp 9.640 đơn vị với vốn đăng ký đạt 82.343 tỷ đồng, giảm 2,5% về vốn; tài chính ngân hàng có 369 đơn vị với vốn đăng ký đạt 20.264 tỷ đồng, tăng 53,6%; kinh doanh bất động sản có 1.662 doanh nghiệp với vốn đăng ký đạt 86.755 tỷ đồng, tăng 10,6%; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ có 2.430 doanh nghiệp với vốn đăng ký 13.730 tỷ đồng, giảm 53,5%.

Đối với cấp mới dự án vốn đầu tư nước ngoài, TP.HCM cấp cho 373 dự án với vốn đăng ký đạt 274,9 triệu USD, giảm 3,4% về vốn so với cùng kỳ. Trong đó, hoạt động thông tin và truyền thông có 81 dự án, vốn đăng ký là 112,3 triệu USD, chiếm 40,9% vốn đăng ký cấp mới; kế đến là hoạt động bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy với 151 dự án, vốn đăng ký là 82,1 triệu USD, chiếm 29,9%; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ có 98 dự án, vốn đăng ký 27,2 triệu USD, chiếm 9,9%.

Phân theo quốc gia và vùng lãnh thổ thì Singapore dẫn đầu với 70 dự án, vốn đăng ký đạt 115,9 triệu USD, chiếm đến 42,2% vốn đăng ký cấp mới. Ngay sau là Nhật Bản 39 dự án, vốn đăng ký đạt 42,0 triệu USD, chiếm 15,3%; Hàn Quốc với 58 dự án, vốn đăng ký 35,5 triệu USD, chiếm 12,9%.

Về điều chỉnh vốn đăng ký có 85 lượt dự án với số vốn tăng 1.407,6 triệu USD, tăng gấp 2,7 lần so với cùng kỳ. Trong đó, hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo có 11 dự án, vốn đăng ký 852,6 triệu USD, chiếm 60,6% vốn đăng ký điều chỉnh; hoạt động thông tin và truyền thông có 8 dự án, vốn đăng ký 260,3 triệu USD, chiếm 18,5%.

Singapore là quốc gia có số vốn điều chỉnh cao nhất trong 7 tháng đầu năm đạt 1.137,6 triệu USD, chiếm 80,8% vốn đăng ký điều chỉnh.

Về góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp có 1.405 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện với vốn góp là 749,4 triệu USD, giảm 23,2% so với cùng kỳ. Trong đó, hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ với vốn góp là 301,1 triệu USD, chiếm 40,2% tổng vốn góp; hoạt động bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có số vốn góp đạt 176,8 triệu USD, chiếm 23,6%; hoạt động kinh doanh bất động sản 86,9 triệu USD, chiếm 11,6%.

Hàn Quốc và Singapore là 2 quốc gia có tỷ trọng cao lần lượt chiếm 30,6% và 27,6% trong vốn góp.

Tổng Hợp