Sân khấu Lệ Ngọc đem “di sản” dự Lễ hội Múa Trống Kuala Lumpur tại Malaysia

17 nghệ sĩ của Sân khấu Lệ Ngọc sẽ tham dự Lễ hội Múa Trống Kuala Lumpur 2024 từ ngày 10-15/9.

Chuyến đi được thực hiện theo lời mời của Ủy ban Nhân dân Thành phố Kuala Lumpur thông qua kết nối của Hiệp hội hữu nghị Malaysia-Việt Nam.

Lễ hội Múa Trống Kuala Lumpur mang thương hiệu KL GENTA đã bước sang năm thứ 8 tổ chức, kể từ khi được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2014. Với chủ đề về  đánh trống và biểu diễn múa truyền thống, các đoàn nghệ thuật nước ngoài sẽ biểu diễn và giao lưu cùng các đoàn nghệ thuật của Malaysia tại các sân khấu.

Các nghệ sĩ của Sân khấu Lệ Ngọc tập luyện tiết mục đi biểu diễn tại Lễ hội Múa Trống Kuala Lumpur 2024 từ ngày 10-15/9
Các nghệ sĩ của Sân khấu Lệ Ngọc tập luyện tiết mục đi biểu diễn tại Lễ hội Múa Trống Kuala Lumpur 2024 từ ngày 10-15/9

Lễ hội năm nay được tổ chức tại Quảng trường Merdeka, Kuala Lumpur. Các tiết mục tham gia biểu diễn tại Lễ hội thể hiện sự độc đáo của nghệ thuật đánh trống, văn hóa, thời trang và trang phục từ di sản nghệ thuật của các nước. Qua đó, thúc đẩy sự hiểu biết tốt hơn về di sản văn hóa thế giới cũng như khẳng định sức hấp dẫn của các di sản văn hóa phi vật thể của thế giới  với khách du lịch và người dân thành phố Kuala Lumpur.

Xuyên suốt quá trình tổ chức từ năm 2014 đến tháng 3 năm 2018, Lễ hội KL GENTA do DBKL tổ chức đã nhận được sự tham gia của nhiều quốc gia như: Thái Lan, Ấn Độ, Bangladesh, Sri Langka, Hàn Quốc, Nga, Iran, Bugaria, Slovakia, Uzbekistan, Kazakhstan, Nhật Bản. Ban tổ chức xem đây là cơ hội để các nhóm nghệ thuật trên khắp đất nước Malaysia tham dự lễ hội sẽ học hỏi, tương tác với các nhóm nghệ thuật nước ngoài về sự độc đáo của âm nhạc truyền thống và nghệ thuật đánh trống, cũng như thời trang, trang phục và di sản nghệ thuật của các bang/thành phố tham gia lễ hội này.

Đêm Gala KL Genta 2024 được tổ chức vào ngày 14 tháng 9 năm 2024. Để thắt chặt tình hữu nghị giữa các Thành phố tại Malaysia, trong đêm Gala sẽ diễn ra chương trình trao đổi quà lưu niệm giữa Ngài Thị trưởng Kuala Lumpur và các Trưởng đoàn đến từ các thành phố tham gia Lễ hội KL Genta.

Công việc tập luyện được các nghệ sĩ miệt mài thực hiện xuyên Lễ Quốc Khánh
Công việc tập luyện được các nghệ sĩ miệt mài thực hiện xuyên Lễ Quốc Khánh

Ngoài màn trình diễn tại KL GENTA Gala Night sẽ được tổ chức tại Dataran Merdeka, những nhóm nghệ thuật cũng sẽ tổ chức các buổi biểu diễn tại các điểm du lịch ở Kuala Lumpur.

Gửi thư mời đến Sân khấu Lệ Ngọc của Việt Nam, Ban tổ chức nhấn mạnh: “Chúng tôi hy vọng  sự tham gia của Đoàn Nghệ thuật đến từ Sân khấu Lệ Ngọc sẽ góp phần làm sôi động và phong phú thêm cho Lễ hội Kỷ niệm Ngày Malaysia, đồng thời tôn vinh nghệ thuật truyền thống Malaysia như một sản phẩm du lịch quốc gia. Bên cạnh đó, trong đêm Gala cũng sẽ diễn ra Lễ trao giải "Tiết mục xuất sắc nhất" cho các đoàn tham gia lễ hội”.

Sân khấu Lệ Ngọc, gồm 18 thành viên (17 diễn viên và 1 cán bộ quản lý) mang đến Lễ hội 4 tiết mục: Múa trống hiện đại (Trống cơm); Múa Hello Việt Nam; Độc tấu đàn bầu; Độc tấu trống.

NSND Lệ Ngọc
NSND Lệ Ngọc

Để chuẩn bị tốt cho các tiết mục mang thương hiệu Việt tại Lễ hội Múa Trống Kuala Lumpur 2024, các nghệ sĩ của Sân khấu Lệ Ngọc đã căng mình trên sàn tập suốt thời gian nghỉ lễ Quốc khánh 2/9. NSND Lệ Ngọc, chia sẻ: “ Chuyến đi này của chúng tôi khá vất vả. Theo quy định của lễ hội, chúng tôi không thể “tiết kiệm người” mà phải mang đủ số lượng đáp ứng các màn biểu diễn. Đạo cụ thì cồng kềnh, ngoài trống, còn nón quan họ, nón lá, rơm…và hàng đống trang phục truyền thống. Khi biết tôi tham dự lễ hội này với số lượng diễn viên đông như thế, có người tỏ ý e ngại giúp tôi vì “Xã hội hóa thì lấy đâu ra tiền đề chơi lớn như vậy?”. Đúng là sân khấu xã hội hóa thì kinh phí là vấn đề nan giải. Nhưng ngoài quản lý một đơn vị sân khấu xã hội hóa, tôi còn có một vai khác là Phó Viện trưởng Viện Văn hóa dân tộc. Và nhiệm vụ khi “gánh vai này” là phải giới thiệu , quảng bá, lan tỏa nghệ thuật truyền thống, di sản Việt Nam ra với thế giới. Vì thế, dù khó khăn, tôi vẫn chớp lấy cơ hội khi nhận được lời mời từ Ban tổ chức. Chúng tôi tập luyện ngày, đêm. Mỗi nghệ sĩ đều ý thức, chuyến đi này là cơ hội để quảng bá nghệ thuật di sản của Việt Nam; là cơ hội để chúng tôi học cách gìn giữ và phát huy các giá trị di sản, nghệ thuật truyền thống của dân tộc từ kinh nghiệm của các nước”.

Lễ hội năm nay có sự tham gia của các đoàn nghệ thuật đến từ các quốc gia:Thái lan, Singapore, Riau (Indonesia),Acheh (Indonesia), Medan (Indonesia), Jambi (Indonesia), Việt Nam và Philippines. Cùng với việc biểu diễn, các đoàn nghệ thuật cũng tham gia các hội thảo về bảo tồn nghệ thuật truyền thống, di sản văn hóa phi vật thể…

  

Nguyệt Nhi

“Lôi vũ” của Sân khấu Lệ Ngọc là 1 trong 3 vở diễn giành giải cao nhất tại Giải thưởng Sân khấu năm 2023

“Lôi vũ” của Sân khấu Lệ Ngọc là 1 trong 3 vở diễn giành giải cao nhất tại Giải thưởng Sân khấu năm 2023

Ngày 14-3, tại Hà Nội, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức trao Giải thưởng sân khấu năm 2023 và triển khai kế hoạch hoạt động năm 2024.