Ba chính sách ưu đãi "sai lầm nghiêm trọng" với Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn. Bất cập trong cam kết Bảo lãnh Chính phủ (GGU) với nhà đầu tư Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn...
Không chỉ lỗ nặng, doanh nghiệp này từng rơi vào tình trạng "ế" hàng. Cụ thể, bước qua năm 2021, tình trạng giãn cách xã hội ở nhiều địa phương khiến nhu cầu tiêu thụ dầu thô, xăng sụt giảm mạnh. Báo cáo của PVN hồi tháng 8/2021 cho thấy, lượng tồn kho của các Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất lên đến 85%, bất chấp việc các đơn vị đã nỗ lực để tìm giải pháp giải quyết tình trạng tồn kho. Trước đó, hồi năm 2018, tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu Chính phủ "xin dừng nhập xăng vì lo xăng dầu Nghi Sơn bị ế".
Mới đây, ngày 25/1/2022, đại diện Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn cho biết, đơn vị này đã cắt giảm 20% công suất so với mức sản xuất bình thường. Nguyên nhân được đưa ra là do đơn vị này gặp khó khăn tài chính và có thể phải tạm dừng sản xuất từ giữa tháng 2/2022.
Cho đến nay nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn vẫn đứng trước nguy cơ phải bù lỗ khoảng 3.500 tỷ đồng/năm trong 10 năm đầu và chất lượng đầu ra không đạt tiêu chuẩn Việt Nam áp dụng từ năm 2017. Đến năm 2019, một báo cáo từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho hay, PVN phải bù lỗ từ 1,5-2 tỷ USD cho Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.
Báo cáo của PVN cho thấy, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã khó khăn từ lúc vận hành năm 2018. Theo đó, trong năm này, Công ty lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) lỗ kế hoạch 1.379 tỷ đồng, doanh thu chỉ đạt 29.323 tỷ đồng, đạt 18% kế hoạch năm. Số liệu từ Bộ Công Thương cũng cho thấy, lỗ lũy kế của doanh nghiệp này đã lên tới 3,3 tỷ USD trong 3 năm, số tiền nợ nguyên liệu cũng lên tới 2,8 tỷ USD.
Trước việc Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn "càng làm, càng lỗ", ngay từ Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa 14, các đại biểu Quốc hội đã chỉ ra nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng trên.
Trong đó, vấn đề bất cập lớn nhất nằm trong cam kết Bảo lãnh Chính phủ (GGU) với nhà đầu tư nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn. Cụ thể, 3 nội dung ưu đãi khiến nhà máy lọc dầu Nghi Sơn có thể làm "không cần quan tâm lời lãi" gồm:
Một, áp dụng thuế suất 10% thuế thu nhập doanh nghiệp cho toàn bộ đời của dự án.
Hai, cán cán bộ, công nhân viên làm việc trong khu kinh tế Nghi Sơn sẽ được giảm 50% nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân.
Ba, trong bất cứ tình hình thị trường quan hệ cung cầu ra sao thì Việt Nam vẫn phải chịu trách nhiệm tiêu thụ 100% lượng xăng, dầu do nhà máy sản xuất ra tại cổng nhà máy.
Được thành lập vào tháng 4/2008 do 4 thành viên góp vốn (bao gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); Kuwait Petroleum Europe B.V.,; Idemitsu Kosan Co.,Ltd và Mitsui Chemicals,Inc. Trong đó, PVN góp vốn 25,1%) Công ty TNHH Lọc Hóa Dầu Nghi Sơn (NSRP) có số vốn đầu tư 9 tỷ USD.
Theo đó, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn nằm trong Khu kinh tế mở Nghi Sơn (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) có công suất giai đoạn 1 là 200.000 thùng dầu thô một ngày, tương đương 10 triệu tấn dầu thô mỗi năm.
Sản phẩm của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn gồm khí hóa lỏng LPG, xăng, diesel, dầu hoả/nhiên liệu máy bay... chủ yếu sử dụng cho thị trường trong nước của Việt Nam. Từ khi thành lập, dự án được kỳ vọng là sẽ làm thay đổi bộ mặt kinh tế của Việt Nam.
Theo nhận định của giới chuyên môn, gây thiệt hại lớn nhất có thể kể đến việc cam kết trong 10 năm kể từ ngày nhà máy lọc hóa dầu vận hành thương mại. Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn được áp dụng mức giá bán buôn tại cổng nhà máy là giá nhập cộng thuế nhập khẩu.
Theo đó, thuế nhập khẩu được tính vào giá là 7% với xăng, dầu; 5% với khí hóa lỏng và 3% đối với sản phẩm hóa dầu. Chính phủ đảm bảo phải thanh toán cho Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn số tiền chênh lệch giữa thuế suất nhập khẩu thực tế và mức cam kết trong bảo lãnh chính phủ.
Theo tính toán, nếu giá dầu là 100USD/thùng thì trong 10 năm Chính phủ phải chi trả thêm cho nhà đầu tư hơn 88 nghìn tỷ đồng. Sự "bao tiêu" sản phẩm này được đánh giá trái với quy luật thị trường khi nhà máy lọc dầu Nghi Sơn có thể "ung dung" sản xuất không cần quan tâm tới đầu ra, diễn biến thị trường.
Tổng Hợp