Bé Wa Wa (5 tuổi, Ninh Ba, Chiết Giang, Trung Quốc) và mẹ của bé rất thích ăn sầu riêng. Vì cho rằng đó là loại trái cây bổ dưỡng nên gia đình cho cậu bé ăn khá nhiều. Mỗi ngày cậu bé đều ăn 2 múi trong liên tiếp một tuần.
Tuy nhiên sau đó, cậu bé bắt đầu xuất hiện những biểu hiện bất thường như chán ăn, ngứa ngáy và khó chịu ở lòng bàn tay, bàn chân cũng như không thể đi đại tiện trong vài ngày, bắt đầu có những cơn sốt.
Khi thấy những dấu hiệu bất thường của con, mẹ của Wa Wa đã vội bế con tới bệnh viện. Sau khi kiểm tra, bác sĩ cho biết nguyên nhân là bởi ăn quá nhiều sầu riêng. Cô Trương - mẹ Wa Wa cũng cho hay, bản thân trong thời gian này cũng ăn khá nhiều nên có nổi mụn và tăng cân.
Nên ăn bao nhiêu sầu riêng mỗi ngày?
Sầu riêng rất giàu chất dinh dưỡng. Chính vì vậy vẫn có câu: "một quả sầu riêng bằng ba con gà". Người ta tin rằng với giá trị dinh dưỡng lớn như vậy, sầu riêng xứng đáng được mệnh danh là "vua của các loại trái cây" và rất tốt cho sức khỏe.
Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết, sầu riêng về bản chất vẫn chỉ là một loại trái cây, so với thịt thì hàm lượng protein và chất béo không cao: "Lượng trái cây khuyến nghị hàng ngày cho người lớn là 200 đến 350 gram. Nên cố gắng cân bằng trong chế độ ăn uống để đảm bảo sức khỏe."
Các bác sĩ khuyên chỉ nên ăn tối đa khoảng 100g sầu riêng mỗi ngày. Vì sầu riêng có hàm lượng chất xơ cao. Tiêu thụ vừa phải có thể giúp thúc đẩy nhu động ruột và quá trình tiêu hóa. Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều sẽ có thể làm tắc nghẽn ruột và giảm dịch ruột, khiến phân khô, gây táo bón, khó tiêu.
Sầu riêng là loại quả có hàm lượng calo cao, mỗi 100g ruột sầu riêng có khoảng 150 kcal - cao hơn hàm lượng calo của cơm là 118 kcal/100g nên nếu hấp thu quá nhiều sẽ dẫn tới béo phì. Cùng với đó, dù những dưỡng chất trong sầu riêng có tác dụng nhất định đối với cơ thể nhưng ăn quá nhiều sẽ dẫn đến tăng lượng đường và cholesterol trong máu.
Sầu riêng cũng có chứa histamine và các chất khác có thể gây dị ứng ở một số người, gây khó thở, phát ban và các triệu chứng khác. Ngoài ra, khí hydrogen sulfide trong sầu riêng có thể gây đau đầu, buồn nôn, nôn mửa và nhiều triệu chứng khó chịu khác nếu tiêu thụ quá mức.
Sầu riêng còn chứa một chất gọi là tyrosine. Nó sẽ được chuyển hóa thành tryptophan trong cơ thể con người, từ đó ảnh hưởng đến chức năng bình thường của hệ thần kinh. Nếu ăn quá có thể dẫn đến tâm trạng thất thường, mất ngủ, lo lắng và các vấn đề khác.
Những ai nên cẩn trọng khi ăn sầu riêng
Sầu riêng có hàm lượng calo và đường rất cao nên không thích hợp cho bệnh nhân tiểu đường và những người béo phì.
Cùng với đó, lượng kali lớn trong sầu riêng nên những bệnh nhân có vấn đề về thận nên hạn chế ăn.
Trẻ em và phụ nữ mang thai cũng nằm trong số những đối tượng nên thận trọng khi ăn sầu riêng.
Nguồn: Sohu
Khủng hoảng y tế tại Hàn Quốc: Bệnh nhân nguy kịch bị 3 bệnh viện từ chối cấp cứu, qua đời sau 9 tiếng chờ đợi trong vô vọng
Dù được đưa đến bệnh viện nhưng bệnh nhân vẫn không được tiếp nhận điều trị do bệnh viện quá tải.