Bình Định ngập lụt nặng, 3 người chết và mất tích

Tại phường Nhơn Thành (thị xã An Nhơn) hàng trăm nhà dân bị ngập, đặc biệt nước lớn dâng cao gây xói lở làm gãy đoạn đường bê tông.

Ngày 30/11, ghi nhận của PV Dân trí, tại Bình Định nước lũ lớn gây ngập nặng, tập trung các huyện Tuy Phước, Phù Cát, thị xã An Nhơn. Nặng nhất là huyện Tuy Phước, với trên 10.000 ngôi nhà bị ngập, các tuyến giao thông liên thôn, xã thuộc các xã như: Phước Hưng, Phước Quang, Phước Thắng, Phước Hòa, Phước Sơn, Phước Thuận, Phước Nghĩa,… bị cô lập.

Tại phường Nhơn Thành (thị xã An Nhơn) hàng trăm nhà dân bị ngập, đặc biệt nước lớn dâng cao gây xói lở làm gãy đoạn đường bê tông, nước đe dọa hàng trăm hộ dân.

Bình Định ngập lụt nặng, 3 người chết và mất tích

Ông Lê Quốc Cường - Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phường Nhơn Thành (thị xã An Nhơn) cho biết, so với trận lũ lớn năm 2016, trận lũ này cũng tương đương, nước lũ rất lớn và rất lên nhanh. Thời điểm nước lớn, UBND thị xã An Nhơn đã đề nghị lực lượng của xã Nhơn An chi viện cho 20 người để khắc phục.

"Chúng tôi đã huy động 2.500 bao cát để gia cố đoạn đường bị xói lở, hiện đã tạm ổn. Với mực nước như hiện tại thì còn cầm cự được, nhưng nếu nước lớn hơn 20cm nữa thì rất khó khăn", ông Cường nói thêm.

Ông Cường cho biết, mưa lũ còn gây ngập úng khoảng 7 ha đất trồng mai Tết, gây thiệt hại đáng kể cho người dân.

Tại huyện miền núi An Lão, đến chiều tối cùng ngày, giao thông 3 xã An Nghĩa, An Toàn và An Vinh vẫn bị chia cắt do lũ. Ông Trương Tứ, Chủ tịch UBND huyện An Lão cho biết, lo lắng nhất hiện trên địa bàn có 2 điểm sạt lở lớn, nguy hiểm tại thôn 2 (xã An Toàn) và thôn 3 của An Trung.

Cùng ngày 30/11, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long cùng các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh đã đi kiểm tra công tác phòng chống thiên tai tại các huyện Vân Canh, Tuy Phước, Hoài Ân, An Lão và thị xã An Nhơn.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo trước mắt phải kịp thời thực hiện nhiều giải pháp bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân, cảnh báo, chốt chặn trên những tuyến đường bị ngập lụt; kịp thời cung cấp lương thực, thực phẩm, thuốc men... Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu các lực lượng chức năng phải đảm bảo phòng, chống dịch khi sơ tán dân ở các vùng ngập lụt sâu, bị chia cắt...

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Bình Định cho biết, ước tính tổng thiệt hại sơ bộ khoảng 124 tỷ đồng do lũ lụt.  Lũ lớn đã khiến 2 người tử vong và một người bị mất tích. Cụ thể, bà Đinh Thị Đách (65 tuổi, ở xã An Dũng, huyện An Lão) đi làm rẫy qua suối bị nước lũ cuốn tử vong ngày 29/11 và bà Lê Thị Bữa (79 tuổi, ở phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn) bị ngã tử vong do nước lũ vào nhà. Riêng ông Hồ Văn Dũng (46 tuổi, ở xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước) bị nước cuốn trôi mất tích từ trưa ngày 30/11, hiện vẫn chưa tìm thấy.

Ngoài ra, lũ lớn đã làm gần 24.000 nhà dân bị ngập nước, 8 ngôi nhà bị sập; 55 điểm trường bị ảnh hưởng. Gần 250 ha lúa, hoa màu; 31,7 ha ruộng bị sa bồi, thủy phá; hàng ngàn con gia cầm bị nước cuốn trôi. Hơn 1, 5km kè, 17 km kênh mương, hơn 5,4 km bờ sông, bờ suối, 26 đập bổi, đập tạm bị sạt lở, hư hỏng; hơn 5,5 km đường giao thông nông thôn bị sạt lở, hư hỏng…

Thanh Mai

Biến thể Omicron có gây ra đợt ‘sang chấn tâm lý’ mới cho kinh tế thế giới?

Biến thể Omicron có gây ra đợt ‘sang chấn tâm lý’ mới cho kinh tế thế giới?

Biến thể Omicron Covid-19 có vẻ như rất đáng sợ, nhưng, theo các chuyên gia kinh tế thế giới, sự hỗn loạn theo kiểu “phản xạ có điều kiện” của trên thị trường toàn cầu mới là điều đáng sợ nhất. Và liệu rằng, các phản xạ này có tiếp tục tạo ra đợt “sang chấn tâm lý” (PTSD) mới cho nền kinh tế toàn cầu?