Năm 2024, Sân khấu Lệ Ngọc tiếp tục được ghi nhận là điểm sáng của sân khấu xã hội hóa nói riêng và sân khấu Việt nói chung khi … có hàng trăm suất diễn chật kín khán giả ở trong và ngoài nước. Đồng thời, ghi thêm vào bảng thành tích 3 giải Vàng cho vở diễn và 8 giải Vàng cho cá nhân.
NSUT Văn Hải và NSND Lệ Ngọc luôn đóng vai chính trong nhiều vở của Sân khấu Lệ ngọc |
Gặp NSND Lệ Ngọc tại nhà riêng, chị nói nhỏ: “Anh Hải (NSƯT Văn Hải) đang ở nhà đấy, chị gọi ra nhé”. Tôi hơi ngạc nhiên, vì ngược với sự sôi nổi, không ngại giao tiếp với báo chí của chị Ngọc, anh Văn Hải vốn rất kiệm lời.
Nhắc đến thành công của Sân khấu Lệ Ngọc, nhiều người bảo NSND Lệ Ngọc “mát tay”, suất diễn nào cũng kín rạp, thậm chí Nam tiến cũng diễn 3 suất “cháy vé” tại Nhà hát lớn thành phố - điều mà chẳng có đoàn nghệ thuật nào trước nay làm được. Một đạo diễn sân khấu nổi tiếng từng đăng đàn phát biểu: “Cần phải học cách để sân khấu có khán giả của Sân khấu Lệ Ngọc”. Nhưng học thế nào, học cái gì, bí quyết ra sao… thì lại không có gì định lượng một cách rõ ràng để có thể chốt thành công thức.
Khán giả chụp ảnh giao lưu với ê kíp vở "Vang bóng một thời" |
Chia sẻ điều này, NSƯT Văn Hải cho biết: “Chúng tôi chẳng có phom mẫu bí quyết nào để ai đó có thể đến “bê đi” mà học tập. Cái chúng tôi có là sự đam mê, dám hy sinh, chấp nhận hy sinh, nằm gai nếm mật để sự đam mê của mình được thể hiện một cách rực rỡ trên sân khấu. Tôi và Ngọc yêu sân khấu, yêu đắm đuối những vai diễn của mình.
Yêu sân khấu, đã có lúc chia tay với ánh đèn sân khấu để đi làm kinh tế nhưng khi đã đạt đến “đỉnh cao” ở lĩnh vực tay ngang, nghệ sĩ Văn Hải lại quay về với sân khấu và nhập cuộc nhiệt tình, nếu không nói là “dữ dội”.
“Khi còn là diễn viên nhà hát kịch, tôi may mắn được làm việc với các đạo diễn tài danh. Tôi học hỏi được ở họ rất nhiều. Vì yêu sân khấu nên đi nước ngoài tôi cũng xem các vở diễn của bạn. Đi nhiều, xem nhiều, tích lũy nhiều, tôi tự tin là hiểu mình cần gì, đang làm gì. Mục tiêu của Sân khấu Lệ Ngọc là khán giả, được khán giả đón nhận nhưng các vở diễn của chúng tôi lại không phải chạy theo thị hiếu dễ dãi mà đều là các vở chính kịch, các tác phẩm nổi tiếng của thế giới, các vở diễn đề cập đến những vấn đề nóng của xã hội. Mỗi vở diễn của chúng tôi đều diễn vài chục đến vài trăm suất. Vở “Lá đơn thứ 72” đã diễn gần 300 suất và suất diễn nào cũng chật kín khán phòng - một kỷ lục mà trong lịch sử ngành sân khấu Việt chưa có sân khấu nào làm được” - nghệ sĩ Văn Hải tâm sự.
NSƯT Văn Hải vai Bác Hồ trong vở "Lá đơn thứ 72" |
Cũng theo anh Hải, với anh khán giả là quan tòa dõi đúng, sai. Nên sự đón nhận của khán giả mới là thước đo phát triển nghề nghiệp của anh và Sân khấu Lệ Ngọc. Từ khi quay trở lại sân khấu, anh đảm nhận 16 vai chính. Cảm thấy đó là “may mắn hơn người” nên vai nào anh cũng dốc hết tâm huyết, khả năng cho vai diễn.
Với vai Bác Hồ trong vở “Lá đơn thứ 72”, lần nào cũng như lần nào, hễ nhận được lịch diễn, nghệ sĩ Văn Hải lại nghiên cứu để tạo ra nét khác biệt, song vẫn thể hiện tốt nhất cốt cách, thần thái của Bác, từ phục trang, động tác, giọng nói đến cách thoại, thậm chí ép cân, giảm cấp tốc 3-5 kg trong thời gian ngắn để có vóc dáng phù hợp với hình tượng Bác. Chính vì thế, mỗi lần vào vai Bác, anh đều cảm thấy mới mẻ, hào hứng như lần đầu tiên.
NSUT Văn Hải nhận bằng khen khi diễn "Lá đơn thứ 72" tại Lào |
Chuyện nghề, chuyện đời, lan man một hồi, NSƯT Văn Hải lại quay trở về với cái đích của Sân khấu Lệ Ngọc - đó là khán giả. Ngoài vai trò diễn viên, NSƯT Văn Hải còn đảm nhận vai trò Chỉ đạo nghệ thuật và Giám đốc sản xuất của Sân khấu Lệ Ngọc. Anh nói không thích làm đạo diễn nhưng vở diễn nào anh cũng xắn tay vào, tham gia sâu các khâu dàn dựng, thiết kế sân khấu, âm nhạc, phục trang để đứa con tinh thần của mình được trọn vẹn, được khán giả đón nhận.
Với anh, khái niệm “thử nghiệm” trong sân khấu không cao siêu, khó hiểu. Thử nghiệm cách gì cũng phải có người xem; được người xem đón nhận. Nếu thử nghiệm mà không có khán giả, dựng vở chỉ diễn 1-2 buổi rồi cất kho thì quá đáng tiếc. Tiếc tiền của, tiếc công sức của cả ê kíp… Cân nhắc, tính toán, Sân khấu Lệ Ngọc sẽ không chọn cách thử nghiệm để rồi lại tiếc nuối vì những điều đã lường trước đó.
“Đợt kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên, có cơ quan quản lý văn hóa gợi ý Sân khấu Lệ Ngọc dựng vở về đề tài này. Chúng tôi đã làm “Mệnh lệnh trái tim” với kinh phí đầu tư gấp 3 vở khác cùng ê kíp diễn viên 140 người. Do không có nhà hát nên vở diễn chỉ diễn được 3 buổi” - nghệ sĩ Văn Hải kể.
NSUT Văn Hải vai Bác Hồ trong vở "Mệnh lệnh trái tim" |
Hỏi nghệ sĩ Văn Hải về việc anh và vợ- NSND Lệ Ngọc luôn giữ vai chính trong hầu hết các vở diễn của Sân khấu Lệ Ngọc, kể cả những vai có độ tuổi trẻ hơn anh, chị 20-30 tuổi, nghệ sĩ Văn Hải thổ lộ: “Điều quan trọng là khán giả chấp nhận các vai diễn của chúng tôi và muốn xem chúng tôi diễn. Đó cũng là cách để Sân khấu Lệ Ngọc không rơi vào thế bị động khi có biến động bất ngờ về dàn diễn viên”.
Thêm một lần khẳng định làm sân khấu xã hội hóa không phải để kiếm tiền, nghệ sĩ Văn Hải cũng khẳng định: “Chúng tôi dựng vở là để thỏa khát khao được diễn. Chúng tôi hạnh phúc, đau khổ, buồn, vui, hy vọng cùng số phận nhân vật một cách thật nhất. Mọi chi tiết diễn xuất đều xuất phát từ trái tim đầy nhiệt huyết của chúng tôi. Khán giả cảm được điều đó nên chúng tôi được họ đón nhận.
Những tháng cuối năm 2024, gia đình tôi có việc sang Anh 1 tuần. Lúc đó, Sân khấu Lệ Ngọc đã phát hành vé 3 vở. Khi chúng tôi trở về thì phải thay 7 diễn viên trong 3 vở này. Lý do bất khả kháng. Thời gian gấp gáp, tập luyện tích cực. Mỗi vai diễn bị thay cũng đội tiền tập luyện lên. Cũng may đó chỉ là những vai phụ. Nếu vợ chồng chúng tôi không giữ dàn chính, gặp tình huống này chắc chắn kế hoạch diễn đổ bể”.
Vở "Nước mắt của mẹ" |
Mặc dù được khen “mát tay” nhưng NSND Lệ Ngọc lại rất khó chịu khi ai đó gọi chị là “bầu sân khấu”. Đến tuổi nghỉ hưu, rời sân khấu Nhà hát kịch Việt Nam cũng là lúc NSND Lệ Ngọc hoạt động tích cực nhất. Được sự hậu thuẫn của chồng - nghệ sĩ Văn Hải, vừa là nhà đầu tư, nhà thiết kế đường hướng, chiến lược, NSND Lệ Ngọc tả xung hữu đột để gây dựng thương hiệu sân khấu xã hội hóa của riêng mình. Trái với quy luật, muốn đi xa thì phải đi cùng nhau, phải có nhiều người cùng gồng gánh, vợ chồng nghệ sĩ Văn Hải khắt khe trong việc chọn đối tác. Nên ngoảnh trước, ngó sau cuối cùng vẫn chỉ là hai vợ chồng nhúng tay vào mọi việc.
Vở "Vang bóng một thời". |
Hơn 10 năm không ngừng nghỉ, Sân khấu Lệ Ngọc không chỉ trở thành điểm sáng của sân khấu trong nước mà còn tạo dựng được tiếng tăm, uy tín ở nước ngoài. 11 năm tham gia Tuần lễ Sân khấu Trung Quốc ASEAN tại Nam Ninh (Trung Quốc), cả 11 lần gặt hái giải thưởng cho vở diễn và cá nhân. Tại Tuần lễ Sân khấu Trung Quốc ASEAN lần thứ 11, tổ chức từ ngày 7-12/12/2024, NSND Lệ Ngọc đã được tặng giải Cống hiến cho những đóng góp của mình tại sự kiện này.
Chia sẻ về những lần “đem chuông đi đánh xứ người”, NSƯT Văn Hải xúc động khi nhớ lại: “Chuyến sang Lào biểu diễn “Lá đơn thứ 72”, các buổi diễn đều kín chỗ. Chúng tôi đã nhận thư khen của Phó Chủ tịch Quốc hội Lào; Bằng khen của Thứ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào cho vở diễn “Lá đơn thứ 72” và vai diễn Bác Hồ.
Tại Trung Quốc, Ngọc luôn xuất sắc khi giành giải cá nhân cao nhất mỗi lần vở dự thi. Tôi sau này mới tham gia nhưng cũng đã vinh dự nhận giải Cung điện vàng và Hoa dâm bụt cho vai diễn. Nhận giải thưởng ở nước ngoài, khi về nước có phần lặng lẽ. Cũng có chút chạnh lòng.
NSND Lệ Ngọc (áo dài đỏ) tại Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh, Trung Quốc |
Mới đây, một cơ quan văn hóa đã liên hệ nói chúng tôi gửi các thành tích đạt được lên để xem xét. Chỉ động thái đó thôi, chúng tôi cũng rất xúc động và cảm thấy biết ơn. Làm sân khấu xã hội hóa rất cực nhọc. Một sự ghi nhận dù nhỏ của cơ quan quản lý cũng là nguồn động viên lớn để chúng tôi tiếp tục cống hiến”.
Kiên định hướng đi của mình là dàn dựng những vở diễn chất lượng, coi khán giả là thước đo sự phát triển của Sân khấu Lệ Ngọc, NSND Lệ Ngọc và NSƯT Văn Hải tiếp tục “tay cầm tay” vượt lên mọi khó khăn của bản thân và của tình trạng “đóng băng” của sân khấu nói chung để thỏa đam mê được diễn trên sân khấu.
Tháng 3/2024: Biểu diễn vở “Lá đơn thứ 72” tại Lào, nhận thư khen của Phó Chủ tịch Quốc hội Lào và bằng khen của Thứ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào cho vai diễn Bác Hồ do nghệ sĩ Văn Hải đảm nhiệm.
Tháng 5/2024: Biểu diễn vở “Ngũ biến” tại Côn Minh, Trung Quốc.
Tháng 6/2024: Tham gia Liên hoan Sân khấu kịch nói tại Thái Nguyên, đạt 2 Huy chương Vàng và 2 Huy chương Bạc cho các cá nhân, 1 giải vở diễn của Hội NSSK trao cho vở “Vang bóng một thời”.
Tháng 9/2024: Biểu diễn chương trình di sản tại Malaysia và nhận bằng khen của Thị trưởng thành phố Kuala Lumpur.
Tháng 10/2024: Biểu diễn chương trình di sản tại Tây Song Bản Nạp, Trung Quốc.
Tháng 10/2024: Biểu diễn chương trình di sản và vở “Ngũ biến” tại Singapore, giành các huy chương và giải Vàng cá nhân cho NSND Lệ Ngọc và NSƯT Văn Hải.
Tháng 12/2024: Biểu diễn vở “Nước mắt của mẹ” tại Nam Ninh, Trung Quốc, nhận giải các cá nhân xuất sắc.
Sân khấu Lệ Ngọc "cháy hết mình" trong "Lá đơn thứ 72” trên sân khấu đất nước Lào
Sân khấu Lệ Ngọc đã đưa vở diễn “Lá đơn thứ 72” sang Lào biểu diễn theo lời mời của Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Chaleun Yiapaoher.