BRICS bỗng có 84 thành viên chỉ sau 1 đêm, hàng chục nước âm thầm gia nhập: Thực hư ra sao?

“Số lượng thành viên chính thức của BRICS là 84. BRICS đang thống trị thế giới”– Bài đăng bằng tiếng Hàn cho hay. Đài RFA đã vào cuộc xác minh vụ việc.

Theo Đài Radio Free Asia (RFA, trụ sở tại Mỹ), dạo gần đây có một thông tin ‘nóng hổi’ liên quan tới Khối các nền kinh tế mới nổi (BRICS) lan truyền trên các bài đăng bằng tiếng Hàn. Theo những bài đăng này thì BRICS hiện có tới… 84 thành viên chính thức.

Trước đó, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh BRICS diễn ra vào tháng 8 năm nay ở Nam Phi, BRICS mới chỉ tuyên bố kết nạp thêm 6 thành viên mới, nâng tổng số thành viên chính thức lên 11. Do vậy, tin tức mới được lan truyền đã gây ngạc nhiên lớn. Hàng chục quốc gia đã gia nhập BRICS lúc nào không hay?

Tuy nhiên, theo xác minh của RFA, thông tin về việc BRICS có tới 84 thành viên là sai sự thật.

Bài đăng bằng tiếng Hàn đưa thông tin sai sự thật về việc BRICS có 84 thành viên. Ảnh: RFA
Bài đăng bằng tiếng Hàn đưa thông tin sai sự thật về việc BRICS có 84 thành viên. Ảnh: RFA

Lần theo nguồn gốc các bài đăng, RFA phát hiện thấy thông tin ban đầu được chia sẻ trong một bài viết ở Daum Café – một trong những cộng đồng trực tuyến có ảnh hưởng nhất ở Hàn Quốc.

“Trên thực tế, số lượng thành viên chính thức của BRICS là 84. BRICS đang thống trị thế giới” – Bài viết cho hay.

Thông tin này sau đó còn được chia sẻ trên Naver Blog – nền tảng blog lớn nhất Hàn Quốc, cũng như các bài đăng trên mạng xã hội bằng tiếng Trung. Đáng lưu ý, trong số này có bài đăng của một Youtuber với 250.000 người theo dõi.

Theo RFA, thông tin về việc BRICS có 84 thành viên đã bắt đầu được lan truyền sau khi Hội nghị thượng đỉnh BRICS diễn ra trong tháng 8, tuy nhiên gần đây rộ lên mạnh mẽ hơn khiến họ quyết định vào cuộc xác minh.

Số lượng thành viên chính thức của BRICS

RFA nhấn mạnh, BRICS ban đầu có 5 thành viên chính thức, bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.

Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh BRICS tháng 8/2023, khối này đã quyết định kết nạp thêm 6 thành viên mới, bao gồm Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Những quốc gia đó sẽ chính thức gia nhập BRICS vào tháng 1/2024.

Mặc dù các nhà lãnh đạo BRICS đang để ngỏ khả năng mở rộng trong tương lai khi hàng chục quốc gia khác bày tỏ mong muốn gia nhập khối này, nhưng quyết định kết nạp chính thức vừa rồi mới chỉ nâng tổng số thành viên của khối lên 11, chứ không phải 84.

Cách hiểu khác về con số 84

Trong khi đó, theo trang mạng Silk Road Briefing, tiềm năng thương mại và tiềm năng phát triển là mục tiêu chính mà BRICS hướng tới khi quyết định mở rộng khối.

Số lượng thành viên thực tế của khối là 11 thành viên, tuy nhiên, sự mở rộng này cho phép BRICS “vươn tầm với” tới 84 quốc gia thông qua những hiệp định thương mại tự do bổ sung mà các nước thành viên của họ ký kết với các quốc gia khác.

Sau khi Hội nghị thượng đỉnh BRICS kết thúc, vẫn tiếp tục có những thông tin về việc nhiều quốc gia bày tỏ mong muốn gia nhập khối, trong đó có 3 cái tên được Trung Quốc và Nga – hai nước sáng lập BRICS – nhắc tới trực tiếp, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Venezuela và Algeria.

Đầu tháng 9 năm nay, Trung Quốc đã công khai ý định mời Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập khối các nền kinh tế mới nổi BRICS. Theo tờ Aydinlik của Thổ Nhĩ Kỳ, trong cuộc gặp với các nhà báo ở Ankara ngày 1/9, Đại sứ Trung Quốc tại Thổ Nhĩ Kỳ Lưu Thiếu Bân cho biết Trung Quốc "mong muốn Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập BRICS", đồng thời nhấn mạnh Bắc Kinh và Ankara sẽ sánh vai cùng nhau trên con đường phát triển kinh tế.

Tới giữa tháng 9, hãng thông tấn Anadolu đưa tin, Trung Quốc hoan nghênh ý định của Venezuela về việc gia nhập BRICS.

Tuyên bố chung giữa hai nước được đưa ra vào ngày 14/9, sau cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tại Bắc Kinh, nêu rõ: “Trung Quốc hoan nghênh ý định tích cực của Venezuela nhằm tham gia BRICS và sẽ hỗ trợ những nỗ lực của Venezuela để đạt được mục tiêu này".

Gần đây nhất, hôm 6/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề cập tới việc Algeria chính thức nộp đơn xin gia nhập BRICS và trở thành cổ đông của Ngân hàng Phát triển Mới (do BRICS thành lập) với số vốn góp 1,5 tỷ USD.

Song, ông Putin cho rằng khả năng Algeria gia nhập BRICS nên được cân nhắc một cách bình tĩnh, dựa trên tinh thần tập thể.

"Algeria chắc chắn là bạn của chúng tôi, một người bạn truyền thống ở thế giới Ả Rập, phía bắc châu Phi. Chúng tôi biết rõ điều đó (việc Algeria gia nhập) sẽ có lợi cho tổ chức, nhưng chúng tôi cần phải giải quyết việc này với tất cả thành viên trong BRICS, và làm việc với lãnh đạo Algeria.

Tôi nghĩ chúng ta nên xử lý một cách bình tĩnh để không tạo ra thêm vấn đề cho tổ chức, mà chỉ mở ra các phương hướng mới để phục vụ phát triển chung” – Ông Putin cho hay.

Tùng Chi

Phố Wall đảo chiều sau báo cáo việc làm mạnh mẽ

Phố Wall đảo chiều sau báo cáo việc làm mạnh mẽ

Chứng khoán Mỹ tăng điểm vào ngày 6/10 ngay cả sau khi công bố dữ liệu việc làm tốt hơn mong đợi của Mỹ.