Bình giữ nhiệt chứa chất gây ung thư?

Mới đây, trên mạng rộ lên thông tin Chính phủ Trung Quốc khuyến cáo người tiêu dùng việc bình giữ nhiệt chứa chất gây ung thư khiến không ít người hoang mang.

Theo bài viết được lan truyền rất nhanh trên mạng xã hội những ngày qua, Viện Nghiên cứu và Kiểm định chất lượng thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc phối hợp với các đơn vị cùng lĩnh vực tiến hành thí nghiệm vào cuối tháng 2, kết quả cho thấy bình giữ nhiệt Trung Quốc sản xuất có chứa sợi amiăng và kim loại nặng rất độc hại đối với con người.

Bình giữ nhiệt là sản phẩm được ưa chuộng trong một năm trở lại đây với nhiều mẫu mã, kiểu dáng, màu sắc bắt mắt. 
Bình giữ nhiệt là sản phẩm được ưa chuộng trong một năm trở lại đây với nhiều mẫu mã, kiểu dáng, màu sắc bắt mắt. 

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu Ung thư (City of Hope, California, USA), cố vấn khoa học Ruy Băng Tím cho biết, tôi tìm hiểu thì thấy những ngày gần đây báo chí nước ngoài không đưa tin về vấn đề này. Nhưng từ ba năm trước trên báo chí Việt Nam đã có nhiều bài viết đưa thông tin tương tự như bài viết mới đây, cũng giống ở chi tiết “đây là kết quả của cuộc thí nghiệm do Viện Nghiên cứu và Kiểm định chất lượng thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc phối hợp với các đơn vị cùng lĩnh vực tiến hành vào cuối tháng 2. 

Ở đây, điều khiến người tiêu dùng hoang mang là liệu sử dụng bình giữ nhiệt nói chung (kể cả loại tốt) có nguy hại cho sức khỏe hay không?.

Trong bài viết nói trên có đề cập đến tác hại của amiăng và kim loại nặng bị thoát ra khi sử dụng bình giữ nhiệt đựng nước trái cây, trong khi đó nước trái cây mang tính axit sẽ dễ làm kim loại thoát ra hơn.

Người tiêu dùng đừng quá lo lắng bị nhiễm kim loại nặng khi sử dụng các bình, tuy nhiên nên chú ý các khuyến cáo trong quá trình sử dụng.
Người tiêu dùng đừng quá lo lắng bị nhiễm kim loại nặng khi sử dụng các bình, tuy nhiên nên chú ý các khuyến cáo trong quá trình sử dụng.

Tiến sĩ Trần Tuấn – Trưởng Ban thường trực hành động Liên minh vận động chính sách y tế cho biết: “WHO đã chỉ ra rằng amiăng gây ung thư phổi, thanh quản và buồng trứng, ung thư trung biểu mô (một loại ung thư màng phổi và màng bụng) và bụi phổi amiăng (xơ hóa phổi)".

Hiện nay Việt Nam đang là quốc gia sử dụng các dạng amiăng thuộc nhóm nhiều nhất thế giới, nguyên nhân là do người dân không thể nhận biết amiăng tồn tại trong những vật liệu gì nên vẫn sử dụng và tiếp xúc mà không biết rằng mình đang tiếp xúc với nguồn bệnh gây ung thư.

Theo tiến sĩ Tuấn, các bệnh liên quan đến amiăng có thể phòng ngừa được, và cách hiệu quả nhất để phòng ngừa các bệnh này là ngừng sử dụng tất cả các dạng của amiăng để phòng ngừa phơi nhiễm.

Riêng về kim loại nặng thoát ra từ bình giữ nhiệt, nếu dùng đựng nước lọc tinh khiết sẽ không gây hại với sức khỏe con người. Nhưng nếu dùng đựng nước trái cây, trong thời gian dài thì mọi chuyện lại khác.

Theo các chuyên gia, đa số các bình giữ nhiệt đều được chế tạo bằng inox, thực tế đây là một dạng hợp kim của một số kim loại nặng như Crom (Cr), Sắt (Fe), Niken (Ni). Bởi vậy, nếu là inox được tạo ra từ những vật liệu tốt, chất lượng thì sẽ an toàn và hoàn toàn có thể dùng để đựng thực phẩm được.

Tuy nhiên, đối với nhiều bình giữ nhiệt Trung Quốc, chất lượng vật liệu không đảm bảo sẽ gây nên nhiều nguy hại.

Theo đó, kim loại nặng có thể tạo nên những phản ứng với axit hữu cơ có trong nước hoa quả và tạo muối kim loại. Điều nguy hiểm là các muối này tan được trong nước và đi vào cơ thể gây độc cho cơ thể, đặc biệt là đường tiêu hóa, nơi tiếp xúc đầu tiên và trực tiếp với chất độc này.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ cho biết, một nghiên cứu vào năm 2013 khảo sát sự thoát ra các kim loại nặng từ các bộ phận trong bình nước cho chuột uống (trong đó có vòi nước bằng kim loại không gỉ), kết quả cho thấy trong điều kiện nước axit (pH = 2) để trong 1 tuần thì lượng kim loại thoát ra từ vòi nước kim loại đó vào trong nước cũng rất thấp và không đủ để gây độc. Đó là với những sản phẩm sử dụng chất liệu tốt, an toàn cho sức khỏe. Nhưng với sản phẩm chất liệu kém, không đảm bảo chất lượng thì ngược lại, nhất là không nên dùng đựng nước cam, nước chanh sử dụng trong thời gian dài.

Tràn lan bình giữ nhiệt Trung Quốc trôi nổi đội lốt Thái Lan

Trong vòng một năm trở lại đây, thị trường rộ lên bình giữ nhiệt được cho là của Thái Lan. Bình này có dung tích 900ml, khi mua được tặng ống hút bằng kim loại, cọ rửa ống hút, túi đựng… trong khi giá rất rẻ, chỉ dao động từ 72.000 – 250.000đ/sản phẩm nên khá thu hút chị em văn phòng tìm mua.

Không khó để bắt gặp trên bàn làm việc của nhiều chị em văn phòng đều có loại bình này. Ngay cả học sinh cũng thường xuyên mang theo bình giữ nhiệt để đựng nước trái cây, nước lọc khi đến lớp.

Đáp ứng nhu cầu người mua, bình giữ nhiệt được bán đầy tại các sạp đồ gia dụng trong chợ, ngoài lề đường, trên các trang thương mại điện tử. Người bán luôn khẳng định sản phẩm nhập từ Thái Lan nhưng không hề có thông tin nào để chứng minh ngoài dòng chữ “Made in Thai Lan” được in nham nhở trên bình.

Mới đây, vào đầu tháng 7/2019, lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện một kho hàng lớn có dấu hiệu giả mạo xuất xứ nước ngoài trong khu vực chợ cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn. Kho hàng gồm trên gồm 8.000 chiếc bình giữ nhiệt được dán nhãn xuất xứ trong nội khối ASEAN.

Cơ quan chức năng từng thu giữ bình giữ nhiệt giả nhãn mác các thương hiệu nổi tiếng.
Cơ quan chức năng từng thu giữ bình giữ nhiệt giả nhãn mác các thương hiệu nổi tiếng.

Các sản phẩm này được một đối tượng nước ngoài nhập vào khu vực cửa khẩu rồi tổ chức in ấn logo giống với các thương hiệu nổi tiếng như Versace, Burberry, Starbucks…

Theo lời khai ban đầu, các ly giữ nhiệt gian lận xuất xứ này sẽ được tiêu thụ trong thị trường Việt Nam với giá cao và người mua rất khó phân biệt được đó là đồ giả nhãn mác, xuất xứ.

Do đó, người tiêu dùng khi chọn bình giữ nhiệt cần phải lựa chọn sản phẩm có uy tín, đầy đủ nguồn gốc xuất xứ để đảm bảo sức khỏe. Bởi cách đây không lâu, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã kiểm tra 14 mẫu bình giữ nhiệt (năm mẫu trôi nổi và chín mẫu nhập chính ngạch), công bố tiêu chuẩn chất lượng thì 5/5 mẫu trôi nổi đều có thôi nhiễm các kim loại nặng như đồng, asen, thủy ngân. 

Cục An toàn Thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng chỉ mua những sản phẩm đã được công bố chất lượng sản phẩm và nhập khẩu theo đường chính ngạch, không mua và sử dụng các bình nước nóng trôi nổi trên thị trường vì nguy cơ rủi ro cao hơn.

 

HOÀNG HẢI

Làm trắng da với sữa non cô đặc giá 'bèo' nguy cơ bị ung thư bạch cầu

Làm trắng da với sữa non cô đặc giá "bèo" nguy cơ bị ung thư bạch cầu

Vì cho rằng tự nhiên, an toàn, nhiều chị em đang kháo nhau sử dụng các sản phẩm sữa non cô đặc trắng da được cho nhập từ Pháp, Đức, Nhật...