Ác mộng với thương mại toàn cầu từ tâm dịch mới ở Trung Quốc

Những lệnh phong tỏa tại Trung Quốc, với tâm điểm là Thượng Hải, dự báo gây áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã đình trệ trong hai năm qua.

Trung Quốc vốn là quốc gia dẫn đầu thế giới về giá trị xuất khẩu, những lệnh phong tỏa tại đây, đặc biệt ở Thượng Hải, không chỉ đe dọa đến nguồn cung trong nước, mà còn làm trầm trọng thêm chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã đình trệ trong hai năm qua.

Hàng loạt lệnh phong tỏa ở Thượng Hải - dẫn đầu cả nước về tổng lượng giao dịch thương mại trong năm 2021 - và các thành phố khác đã gây khó khăn cho vận tải và hậu cần tại Trung Quốc, làm tăng thêm sức ép lên các cam kết của chính phủ với chính sách “Zero Covid-19”.

Giá cả leo thang

Lệnh phong tỏa đã làm gián đoạn ngành vận tải đường bộ nói riêng, lĩnh vực đóng vai trò quan trọng trong vận chuyển hàng hóa trong nước, cũng như đến các cảng biển để xuất khẩu.

Từ việc vận tải nội địa Trung Quốc bị gián đoạn, chi phí hàng hóa sản phẩm cuối đến tay người tiêu dùng sẽ gia tăng, trong bối cảnh giá cả toàn cầu vốn đang chịu áp lực từ xung đột Ukraine.

“Vận tải đang là vấn đề chính với chúng tôi. Nó đang ảnh hưởng đến mọi mặt hàng mà bạn có thể nghĩ đến, và có tác động toàn cầu đến mọi hoạt động thương mại”, Mads Ravn - Phó chủ tịch tại DSV, một trong những công ty vận tải lớn nhất thế giới - cho biết.

Cảng Yangshan ở Thượng Hải - cảng biển lớn nhất thế giới. Ảnh: Reuters. 
Cảng Yangshan ở Thượng Hải - cảng biển lớn nhất thế giới. Ảnh: Reuters. 

Các nhà phân tích cảnh báo rằng việc tắc nghẽn hậu cần trong nước sẽ kéo theo việc vận tải đường biển bị chậm trễ do lượng hàng hóa tích tụ. Chi phí lưu kho và nhiều phí liên quan sẽ khiến giá hàng hóa tăng lên khi các lệnh hạn chế được nới lỏng, theo Financial Times.

“Đây là kịch bản chúng tôi đã lường trước. Khi Thượng Hải mở cửa, lượng hàng hóa cần vận chuyển sẽ tăng vọt, gây áp lực về chi phí tỷ giá giao ngay (giá niêm yết khi bên bán muốn giao hàng ngay lập tức), Lars Jensen, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn dịch vụ hàng hải Vespucci Maritime, cho biết.

Hôm 6/4, dữ liệu kinh tế mới nhất cho thấy ảnh hưởng ngày càng tăng của các lệnh hạn chế.

Chỉ số Quản lý Thu mua (PMI) của Caixin đã giảm xuống 48,1 trong tháng 3, dưới ngưỡng 50 - ranh giới phân định tăng trưởng và suy giảm. PMI là một thước đo chính của hoạt động trong các nhà máy.

Khảo sát của Caixin, bao gồm các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho thấy cả đơn đặt hàng trong nước và xuất khẩu trong tháng 3 đều giảm xuống mức tồi tệ nhất kể từ tháng 2/2020.

Nhân Dân Nhật báo cho biết lượng hàng hóa vận chuyển đến Thượng Hải bằng đường biển ngày càng tăng khi các lệnh phong tỏa đã chặn hoạt động vận tải trên bộ.

Dù vậy, lưu lượng hàng hóa đi qua cảng Thượng Hải - cảng biển lớn nhất thế giới - đã giảm khoảng một phần ba từ ngày 12/3, khi các đơn vị xuất nhập khẩu thay đổi hải trình, theo FourKites, công ty phân tích dữ liệu chuỗi cung ứng.

Bài toán vận tải

Ông Mads Ravn rằng việc đặt các dịch vụ vận tải đường bộ tại Thượng Hải lúc này gần như không thể.

Trong khi đó, lưu lượng vận chuyển bằng đường hàng không đến sân bay Phổ Đông ở Thượng Hải chỉ bằng 3% so với tháng trước, và chỉ giới hạn vận chuyển các mặt hàng thiết yếu như thuốc men và thiết bị y tế.

Làn sóng Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc khiến thương mại toàn cầu lao đao vì chi phí và gián đoạn nguồn cung. Ảnh: Bloomberg.
Làn sóng Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc khiến thương mại toàn cầu lao đao vì chi phí và gián đoạn nguồn cung. Ảnh: Bloomberg.

 Trung Quốc đang vật lộn với đợt bùng phát Covid-19 nghiêm trọng nhất kể từ khi những ca nhiễm đầu tiên xuất hiện tại Vũ Hán. Trong ngày 7/4, Thượng Hải - tâm dịch tại Trung Quốc hiện nay - ghi nhận 21.222 ca nhiễm trong 24 giờ - con số kỷ lục tại Trung Quốc ngay cả khi so với đợt bùng dịch ở Vũ Hán.

Hồi cuối tháng 3, Maersk, công ty vận chuyển có trụ sở tại Đan Mạch, cảnh báo rằng các biện pháp phong tỏa từng phần tại Thượng Hải sẽ giảm lưu lượng dịch vụ vận tải ở thành phố 30%. Tuy nhiên, con số này có thể gia tăng khi giới chức quyết định phong tỏa toàn bộ thành phố - với hơn 26 triệu dân.

“Nhiều lối ra vào các tuyến đường cao tốc bị chặn lại, và chưa có sự phối hợp giữa chính quyền các tỉnh với nhau để giảm bớt gián đoạn chuỗi cung ứng”, Bo Zhuang, nhà phân tích tại Loomis Sayles chi nhánh Singapore - công ty nghiên cứu và tư vấn đầu tư - cho biết.

Các công ty chuyển phát nhanh ở tỉnh An Huy và Giang Tô nói với Financial Times rằng các chuyến hàng không thể chuyển đến những khu vực ghi nhận các ca mắc Covid-19, bao gồm Thượng Hải.

Các đơn hàng đặt trên Taobao, sàn thương mại điện tử nổi tiếng ở Trung Quốc, cũng bị gián đoạn do các lệnh phong tỏa.

Công ty Maersk nói rằng hoạt động vận tải có thể được thực hiện bằng sà lan hoặc đường sắt như một giải pháp thay thế.

Tuy nhiên, ông Bo Zhuang cho rằng đây chỉ là những giải pháp tạm thời, và nếu dịch bệnh vẫn còn bùng phát, các tuyến vận tải thay thế cũng sẽ bị chặn bởi lệnh phong tỏa.

Trần Hoàng

theo Zing News