Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế vừa có văn bản số: 3253/ATTP – NĐTT gửi Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm đối với các sản phẩm rượu.
Theo Cục An toàn thực phẩm, thời gian gần đây đã xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm có liên quan đến sử dụng các sản phẩm rượu làm nhiều người mắc và nhập viện điều trị, ảnh hưởng đến sức khoẻ, tâm lý người tiêu dùng.
Trước đó đã xảy ra 1 vụ ngộ độc tại 1 nhà hàng trên địa bàn quận Long Biên, Hà Nội khiến 2 người tử vong và 14 người phải cấp cứu tại các bệnh viện, nguyên nhân được cho là do rượu không an toàn, không rõ nguồn gốc. |
Để kịp thời ngăn chặn nguy cơ ngộ độc thực phẩm có liên quan đến rượu và cảnh báo cộng đồng nhất là trong giai đoạn chuẩn bị Tết Nguyên Đán Ất Tỵ năm 2025, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Vụ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo các cơ quan chức năng ngành Công Thương tại các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, chú trọng các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ, các cơ sở nấu rượu thủ công; ngăn chặn kịp thời các loại rượu sản xuất, pha chế không đảm bảo an toàn, rượu không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác đưa ra lưu thông trên thị trường gây ra nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.
Đồng thời, tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về nguy cơ sử dụng rượu không an toàn; hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm, quản lý nguồn gốc nguyên liệu sản xuất rượu, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm; nâng cao nhận thức của người tiêu dùng khi chọn lựa, sử dụng rượu, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm rượu không rõ nguồn gốc, nhãn mác, xuất xứ.
Theo Cục An toàn thực phẩm, rượu có thành phần chính là ethanol, với công thức hóa học C2H5OH, trong khi rượu methanol có công thức hóa học CH3OH. 2 loại rượu này đều được lên men và chưng cất. Tuy nhiên, nếu như rượu ethanol lên men từ tinh bột hoặc đường thì rượu methanol lại lên men từ nguyên liệu có chứa cellulose (gỗ). Methanol có trong rượu là một chất cực độc. Methanol thường được sử dụng trong đời sống để làm dung môi trong chất tẩy rửa sơn, nước rửa kính, mực in máy photo.
Ngộ độc rượu xảy ra khi uống quá nhiều rượu ethanol trong thời gian ngắn hoặc do uống quá nhiều rượu có độc chất methanol dẫn đến lượng cồn trong máu quá nhiều. Lúc này gan không kịp đào thải ra ngoài sẽ tổn thương tế bào gan, các bộ phận ở não ngừng hoạt động, kèm các biến chứng nguy hiểm như: nghẹt thở, động kinh, hạ thân nhiệt, nhịp tim không đều, thậm chí tử vong. Rượu chứa methanol dễ gây ngộ độc hơn vì sản phẩm chuyển hóa của methanol là acid formic rất độc. Đây cũng là tác nhân lớn làm ngộ độc rượu gây tổn thương đến các tế bào ở mắt và não.
Văn bản của Cục ATTP cảnh báo tình trạng ngộ độc rượu và yêu cầu tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu dịp cuối năm. |
Người bị ngộ độc rượu sẽ có các triệu chứng, như: da hơi xanh, hoặc tím đặc biệt vùng xung quanh môi và móng tay; lú lẫn, phản ứng chậm, không thể đi lại; khó khăn trong việc duy trì ý thức; nói không rõ, nói ngọng; nôn mửa; thở chậm, thở không đều. Trong tình trạng nghiêm trọng người bệnh có thể co giật, hôn mê, nghẹt thở, tổn thương não và tử vong.
Khi phát hiện người có các triệu chứng như trên, cần đưa người bị ngộ độc đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời, tránh các biến chứng nặng xảy ra.
Để hạn chế tình trạng ngộ độc rượu, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, các cơ sở sản xuất, kinh doanh cần tuyệt đối không sản xuất kinh doanh loại rượu pha chế từ nguyên liệu, cồn không bảo đảm chất lượng, không nhãn mác, chưa công bố tiêu chuẩn; người tiêu dùng tuyệt đối không mua và sử dụng rượu trôi nổi, không nhãn mác chưa công bố tiêu chuẩn; các cơ quan chức năng, đặc biệt tuyến xã, phường tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, xử lý nghiêm, công khai cơ sở vi phạm.
Thủ tướng yêu cầu tăng cường phòng ngừa ngộ độc thực phẩm
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các biện pháp giám sát các nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.