Bất động sản luôn làm "nóng" thị trường dù dịch bệnh, nên bỏ tiền vào đâu?

Số lượng giao dịch mua và thuê bất động sản đã tăng trở lại. Đặc biệt là thị trường bất động sản cả nước được đánh giá sôi động lại rất nhanh cho thấy mức độ quan tâm và nhu cầu đối với lĩnh vực này vẫn rất cao. Các chuyên gia bày tỏ lo ngại có thể hình thành đợt sốt đất mới sau làn sóng COVID lần thứ 4.

Dịch bệnh nghiêm trọng khiến thị trường khó khăn hơn, nhưng độ “thấm” vẫn chưa thể hiện rõ. Do đó, thời gian tới sẽ có hai trạng thái. Nếu cải thiện được tình hình thì bất động sản vẫn là thị trường hấp dẫn và sẽ có cơn sốt nhẹ. Nhưng nếu vẫn chưa vượt qua được ngưỡng tâm lý và còn khó khăn hơn thì thị trường có khả năng sẽ tiếp tục “trầm lắng”. Các nhà đầu tư đều có niềm tin vào thị trường sẽ tiếp tục tăng; trong đó, có một bộ phận nhà đầu tư bất động sản vẫn luôn mong muốn xảy ra các cơn “sốt đất” để kiếm lời nhanh.

Thực tế cũng ghi nhận, thời gian qua, thị trường bất động sản liên tục tăng giá và không có dấu hiệu giảm. Do đó, tình trạng tăng giá đất hay "sốt đất” ở một số khu vực giá đất đang thấp vẫn có thể xảy ra. Đối với lĩnh vực đầu tư bất động sản, tính chất dựa trên giá cả. Khi tăng đến một mức nào đó có thể sẽ xảy ra tình trạng cục bộ. Đơn cử như một khu vực tăng giá trước khi hạ tầng đến thì sẽ làm cho giá đất khu vực đó chỉ tăng trong một khoảng thời gian nhất định rồi bị ngưng lại hoặc rớt giá.

Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, “sốt đất” có xảy ra hay không còn phụ thuộc vào khu vực đó có điều kiện gì phù hợp.  Nếu khu vực đó có thông tin quy hoạch mới, giá đất còn thấp hoặc trước đó giá đất chưa tăng tương xứng… thì dễ xảy ra “sốt”.

Khi có hiện tượng vượt quá giá trị thực thì bản thân các nhà đầu tư cũng nhận thấy cần phải điều chỉnh, không thể đi trên con sóng cao để nhận lấy rủi ro. Bên cạnh đó, dòng tiền hiện nay đổ vào bất động sản cũng bị kiểm soát, liên quan đến quy định đầu tư vốn ngắn hạn và dài hạn cũng như một số công cụ khác về quản lý các hoạt động kinh doanh bất động sản.  Đặc biệt, tính pháp lý cũng rất quan trọng, nhất là những nhà đầu tư theo kiểu “đón sóng” hạ tầng thì cần kiểm tra thông tin quy hoạch từ địa phương, tránh đi theo những tin đồn thất thiệt, tâm lý đám đông.

Trong khoảng hơn chục năm trở lại đây, kinh doanh nhà đất chưa bao giờ hết “nóng” trên thị trường, đặc biệt là phân khúc đất nền. Câu chuyện “ôm đất” chạy theo thông tin quy hoạch, xây dựng hạ tầng đã trở nên phổ biến ở tất cả tỉnh thành, nhưng hiện tại xu hướng này đang có phần trầm lặng do nhà đầu tư đã thận trọng hơn, giữa lúc này giới đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ lại truyền tai nhau về một sản phẩm bất động sản có thể kinh doanh lướt sóng, đó là đất đấu giá.

Từ đầu năm 2020, có một nghịch lý đang diễn ra trên thị trường Bất động sản Việt Nam, thậm chí là ở một số thị trường lớn trên thế giới, giá bất động sản tăng nhanh, bất chấp đại dịch Covid-19, bất chấp nền kinh tế thế giới tăng trưởng âm và mất việc làm diễn ra trên diện rộng. Điều gì đã xảy ra khi các nền kinh tế tạo ra ít giá trị hơn, các cá nhân kiếm được ít tiền hơn, các mặt bằng thuê đều trống vắng khách thuê, nhưng giá bất động sản lại tăng nhanh như vậy.

Tại Việt Nam, cơn sốt đất diễn ra mạnh mẽ, một số khu vực bất động sản tại các thị trường tỉnh lẻ như Bắc Ninh, Bắc Giang, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Long An, Đồng Nai… đã tăng 50-100% so với giá giữa năm 2019, thậm chí quý 1/2021 vẫn tiếp tục tăng 10-20%. Tại nhiều khu vực, đất đấu giá tăng gấp 3-4 lần giá khởi điểm chỉ trong 1 buổi sáng. Thậm chí, có những điểm nóng sốt giá đất tăng theo ngày, chậm chân là mất suất mua.

Giải thích nguyên nhân dẫn đến cơn sốt bất động sản các chuyên gia cho rằng hiện tượng "dồi dào tiền mặt" cùng nguồn tiền rẻ khắp nơi đã chọn bất động sản làm nơi lưu trú. Trước đây, khi có tiền, có nhiều lựa chọn như mua vàng, mua ngoại tệ cất trữ, mua nhà ở nước ngoài, gửi tiết kiệm, đi du lịch, mua bất động sản hay tái đầu tư kinh doanh sản xuất.

Trong những năm qua, có một luồng tiền rất lớn đi ra ngoài thị trường và không quay về hệ thống ngân hàng. Nó tạo thành dòng tiền chạy trong khu vực phi chính thức như việc các doanh nghiệp tự vay lẫn nhau, người dân vay lẫn nhau. Do dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp nên hoạt động tại khu vực phi chính thức gần như bị đình trệ, giảm xuống. Dòng tiền theo đó bắt đầu quay lại các kênh đầu tư chính thức trong đó có thị trường bất động sản.

Nhật Hạ

(Tổng Hợp)