Toàn cảnh Đại hội đại biểu Hội Người khuyết tật TP Hà Nội lần thứ V, nhiệm kỳ 2022 – 2027. |
Ngày 21/12, Đại hội đại biểu Hội Người khuyết tật Thành phố (NKT TP) Hà Nội lần thứ V, nhiệm kỳ 2022 – 2027 đã được tổ chức tại Hà Nội.
Những năm gần đây, trên các phương tiện truyền thông phản ánh rất nhiều vụ việc bạo lực gia đình, bạo lực tình dục với phụ nữ nói chung và phụ nữ khuyết tật nói riêng. Đây là những nỗi đau của xã hội và tất cả chúng ta.
Trong một nghiên cứu về bạo lực tình dục đã chỉ rõ có 35% phụ nữ khuyết tật bị xâm hại tình dục. Tỷ lệ cao gấp 7 lần và có xu hướng là nạn nhân im lặng. Trong 10 người bị xâm hại thì có 4 người mặc cảm tự ti. Vì vậy giúp nạn nhân lên tiếng tố cáo về bạo lực giới cũng là một cách giúp giảm tình trạng bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật. Để nạn nhân dũng cảm lên tiếng chúng ta cần phải lắng nghe, thấu hiểu những tiếng nói của nạn nhân, người trong cuộc.
Tại Đại hội Bà Phạm Thanh Hường - Trưởng Ban Phụ Nữ Hội Người khuyết tật Tp Hà Nội đã trình bày tham luận với chủ đề "Phụ Nữ khuyết tật Tp Hà Nội với vấn đề phòng chống bạo lực và giải pháp để giảm thiểu bạo lực trên cơ sở giới"
Bà Phạm Thanh Hường - Trưởng Ban Phụ Nữ Hội Người khuyết tật Tp Hà Nội đã trình bày tham luận tại Đại Hội đại biểu Hội Người khuyết tật TP Hà Nội lần thứ V, nhiệm kỳ 2022 – 2027. |
Bà Phạm Thanh Hường cho biết: Từ rất lâu trong xã hội đã luôn có sự phân biệt giữa nam và nữ. Những vấn đề về bình đẳng, về quyền phát triển cho phụ nữ luôn được xã hội và mọi người quan tâm. Phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật là một trong những đối tượng dễ tổn thương của xã hội. Họ có thể gặp bạo lực mà không biết chia sẻ cùng ai. Họ còn rất dễ bị coi thường nên khả năng bị bạo lực trên cơ sở giới đã xảy ra. Việc chăm sóc và hỗ trợ họ hòa nhập với cộng đồng là một việc làm cần thiết không chỉ của riêng ai.
Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội có 48 tổ chức hội viên. Trong các tổ chức hội viên có 29/30 Câu lạc bộ phụ nữ khuyết tật tại các Hội quận/huyện/thị xã, trong đó đã có 6 CLB là thành viên của Hội LHPN các quận/huyện. Thông qua hoạt động của Câu lạc bộ phụ nữ khuyết tật, chị em trong Ban Chủ nhiệm CLB có thể nắm bắt được tình hình cũng như tâm tư và nguyện vọng của phụ nữ khuyết tật. Người khuyết tật nói chung đã gặp những khó khăn, với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật có thể gặp muôn vàn những khó khăn. Họ có thể bị bạo hành về thể chất và tinh thần từ chính những người xung quanh và người thân trong gia đình. Vì vậy, những tổ chức như Hội Người khuyết tật tại các địa phương, trực tiếp là CLB PNKT đã tuyên truyền về những vấn đề liên quan đến bạo lực giới, bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội Người khuyết tật TP Hà Nội đã tổ chức rất nhiều chương trình, hoạt động nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; tổ chức nhiều khóa tập huấn về phòng chống bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật cho các tổ chức hội viên của Hội. Thông qua những kiến thức và kỹ năng phòng tránh bạo lực tình dục được trang bị, chị em phụ nữ khuyết tật hiểu hơn về quyền của bản thân, cách phòng tránh cũng như biết tìm người hỗ trợ. Tiến sĩ Trần Thị Thu Hiền của Học viện phụ nữ Việt Nam đã đồng hành cùng Hội trong rất nhiều chương trình, dự án để trang bị cho chị em phụ nữ khuyết tật những biện pháp và kỹ năng để tránh nguy cơ về bạo lực tình dục.
Ngay từ khi mới thành lập, Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội đã chú ý tới vấn đề nâng cao nhận thức, đặc biệt cho chị em phụ nữ khuyết tật. Thông qua các chương trình của Ban Phụ nữ Thành hội như trong các chương trình chào mừng ngày quốc tế phụ nữ 8/3 và ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam 20/10 luôn có những hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao giúp chị em phụ nữ vui vẻ và yêu đời, tự tin. Qua đó nâng cao vấn đề hoà nhập, bình đẳng với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật. Các Hội NKT quận/huyện/thị xã và CLB Phụ nữ khuyết tật tổ chức nhiều hoạt động chào mừng ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, hướng dẫn hội viên cách phòng chống dịch Covid 19, tặng khẩu trang, nước sát khuẩn cho các hội viên nữ, các chương trình nâng cao nhận thức, năng lực cho chị em, các hoạt động giao lưu chia sẻ cũng được thường xuyên tổ chức.
Ban lãnh đạo Hội Người khuyết tật TP Hà Nội nhiệm kỳ 2022 - 2027 ra mắt |
Cũng tại Đại hội Bà Phạm Thanh Hường đã chia sẻ 5 giải pháp để phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật.
Thứ nhất: Nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề khuyết tật, khuyết tật và giới. Tuyên truyền phổ biến pháp luật về Luật Người khuyết tật, Luật Bình đẳng giới đối với mọi người trong xã hội. Có thể tổ chức các cuộc thi tìm hiểu và cách phòng chống bạo lực giới trên mạng xã hội, trên các phương tiện truyền thông.
Thứ hai: Trang bị kỹ năng, kiến thức về phòng chống bạo lực tình dục cho các trẻ em và phụ nữ ngay tại trường học phổ thông và đại học hoặc qua các chương trình tập huấn về phòng chống bạo lực giới tại các địa phương.
Thứ ba: Phối hợp với Hội LHPN các cấp để thúc đẩy lồng ghép vấn đề khuyết tật trong hoạt động của phụ nữ nói chung, ví dụ: các cán bộ Hội phụ nữ cần hiểu rõ và nắm vững kiến thức pháp luật, kiến thức trong phòng tránh bạo lực tình dục để có thể hỗ trợ tư vấn cho chị em phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật.
Thứ tư: Cần có nhiều ấn phẩm truyền thông phù hợp với các dạng khuyết tật như khiếm thị, khiếm thính… để họ có thể tiếp cận dễ dàng, giúp phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật có thể phòng tránh trong vấn đề bạo lực giới.
Thứ năm: Với những nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật cần phải có những hỗ trợ về tâm lý, y tế,... giúp họ tìm lại được những thăng bằng trong cuộc sống. Việc làm này cần có nhiều thời gian và công sức.
Bạo lực từ tinh thần đến thể chất đều là những vết thương không bao giờ lành với những nạn nhân, đăch biệt là trẻ em gái và phụ nữ khuyết tật. Nhằm bảo vệ quyền được sống và phát triển, mỗi người chúng ta cần hành động và làm nhiều việc làm có ý nghĩa cho sự phát triển và hòa nhập của phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật.
Kiếm gần mười triệu mỗi ngày nhờ bán cây cảnh trang trí Giáng sinh
Nắm bắt được nhu cầu cây cảnh dịp Noel, chủ cửa hàng mua cây cảnh về tự trang trí và bán lại, mỗi ngày có thể lãi gần 10 triệu đồng.