Hành trình nghệ thuật kết nối kiều bào và vun đắp tình hữu nghị Việt – Nga

Từ ngày 15 - 27/7/2025, Sân khấu Lệ Ngọc đưa vở kịch "Lá đơn thứ 72" cùng chương trình nghệ thuật "Bản trường ca hữu nghị Việt – Nga" đến biểu diễn tại Moscow và St. Petersburg.

Đây không chỉ là chuyến lưu diễn đơn thuần, mà là nỗ lực vượt mọi giới hạn của ê-kíp nghệ sĩ tâm huyết, nhằm đưa tiếng nói nghệ thuật Việt đến với cộng đồng kiều bào và góp phần thắt chặt tình hữu nghị Việt – Nga bằng ngôn ngữ văn hóa giàu cảm xúc.

Một hành trình “đầy tâm và lực” của nghệ sĩ xã hội hóa

Không có nguồn ngân sách nhà nước, hoàn toàn tự lực về tài chính và tổ chức, chuyến lưu diễn sang Nga lần này là một hành trình gian nan nhưng đầy cảm hứng của Sân khấu Lệ Ngọc. Từ việc lo từng chiếc đạo cụ, trang phục, đến việc thiết kế lại toàn bộ cảnh trí để phù hợp với điều kiện lưu diễn quốc tế, ê-kíp đã phải tính toán tỉ mỉ từng chi tiết. “Chỉ riêng việc chuyển một chiếc ghế mây giống chiếc ghế Bác Hồ  từng ngồi từ Việt Nam sang  đã tốn hàng chục triệu đồng. Mọi thứ đều phải làm lại từ đầu để tiết kiệm chi phí mà vẫn đảm bảo chất lượng nghệ thuật”, NSƯT Văn Hải – Giám đốc sản xuất và cũng là người thủ vai Chủ tịch Hồ Chí Minh chia sẻ.

Các  nghệ sĩ tập luyện tại Nhà hát lớn Hà Nội cho chuyến lưu diễn tại Nga
Các  nghệ sĩ tập luyện tại Nhà hát lớn Hà Nội cho chuyến lưu diễn tại Nga

Không có đội ngũ nghệ sĩ cố định, các vai diễn được thay thế linh hoạt, các buổi tập luyện kéo dài để kịp hoàn thiện từng tiết mục. 25 nghệ sĩ đã cùng nhau vượt qua những rào cản về thời gian, tài chính và sức lực để hoàn thành một chương trình nghệ thuật mang giá trị tinh thần sâu sắc.

Chương trình lần này không chỉ là dịp biểu diễn, mà còn là sợi dây kết nối cộng đồng người Việt tại Nga với cội nguồn dân tộc. Đặc biệt, vở Lá đơn thứ 72 được xem là “xương sống” của chuyến lưu diễn, một tác phẩm sân khấu đậm chất nhân văn, giàu ý nghĩa lịch sử và tư tưởng, lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật về ông Đỗ Văn Chồi – người đã gửi 72 lá đơn kêu oan tới Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt 8 năm trời.

Vì phải thay 2 diễn viên trước chuyến đi nên ê kíp phải căng mình tập luyện.
Vì phải thay 2 diễn viên trước chuyến đi nên ê kíp phải căng mình tập luyện.

Vở diễn là lời tri ân sâu sắc với Bác Hồ, đồng thời phản ánh nhiều vấn đề nóng hổi như oan sai, tham nhũng, sự vô cảm nhưng được thể hiện bằng nghệ thuật tinh tế, sâu sắc và đầy tính phản biện. Với sự hóa thân tài tình của các nghệ sĩ như NSND Lệ Ngọc, NSƯT Văn Hải, NSƯT Hoàng Tùng…, “Lá đơn thứ 72” không chỉ lay động người xem mà còn truyền cảm hứng sống, học tập và làm theo gương Bác.

NSND Lệ Ngọc, Giám đốc Sân khấu Lệ Ngọc chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn thế hệ trẻ Việt Nam tại Nga, đặc biệt là sinh viên, sẽ hiểu hơn về giá trị của niềm tin, về lý tưởng sống đẹp và công lý. Lá đơn thứ 72 không chỉ là một vở diễn, mà là tiếng lòng hướng về Tổ quốc.”

Khi sân khấu trở thành sứ giả của tình hữu nghị Việt – Nga

Bên cạnh Lá đơn thứ 72, chương trình Bản trường ca hữu nghị Việt – Nga là một bản hòa ca nghệ thuật kéo dài 120 phút, kết hợp giữa âm nhạc, sân khấu, múa và trình diễn trang phục dân tộc. Mỗi tiết mục là một chương hồi nghệ thuật xúc động, tái hiện hành trình 75 năm tình hữu nghị Việt – Nga. Những màn trình diễn đặc sắc như: Giữa Mát-xcơ-va nghe câu hò Nghệ Tĩnh, Xẩm – Lấy chồng già, Chèo cổ – Thị Mầu lên chùa, Một vòng Việt Nam… cùng đại cảnh Hầu đồng – Ngũ biến kéo dài 45 phút sẽ mang đến một đêm diễn vừa mãn nhãn, vừa lắng sâu.

Sự đa dạng trong loại hình nghệ thuật – từ dân ca, xẩm, chèo cổ đến nhạc trữ tình, múa dân gian và thời trang truyền thống  không chỉ tôn vinh bản sắc Việt mà còn mở ra không gian giao thoa với văn hóa Nga, nơi các nghệ sĩ không chỉ biểu diễn mà còn trở thành những “sứ giả hữu nghị”.

Chương trình lần này được tổ chức dưới sự giới thiệu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga và sự phối hợp của Viện Hồ Chí Minh, Đại học Tài chính (thuộc Chính phủ Nga), Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint Petersburg. Trung tâm Thương mại Hà Nội – Moskva đóng vai trò đồng hành về địa điểm, góp phần kiến tạo một không gian nghệ thuật trang trọng và gần gũi giữa lòng nước bạn.

NSUT Văn Hải (trái), vai Bác Hồ trong một cảnh luyện tập tại Nhà hát lớn Hà Nội.
NSUT Văn Hải (trái), vai Bác Hồ trong một cảnh luyện tập tại Nhà hát lớn Hà Nội.

Ngay từ khi thông tin lưu diễn được công bố, cộng đồng người Việt tại Nga đã bày tỏ sự háo hức. Các suất diễn tại Đại học Sư phạm Quốc gia Nga và các trung tâm văn hóa tại Moscow, St. Petersburg hứa hẹn sẽ là những đêm diễn đầy cảm xúc, nơi nghệ thuật Việt trở thành chiếc cầu nối trái tim giữa kiều bào và quê hương.

Trong bối cảnh sân khấu xã hội hóa còn gặp nhiều khó khăn, chuyến đi của Sân khấu Lệ Ngọc như một đốm lửa nghệ thuật được nhóm lên bằng cả trái tim yêu nước và sự tận hiến vì cộng đồng. Đây là minh chứng sống động cho việc: khi nghệ thuật chân chính được đặt trong tay những con người tử tế và tâm huyết, nó sẽ vượt qua mọi giới hạn, trở thành sứ giả của niềm tin, của công lý, và của tình hữu nghị giữa các dân tộc.

“Khi nhân dân còn gửi đơn thư là còn tin ở chính quyền, ở công lý” – lời thoại từ Lá đơn thứ 72 cũng chính là thông điệp xuyên suốt mà các nghệ sĩ Sân khấu Lệ Ngọc muốn gửi gắm tới kiều bào và bạn bè quốc tế.

 

Nguyệt Nhi

Sân khấu Lệ Ngọc  tiếp tục giành 2 Huy chương Vàng tại Liên hoan Nghệ thuật  Châu Á-Thái Bình Dương 2025

Sân khấu Lệ Ngọc tiếp tục giành 2 Huy chương Vàng tại Liên hoan Nghệ thuật Châu Á-Thái Bình Dương 2025

Tiếp nối chuỗi thành tích đáng tự hào, Sân khấu Lệ Ngọc giành thêm 2 Huy chương Vàng (HCV) tại Liên hoan Nghệ thuật Châu Á - Thái Bình Dương 2025, trong ngày thi thứ hai.