Chiêu lừa đảo 'con cấp cứu, chuyển tiền gấp', 80% do chính cá nhân tự lộ thông tin

Những vụ lừa đảo qua điện thoại bắt nguồn từ những lỗ hổng thông tin, 20% là do doanh nghiệp, 80% là do chính các nạn nhân tự để lộ thông tin của mình.

Đại úy Huỳnh Đỗ Tấn Thịnh, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP.HCM chia sẻ thông tin trên tại buổi tọa đàm "Lỗ hổng thông tin và giải pháp đảm bảo an ninh trong trường học", tổ chức tại Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP.HCM), ngày 17/3.

Ông Thịnh cho biết từ sau dịch COVID-19, kiểu lừa đảo mạo danh bằng hình ảnh, lời nói qua điện thoại đang gia tăng. Mỗi ngày, đơn vị của ông tiếp nhận khoảng 20-30 đơn tố cáo các vụ lừa đảo như vậy.

Chiêu lừa đảo 'con cấp cứu, chuyển tiền gấp', 80% do chính cá nhân tự lộ thông tin - Ảnh 1.

Đại úy Huỳnh Đỗ Tấn Thịnh cho rằng 20% trường hợp lộ thông tin là do doanh nghiệp, 80% là do các cá nhân tự để lộ. Ảnh: TPO.

Theo ông Thịnh, trong thời gian gần đây, một kiểu lừa đảo qua điện thoại mới là đóng giả giáo viên, nhân viên bệnh viện để lừa tiền cha mẹ học sinh.

Ông Thịnh nói đây là hình thức lừa đảo có sự chuẩn bị, hình thức cũng giống kiểu mạo danh công an, cơ quan Nhà nước để lừa tiền nạn nhân. Thông thường, nhóm lừa đảo sẽ mạo danh giáo viên để gọi trước, sau đó mạo danh bác sĩ để lấy lòng tin của nạn nhân, theo Zing.

Những vụ lừa đảo qua điện thoại bắt nguồn từ những lỗ hổng thông tin, 20% là do doanh nghiệp, 80% là do cá nhân các nạn nhân tự để lộ thông tin của mình.

Ông Thịnh lấy ví dụ các bạn trẻ ngày nay thích dùng TikTok. Ứng dụng này có phần liên kết danh bạ để kết nối với người quen. Đây chính là một lỗ hổng để kẻ gian lợi dụng. Chúng có thể truy cập danh bạ để biết số điện thoại, danh tính của gia đình, người thân.

Cũng tại tọa đàm, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena cho hay, mỗi ngày Trung tâm Athena tiếp nhận khoảng 5.000 cuộc tấn công. Tội phạm công nghệ cao là những kẻ có trình độ cao, phạm vi phạm tội của chúng không giới hạn về địa lý, cuộc gọi giả mạo có thể không xuất phát từ TP.HCM mà có thể gọi đến từ nước ngoài, theo VTC News.

Dữ liệu bị lộ lọt rất nhiều xuất phát từ phụ huynh, học sinh. Theo ông Thắng, mạng xã hội, TikTok hoặc các games... là nơi các nhóm chiếm đoạt thông tin sử dụng phổ biến hiện nay.

Chiêu lừa đảo 'con cấp cứu, chuyển tiền gấp', 80% do chính cá nhân tự lộ thông tin - Ảnh 2.

Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena.

Khi sử dụng các ứng dụng này, trẻ có thể bị xâm nhập thông tin. Thậm chí, phụ huynh cũng có thể bị liên lụy khi con sử dụng thiết bị điện tử của mình để truy cập, sử dụng các trang mạng, ứng dụng.

"Tội phạm công nghệ kiếm tiền phi pháp lợi dụng sự hiểu biết của họ, sự phát triển của công nghệ để xâm nhập, tấn công cộng đồng học sinh sử dụng thiết bị công nghệ ngày càng nhiều. Nhưng hiện chúng ta vẫn chưa kiểm soát được việc tiếp nhận thông tin. Vì vậy, cần phải có chương trình giáo dục để nâng cao nhận thức của học sinh, từ đó phòng tránh hiệu quả các rủi ro", ông Võ Đỗ Thắng nói.

Trước đó, Thượng tá, Tiến sĩ Lê Quang Toàn, Phó Trưởng khoa Cảnh sát Điều tra, Học viện Cảnh sát nhân dân cũng chỉ ra ý thức của cá nhân trong việc bảo mật thông tin. Hàng ngày có rất nhiều người thường lên mạng xã hội đăng ảnh, cập nhật thông tin mang tính cá nhân về nghề nghiệp, địa điểm, số điện thoại, các loại giấy tờ, giấy khen của con và rất nhiều các thông tin khác.

"Họ không ý thức được mức độ nguy hiểm của những hành động đó, kẻ xấu chỉ xâu chuỗi những thông tin đó lại sẽ biết được người này cư trú ở đâu, số điện thoại là gì, con tên là gì, học lớp nào, trường nào. Cho nên, trong nhiều trường hợp, việc lộ lọt thông tin cũng xuất phát từ yếu tố cá nhân", ông Toàn lưu ý.

Theo thượng tá Toàn, nguyên nhân quan trọng khiến các phụ huynh trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo do bị lộ lọt thông tin cá nhân. Khi kẻ xấu gọi điện nêu đúng tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại trường, lớp học của con..., các phụ huynh dễ dàng tin tưởng đó là giáo viên của nhà trường và con mình đang bị tai nạn thật. 

Từ đó, họ sẵn sàng chuyển tiền cho đối tượng để con mình được cấp cứu mà không hề cảnh giác, đề phòng.

Hiện nay, các trường học quản lý thông tin của rất nhiều học sinh, lên tới con số hàng nghìn người. Trong thông tin đó, không chỉ có thông tin của học sinh mà có cả thông tin của phụ huynh, số điện thoại, địa chỉ gia đình…

"Nếu như công tác quản lý thông tin này có vấn đề như không bảo mật, bị hacker tấn công, hoặc chính người quản lý thông tin đó thiếu kỹ năng, ý thức bảo mật không cao thì hoàn toàn bị lộ lọt. Do đó, các đơn vị lưu trữ tại trường học cũng phải tính toán đến các phương án đảm bảo công tác bảo mật, đào tạo cán bộ, nâng cao ý thức của cán bộ trong việc bảo mật thông tin đó", Thượng tá Lê Quang Toàn cảnh báo.

Vị chuyên gia này cho rằng, các nhà trường cần thiết lập kênh liên lạc với các bậc phụ huynh. Cụ thể, cần thiết lập được một đường dây nóng, có cán bộ trực thường xuyên, để khi xảy ra trường hợp đột xuất phụ huynh có thể gọi vào đó và kiểm tra được chính xác liệu con mình có đang gặp nguy hiểm hay không. Khi phát hiện ra thông tin đó không phải là thật thì họ sẽ không bị mắc bẫy.

Ngoài ra, các trường cũng nên có cơ chế cung cấp thông tin trong trường hợp khẩn cấp. Nếu xảy ra trường hợp học sinh bị tai nạn thì ai sẽ là người thông báo cho cha mẹ học sinh.

(Tổng hợp)

AN LY