Phát biểu tại Nhà Trắng hôm thứ Ba (29/3) cùng với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, ông Biden cho biết “tất cả các quốc gia” đều có quyền toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền bất kể quy mô hay dân số của họ.
"Rõ ràng rằng, cuộc chiến của Putin là không thể chấp nhận được đối với các quốc gia không chỉ ở châu Âu mà ở mọi khu vực trên thế giới", TT Biden nói với các phóng viên. "Đó là một cuộc tấn công vào các nguyên tắc quốc tế cốt lõi làm nền tảng cho hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở mọi nơi", người đứng đầu nhà trắng nói thêm.
Điều đó đã được nhắc lại bởi Thủ tướng Lý Hiển Long, người đã lên tiếng phản đối sự xâm lược của Nga đối với Ukraina và nói rằng, “chủ quyền, độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia dù lớn và nhỏ vẫn phải được tôn trọng”.
Cuộc gặp giữ Thủ tướng Lý Hiển Long và Tổng thống Biden diễn ra trong bối cảnh Hoa Kỳ tiếp tục cảnh báo Trung Quốc về "hậu quả" nếu nước này viện trợ cho Nga.
Trong khi cuộc xung đột ở Ukraina thu hút sự chú ý trên toàn cầu, Tổng thống Biden cho biết, chính quyền của ông “rất ủng hộ việc nhanh chóng thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.
Chính quyền Tổng thống Biden đã công bố chiến lược đó vào tháng 2, cam kết dành nhiều nguồn lực ngoại giao và an ninh hơn cho khu vực để chống lại những gì họ coi là nỗ lực của Trung Quốc để tạo ra một phạm vi ảnh hưởng trong khu vực.
Tổng thống Biden cũng cho biết hôm thứ Ba rằng ông muốn đảm bảo rằng, khu vực này vẫn "tự do và cởi mở" - ám chỉ những gì Nhà Trắng coi là nỗ lực của Trung Quốc nhằm thống trị các tuyến thương mại quốc tế.
Về phần mình, Thủ tướng Lý Hiển Long thúc giục cần có mối quan hệ chặt chẽ hơn nữa giữa Mỹ và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và nói rằn, “điều này giúp Mỹ hiện diện ở châu Á - Thái Bình Dương và làm sâu sắc hơn quan hệ với nhiều nước cũng như tăng cường lợi ích chiến lược của mình trong khu vực".
“Cuộc chiến ở Ukraina có tác động tiêu cực đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, vốn đã phải đối mặt với nhiều thách thức phức tạp. Tổng hợp lại, những cơ hội và thách thức của thế kỷ 21 đòi hỏi sự hợp tác sâu sắc hơn giữa chúng ta”, Tổng thống Biden và Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết trong một tuyên bố chung.
Cạnh tranh với Trung Quốc
Tuần này, Tổng thống Biden dự kiến sẽ tiếp các nhà lãnh đạo của Nhóm 10 quốc gia ASEAN, trong đó Singapora là thành viên, nhưng hội nghị thượng đỉnh đã bị hoãn lại vì không phải tất cả các nhà lãnh đạo đều có thể tham dự vào các ngày 28 và 29/3 như thông báo của Nhà Trắng trước đó.
Trước cuộc gặp Tổng thống Biden và Thủ tướng Lý Hiển Long, một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ nói với các phóng viên rằng, Nhà Trắng đang làm việc để lên lịch lại sự kiện này. “Chúng tôi tin rằng đồng hồ đang điểm và chúng tôi muốn hoàn thành việc này”, quan chức này cho biết.
Chuyến đi của Thủ tướng Lý Hiển Long diễn ra sau khi Phó Tổng thống Kamala Harris, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin và Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo đến thăm Singapore vào năm ngoái. Tổng thống Biden lần cuối nói chuyện với Thủ tướng Lý Hiển Long là tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rome.
Singapore là một trung tâm tài chính và thương mại quan trọng và do đó nước này rất muốn nghe thông tin chi tiết về các kế hoạch của Hoa Kỳ đối với Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEF).
Trong khi đó, cuộc chiến Ukraina đã thử thách mối quan hệ Mỹ-Trung, với việc Washington thúc đẩy Bắc Kinh - vốn có quan điểm trung lập về cuộc xung đột và kêu gọi giảm leo thang - làm nhiều hơn nữa để kiềm chế Nga.
Quan hệ song phương giữa Mỹ và Trung Quốc vốn đã căng thẳng trong bối cảnh một loạt vấn đề, bao gồm Đài Loan, Biển Đông và hồ sơ nhân quyền của Bắc Kinh.
Ở Biển Đông, những khu vực mà các quốc gia Đông Nam Á xung quanh đó tuyên bố chủ quyền, Bắc Kinh đã xây dựng các đảo nhân tạo và phát triển các mỏm đá thành các căn cứ quân sự, triển khai lực lượng Cảnh sát biển và lực lượng dân quân biển để hỗ trợ gần như toàn bộ tuyên bố chủ quyền của mình ở Biển Đông.
Trong tuyên bố hôm thứ Ba, Tổng thống Biden và Thủ tướng Lý Hiển Long đã nhắc lại sự ủng hộ của họ đối với “những nỗ lực do ASEAN dẫn đầu nhằm phát triển một Bộ Quy tắc ứng xử thực chất và hiệu quả ở Biển Đông nhằm duy trì các quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các bên”.
Họ cũng kêu gọi Triều Tiên, nước đã thử nghiệm một loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới vào tuần trước, ngừng các vụ phóng như vậy và quay lại đàm phán về chương trình vũ khí của nước này.
Ông Biden nói: “Cả hai chúng tôi đều kêu gọi Triều Tiên kiềm chế các hành động khiêu khích khác và quay trở lại bàn đàm phán để thực hiện một chính sách ngoại giao nghiêm túc và bền vững”.
Cho đến nay, Triều Tiên vẫn bác bỏ lời kêu gọi của Mỹ về việc tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp về các chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.
Đàm phán Ukraina
Trong khi đó, ông Biden cho biết vẫn còn phải xem liệu Nga có tiếp tục thực hiện bất kỳ hành động nào nhằm giảm quy mô hoạt động quân sự ở Ukraina hay không, đồng thời cho biết Washington và các đồng minh sẽ tiếp tục các biện pháp trừng phạt và viện trợ mạnh mẽ cho Ukraina.
“Chúng tôi sẽ xem liệu họ có làm theo những gì họ đang đề xuất hay không. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ những gì đang diễn ra”, ông nói với các phòng viên.
Vào hôm thứ Ba, các nhà đàm phán Ukraina và Nga đã gặp mặt đối mặt tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) sau nhiều vòng đàm phán trước đó nhằm chấm dứt xung đột nhưng đã thất bại.
Matxcơva cho biết họ đã sẵn sàng "cắt giảm cơ bản" hoạt động quân sự gần thủ đô Kyiv của Ukraina và thành phố phía Bắc Chernihiv, trong đó Thứ trưởng Quốc phòng Alexander Fomin cho biết đó là một nỗ lực "nhằm tăng cường lòng tin" trong các cuộc đàm phán.