Bình ổn giá vật tư, giảm thủ tục hành chính nhằm kiểm soát giá bất động sản đang leo thang

Trong thời gian vừa qua, giá vật tư xây dựng tăng chóng mặt, ảnh hưởng rất lớn đến các Nhà thầu xây dựng, thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng và một số lĩnh vực liên quan trong thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp, làm cho thời gian xây dựng tăng kéo theo giá bất động sản cũng leo thang.

Cải cách hành chính sẽ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, giảm bớt gánh nặng tuân thủ thủ tục hành chính. Đặc biệt cải cách hành chính trong những lĩnh vực quan trọng như đầu tư - xây dựng - đất đai - môi trường có tác dụng tích cực không kém một “gói cứu trợ” cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn bởi đại dịch. Chương trình này sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm rất nhiều chi phí, giúp giải phóng nhiều nguồn lực quốc gia đang bị tắc nghẽn, đình trệ, giúp các dòng vốn đầu tư cả công và tư nhanh chóng đi vào hoạt động, giúp tạo đà để nền kinh tế bứt phá nhanh hơn trong giai đoạn sắp tới.

Qua khảo sát, doanh nghiệp phản ánh còn gặp rất nhiều vướng mắc khi triển khai dự án liên quan tới nhiều thủ tục hành chính về đầu tư-xây dựng và các lĩnh vực liên quan. Báo cáo cho thấy doanh nghiệp còn gặp khó khăn đáng kể ở một số thủ tục hành chính. Cụ thể, 40% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng còn gặp khó khăn ở khâu quyết định chủ trương đầu tư; 50% doanh nghiệp khó khăn ở các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng; 48% liên quan đến các thủ tục về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.

Thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng và một số lĩnh vực liên quan trong thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm thủ tục liên ngành, liên quan đến thẩm quyền của nhiều cơ quan nhà nước và tới nhiều cấp chính quyền khác nhau. Bản thân các cơ quan chính quyền cấp thực thi cũng gặp khó khăn trong áp dụng pháp luật và có thể đối mặt với rủi ro pháp lý.

Từ năm 2014 đến nay, Chính phủ đã liên tục ban hành và triển khai thực hiện các Nghị quyết thường niên về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Riêng trong 10 tháng đầu năm 2021, đã bãi bỏ 3 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; cắt giảm, đơn giản hóa 59/172 điều kiện đầu tư kinh doanh đối với 09 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (đạt 34,3%).

Đồng thời, cơ quan chức năng đã cắt giảm, đơn giản hóa 9 thủ tục hành chính; cắt giảm yêu cầu, điều kiện đối với một số đối tượng khi thực hiện hoạt động xây dựng trong 03 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; tích hợp, thay thế 05 Nghị định, 07 Thông tư vào 02 Nghị định. Gần đây nhất, Bộ Xây dựng đã tham mưu, trình và được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 1936/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng trong năm 2021 và năm 2022.

Trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư phải có văn bản thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh về việc nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho chủ đầu tư về nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua; trường hợp không đủ điều kiện phải nêu rõ lý do

Việc thẩm định thiết kế cơ sở thuộc trách nhiệm của cơ quan chuyên môn về xây dựng, còn việc thẩm tra thiết kế thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư, điều này sẽ giảm thời gian cấp phép đi rất nhiều. Tuy nhiên,  thủ tục cấp phép xây dựng vẫn còn một số vướng mắc liên quan đến thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy, rất cần sự hỗ trợ của Bộ Xây dựng. Bên cạnh đó, trong thời gian vừa qua, giá vật tư xây dựng tăng chóng mặt, ảnh hưởng rất lớn đến các Nhà thầu xây dựng, trong khi đó, việc được tính trượt giá là không phải lúc nào cũng áp dụng được cho Nhà thầu xây dựng.

Theo báo cáo của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Hội nghị "Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và lĩnh vực liên quan - Giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi nền kinh tế”, diễn ra sáng nay (26/11), về các thủ tục đầu tư đất đai, xây dựng và môi trường, các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn khi làm các thủ tục liên quan tới đất đai, giải phóng mặt bằng và thủ tục quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.

Tỷ lệ doanh nghiệp gặp trở ngại với hai nhóm thủ tục kể trên lần lượt là 50% và 48%, cao nhất trong các thủ được đánh giá. Trong khi đó, liên quan tới chi phí, thời gian trong hoạt động cấp giấy phép xây dựng, hàng trăm doanh nghiệp “than thở” thời gian xin cấp phép vẫn bị kéo dài. Đại diện VCCI cho biết: Một doanh nghiệp điển hình cần khoảng 3 lượt đến cơ quan nhà nước để hoàn tất xin cấp phép xây dựng trong năm 2020. So sánh với kết quả khảo sát năm trước (năm 2019) thì số lần đi lại để hoàn tất hồ sơ của doanh nghiệp không có thay đổi đáng kể.

Tuy vậy, số ngày từ lúc doanh nghiệp nộp hồ sơ xin cấp phép xây dựng đến khi nhận giấy phép trong năm 2020 có cải thiện đáng kể so với năm 2019. Thời gian trung bình giải quyết thủ tục cấp phép xây dựng giảm khoảng 1 ngày, từ trung bình 24,81 ngày năm 2019 xuống còn 23,93 ngày năm 2020. Kết quả còn tích cực hơn nếu xem xét giá trị trung vị khi một doanh nghiệp điển hình chỉ mất khoảng 15 ngày để nhận giấy phép xây dựng, trong khi giá trị này của năm 2019 đạt 20 ngày.

Tĩnh Kiên

(Tổng Hợp)