Bộ Y tế thu hồi công văn về 12 loại thuốc cổ truyền hỗ trợ điều trị COVID-19

Ngày 26/7, Bộ Y tế có quyết định thu hồi công văn công bố 12 loại thuốc cổ truyền hỗ trợ điều trị COVID-19 đã ban hành 3 ngày trước đó.

Theo công văn Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ký,  ngày 24/7, Bộ Y tế ban hành Công văn 5944/BYT-YDCT về tăng cường phòng, chống bệnh dịch bệnh COVID -19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu để góp phần phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Tuy nhiên, do một số nội dung chưa phù hợp, nên Bộ Y tế thu hồi công văn này.

Bộ Y tế thu hồi công văn về 12 loại thuốc cổ truyền hỗ trợ điều trị COVID-19 - 1
Quyết định thu hồi công văn về việc tăng cường phòng, chống bệnh dịch bệnh COVID-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu..

Trước đó, trong công văn 5944, Bộ Y tế liệt kê danh sách 12 loại thuốc cổ truyền, sản phẩm phòng, hỗ trợ điều trị COVID-19. Bộ yêu cầu căn cứ vào diễn biến lâm sàng của người bệnh, tùy mức độ mà sử dụng thuốc cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng công bố 9 sản phẩm được liệt kê vào nhóm thuốc sát khuẩn không khí, thuốc xịt họng, sát khuẩn tay trong phòng COVID-19; 5 sản phẩm hỗ trợ nâng cao sức khỏe.

Tuy nhiên, ngay khi công văn được ban hành đã nhận nhiều kiến trái chiều. Trong đó có ý kiến bức xúc khi cho rằng danh mục có nhiều thực phẩm chức năng, sản phẩm hỗ trợ điều trị không đúng công dụng hỗ trợ, điều trị COVID-19. Phần phụ lục đính kèm với tên sản phẩm, cách sử dụng, nhà sản xuất 26 sản phẩm này lại không có chữ ký của Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn và đóng dấu Bộ Y tế.

Theo lý giải của PGS-TS Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế), 12 sản phẩm được nêu trong công văn không phải là danh mục thuốc, sản phẩm chỉ định cho dự phòng, điều trị, mà đó chỉ là danh mục các sản phẩm do các đơn vị tài trợ, ủng hộ cho phòng dịch.

Ông Thịnh cũng khẳng định, các đơn vị sản xuất các sản phẩm trên đã và đang đồng hành, ủng hộ ngành Y tế và một số tỉnh, thành phố như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.HCM... sử dụng hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng, mức độ nhẹ và vừa, cho các thầy thuốc tuyến đầu chống dịch và các F1 đang cách ly.

Cục trưởng Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế) còn khẳng định, hiện nay người dân có tâm lý thích tự đi mua, dù thuốc khi sử dụng phải theo hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, thuốc bao giờ cũng 2 mặt lợi và hại. 

“12 thuốc, sản phẩm y học cổ truyền ban hành cùng công văn nêu trên không phải là danh mục sản phẩm cho đấu thầu thuốc dự phòng, điều trị COVID-19. Người dân cần hiểu đúng, không nên đổ xô đi mua”, ông Thịnh nói.

HẢI MY