Giá tiêu dùng tăng 8,5% trong thời gian 12 tháng, đây là mức cao nhất trong 4 thập kỷ qua theo Cục Thống kê Lao động Mỹ. Tỷ lệ đó đã giảm xuống còn 8,3% vào tháng 4, báo hiệu thời gian hồi phục kinh tế có thể xảy ra, nhưng không có nghĩa là lạm phát sẽ sớm kết thúc.
Trong bài phát biểu trên Tạp chí Phố Wall hôm thứ Ba, Tổng thống Joe Biden gọi lạm phát là “ưu tiên kinh tế hàng đầu” của ông và vạch ra một kế hoạch ba mũi nhọn để khắc phục vấn đề.
1. Tin tưởng vào Fed
“Đầu tiên, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có trách nhiệm chính trong việc kiểm soát lạm phát”, Biden nói. Fed đã nâng lãi suất chuẩn của mình thêm 0,25% vào tháng 3, sau ba năm giữ nguyên. Cơ quan này tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,5% vào đầu tháng 5.
Mặc dù các nhà phê bình cáo buộc rằng Fed đã quá chậm trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng, nhưng cơ quan này hiện có sự ủng hộ của lưỡng đảng trong Quốc hội. Đầu tháng, Thượng viện đã xác nhận Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ phục vụ cho nhiệm kỳ 4 năm thứ hai trong một cuộc bỏ phiếu.
Bản thân ông Powell cũng nhận ra khó khăn trong việc kìm hãm lạm phát, vì tiến độ quá nhanh sẽ làm tăng nguy cơ suy thoái trong khi nếu tiến độ quá chậm có thể dẫn đến lạm phát ngày càng ăn sâu hơn. Trước lần tăng lãi suất đầu tiên vào tháng 3, ông thừa nhận trước Quốc hội: "Chúng ta nên đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế sớm hơn".
Biden đã nhiều lần khẳng định tôn trọng sự độc lập của Fed. Vào thứ Ba, ông đã gặp Powell tại Nhà Trắng. Trong một cuộc phỏng vấn với Yahoo Finance, Brian Deese, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia, mô tả cuộc họp là cơ hội để Tổng thống nói về sự cần thiết phải "chống lạm phát mà không phải hy sinh tất cả những thành quả kinh tế đã đạt được".
Theo Connel Fullenkamp, giáo sư kinh tế tại Đại học Duke, người chuyên về điều tiết thị trường tài chính, sự ủng hộ của Tổng thống đối với Fed giúp gia tăng niềm tin của công chúng rằng cơ quan này có thể làm giảm lạm phát. Ông nói với Fortune: “Fed đã cố gắng xử lý những vấn về đề lạm phát".
Theo Fullenkamp, việc đón đầu những dự báo đó có thể giúp tạo ra một vòng xoáy giá lương và lạm phát có khả năng xảy ra nặng nề hơn.
2. Giảm giá hàng hóa tiêu dùng
Phần thứ hai trong kế hoạch của ông Biden là lời kêu gọi hạ giá hàng hóa khi chính phủ có thể. Ông viết: “Chúng ta cần thực hiện những hành động thiết thực để làm cho mọi thứ trở nên hợp lý hơn đối với các hộ dân trong thời điểm kinh tế bất ổn này”. Ông nói thêm rằng, như vậy có lẽ sẽ làm tăng năng suất chung của nền kinh tế.
Trong bài phát biểu của mình, ông Biden đặc biệt kêu gọi giá năng lượng tăng cao do Mỹ cấm vận dầu của Nga sau cuộc chiến ở Ukraina. Ông viết, các khoản tín dụng thuế năng lượng sạch ban đầu được đưa vào kế hoạch xây dựng, có thể giúp giảm giá năng lượng. Các khoản tín dụng tương tự được đề xuất hiện được có trong ngân sách liên bang năm 2023.
Tổng thống Biden cũng đề cập đến các khoản phí mà các công ty vận tải đường biển nước ngoài đối với hàng nhập khẩu của Mỹ, giá thuốc y tế và khủng hoảng nhà ở là các lĩnh vực ưu tiên bổ sung.
3. Giải quyết thâm hụt quốc gia
Phần thứ ba trong kế hoạch của Biden là giảm thâm hụt quốc gia. Trong bài phát biểu, ông nói rằng làm như vậy sẽ "giúp giảm bớt áp lực về giá cả".
"Kế hoạch của tôi là sẽ giảm thâm hụt nhiều hơn nữa bằng cách thực hiện các cải cách đối với thuế", Tổng thống Biden viết, trích dẫn dự báo từ Văn phòng Ngân sách Quốc hội rằng thâm hụt sẽ giảm 1.700 tỷ USD vào năm 2022. Kế hoạch đó sẽ giảm thâm hụt, bao gồm việc hỗ trợ IRS thu các khoản thuế đã nợ và ban hành các chính sách thuế, khuyến khích các công ty ở lại Mỹ thay vì chuyển công việc ra nước ngoài.
“Chúng ta nên chấm dứt sự bất công quá đáng trong bộ luật thuế. Một tỷ phú không thể đóng thuế thấp hơn một giáo viên hoặc lính cứu hỏa”, ông nói thêm.
“Tôi nghĩ rằng đó chắc chắn là cách nói tiêu chuẩn của Econ 101”, ông Fullenkamp nói về lời kêu gọi của Biden để tăng một số loại thuế như một biện pháp hạn chế nhu cầu tiêu dùng và kiềm chế lạm phát. "Nhưng thực sự khó mà thực hiện những điều đó".
Những phương án trên liệu có khả thi?
Tổng thống Biden nhìn nhận nền kinh tế Mỹ đang ở ngã ba đường. Thoát khỏi đại dịch, đất nước này đang có mức tăng trưởng việc làm kỷ lục cùng với tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh. Theo ông Biden, sự tiến bộ này có thể chuyển thành ổn định lâu dài.
Ông nói: “Với các chính sách đúng đắn, Mỹ có thể chuyển từ phục hồi sang tăng trưởng ổn định và hạ thấp lạm phát mà không phải từ bỏ tất cả những thành quả lịch sử này". Tuy nhiên, những hy vọng đó vẫn tồn tại trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu trở nên căng thẳng bởi cuộc tấn công của Nga vào Ukraina, và lạm phát không chỉ là vấn đề của riêng nước Mỹ.
Hôm thứ Ba, khối EU đã báo cáo mức lạm phát cao nhất kể từ khi đồng euro được tạo ra vào năm 1999. Ở Anh, lạm phát ở mức cao nhất kể từ những năm 1980, đưa ra cảnh báo rằng các nhóm người thu nhập trung bình ở nước này có thể không mua được các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm và năng lượng để sưởi ấm trong thời gian tới.
Ông Fullenkamp chia sẻ: “Các sự kiện địa chính trị như cuộc chiến ở Ukraina có tác động lớn đến thị trường và nằm ngoài tầm kiểm soát của các nhà hoạch định chính sách. Nhưng họ chắc chắn có thể có biện pháp với những sự kiện thế này".
(Nguồn: Fortune)