Các chuyên gia, nhà nghiên cứu luận bàn về “Không gian thờ cúng tổ tiên của người Việt truyền thống và đương đại”

Sáng 16/12, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Khoa học Quốc gia “Không gian thờ cúng tổ tiên của người Việt truyền thống và đương đại”.

Nhằm đưa ra những góc nhìn toàn diện, đầy đủ hơn, có cơ sở khoa học chặt chẽ, phục vụ việc nghiên cứu, bảo tồn những giá trị tích cực và xây dựng những chuẩn mực nhất định về không gian thờ cúng tổ tiên của người Việt để ứng dụng vào đời sống, sáng 16/12, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Ứng dụng Kiến trúc Phong thủy và Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa đã phối hợp tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia “Không gian thờ cúng tổ tiên của người Việt truyền thống và đương đại”.

Sáng 16/12, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Ứng dụng Kiến trúc Phong thủy và Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa đã phối hợp tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia “Không gian thờ cúng tổ tiên của người Việt truyền thống và đương đại”. Ảnh: Hoàng Toàn
Sáng 16/12, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Ứng dụng Kiến trúc Phong thủy và Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa đã phối hợp tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia “Không gian thờ cúng tổ tiên của người Việt truyền thống và đương đại”. Ảnh: Hoàng Toàn

Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm và tham gia của đông đảo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu văn hóa đến từ các Viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu, các trường Đại học trên khắp mọi miền đất nước.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Hoàng Thăng Long – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng Kiến trúc Phong thủy khẳng định: Từ ngàn xưa, người Việt đã xem thờ cúng tổ tiên là một “Đạo”, đạo đây là đạo thờ đấng sinh thành, nguồn gốc của dòng họ, gia đình, cũng có thể là đạo Hiếu. “Đạo lý này đã trở thành một thứ giáo lý tôn giáo, và theo một nghĩa nào đó, một tôn giáo quốc gia thực thụ, nếu có nói rằng đạo thờ tổ tiên chính là “Quốc đạo” của người Việt cũng chẳng sai.”

Tuy nhiên, việc thờ cúng tổ tiên có sự đa dạng và khác biệt giữa các dân tộc, vùng miền và các dòng họ. Thậm chí, việc thờ cúng tổ tiên mang tính tự phát đã tạo ra nhiều mặt tích cực cũng như tiêu cực, khiến không ít người nghi hoặc, phân vân đúng sai, gây nhiều tranh cãi, khiến những người quan tâm và nghiên cứu trong lĩnh vực này không khỏi băn khoăn, trăn trở.

Là một viện vừa có nhiệm vụ nghiên cứu, vừa có nhiệm vụ hướng dẫn thực hành, Viện Nghiên cứu Ứng dụng Kiến trúc Phong thủy đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa chủ trì tổ chức Hội thảo. Ông Hoàng Thăng Long cho biết, từ khi triển khai (tháng 6/2023) đến nay, Hội thảo đã nhận được 60 bài viết của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu với nội dung phong phú, không chỉ đề cập tới những vấn đề về cơ sở lý luận mà còn đề cập tới những yếu tố Phong thủy chi phối cách sắp xếp ban thờ tổ tiên, cách thức lên hương, đặt mâm cúng, khấn, vái, lạy…

Ông Hoàng Thăng Long – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng Kiến trúc Phong thủy phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Hoàng Toàn
Ông Hoàng Thăng Long – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng Kiến trúc Phong thủy phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Hoàng Toàn

“Chúng tôi mong muốn qua Hội thảo này xới xáo những vấn đề đang rất được xã hội quan tâm… giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện và đầy đủ hơn để có cơ sở chặt chẽ cho việc xây dựng những chuẩn mực nhất định về không gian thờ cúng tổ tiên của người Việt, làm tiêu chuẩn mẫu mực cho các gia đình Việt Nam sinh sống ở bất cứ nơi nào đều có thể vận dụng và thực hiện” – Ông Hoàng Thăng Long bày tỏ.

TS. Phạm Thanh Tịnh - Phó Chủ tịch Hội Nghiên cứu Khoa học Đông Nam Á Việt Nam, đánh giá cao ý tưởng tổ chức Hội thảo của Viện nghiên cứu ứng dụng kiến trúc phong thủy và viện nghiên cứu di sản văn hóa.

“Tôi tin chắc rằng, Hội thảo khoa học ngày hôm nay với sự đóng góp, chia sẻ của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu văn hóa sẽ có nhiều giá trị khoa học mới, nhằm lan tỏa những giá trị tốt đẹp của tín ngường thờ cúng tổ tiên trong đời sống xã hội” – TS. Phạm Thanh Tịnh bày tỏ.

Bàn về cơ sở lý luận về tín ngường thờ tổ tiên của người Việt

Với tham luận “Ứng xử với văn hóa thờ cúng tổ tiên trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, PGS.TS Nguyễn Quốc Bảo – Giảng viên cao cấp Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã điểm qua những quan niệm của người Việt về việc thờ cúng tổ tiên đồng thời đưa ra những lý giải vì sao trong thời đại công nghiệp 4.0 với sự phát triển vượt bậc của khoa học và công nghệ nhưng con người vẫn không hề xem nhẹ văn hóa tâm linh, văn hóa đức tin và việc thờ cúng tổ tiên vẫn luôn được chú trọng, thậm chí ngày một cầu kỳ hơn. PGS.TS Nguyễn Quốc Bảo cũng chỉ ra những vấn đề đáng lưu ý khi thực hành việc thờ cúng tổ tiên của người Việt trong đời sống: hỏa hoạn từ việc hóa vàng, nhang đèn, hành vi lợi dụng lòng tin của người dân để “buôn thần bán thánh”…

TS. Lê Thị Chiêng – Nguyên giảng viên ĐH Văn hóa Hà Nội trình bày tham luận “Thờ cúng tổ tiên – Một cách nhìn” tại Hội thảo. Ảnh: Hoàng Toàn
TS. Lê Thị Chiêng – Nguyên giảng viên ĐH Văn hóa Hà Nội trình bày tham luận “Thờ cúng tổ tiên – Một cách nhìn” tại Hội thảo. Ảnh: Hoàng Toàn

Tại Hội thảo, TS. Lê Thị Chiêng – Nguyên giảng viên ĐH Văn hóa Hà Nội đã trình bày tham luận “Thờ cúng tổ tiên – Một cách nhìn”. Bà đã đưa ra góc nhìn về nguồn gốc của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, những sự chuyển dịch về các hình thức thờ cúng (tại nhà, tại mồ, tại nhà thờ họ, tại chùa…), những ý nghĩa của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên tại Việt Nam. Bà bày tỏ sự đồng tình với quan niệm của cụ Phạm Quỳnh: thờ cúng tổ tiên là một “Đạo gia đình”. Đồng thời kiến nghị các nhà nghiên cứu cần lý giải các khái niệm: tín ngưỡng, tin, tôn giáo.

Sắp xếp bài trí và ứng xử trong không gian thờ cúng tổ tiên của người Việt

Với tham luận về “Từ đường nhà thờ họ dưới góc nhìn phong thủy”, GS.TS Đinh Khắc Thuân đã khái quát những kiến thức về phong thủy, việc xây dựng, bài trí trong nhà thờ họ theo thuật phong thủy (về địa điểm, quy mô kiến trúc, bài trí nội thất và linh vị)… Ông đặt ra các vấn đề: nhiều dòng họ không hiểu rõ về các văn tự Hán Nôm, nên sử dụng văn tự không chính xác. Tình trạng dùng chung các bức hoành phi, câu cối giống nhau tại nhiều nhà thờ họ hiện nay làm mất đi sự phong phú, nét đặc sắc riêng. Bày trí linh vị không tuân theo nguyên tắc cũng ảnh hưởng tới phong thủy không gian thờ cúng của nhà thờ họ. Từ đó kết luận: Kiến trúc và bài trí trong nhà thờ nếu kết hợp với cách bố trí Phong thủy tốt, ngôi từ đường đó thêm phần trang nghiêm, thực sự là đất phúc, sản sinh cát tướng.

Trong khuôn khổ Hội thảo, Thượng tọa Thích Tiến Đạt – Giám đốc Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam, Trụ trì chùa Đại Từ Âm (Đan Phượng, Hà Nội) cũng đã đưa ra những góc nhìn về thờ cúng và không gian thờ cúng tổ tiên của người Việt dưới góc độ của Phật giáo. Thượng tọa bày tỏ quan niệm thờ cúng tổ tiên chính là đại diện của Hiếu đạo. Theo quan điểm của Phật giáo, tâm hiếu là tâm phật, hạnh hiếu là hạnh Phật. Cái làm nên con người và văn hóa Việt Nam là giáo dục gia đình, bắt đầu từ chữ Hiếu và không gian thờ cúng tổ tiên chính là thiết chế văn hóa để thể hiện hiếu đạo. cúng để tưởng niệm, cúng để hiếu đạo. Thắp nén hương trên bàn thờ tổ tiên là tiếp nối tâm linh từ cội nguồi đến bản thân, truyền ngọn lửa đó đến đời sau. Thượng tọa cho rằng, đây mới là tinh thần mà chúng ta cần phổ biến để hướng mọi người tới điều này.

Nhà nghiên cứu Lê Nguyên Hợp trình bày tham luận về “Con gái thờ cúng cha mẹ”. Ảnh: Hoàng Toàn
Nhà nghiên cứu Lê Nguyên Hợp trình bày tham luận về “Con gái thờ cúng cha mẹ”. Ảnh: Hoàng Toàn

Nhà nghiên cứu Lê Nguyên Hợp (Nguyên cán bộ Tổng Cục thuế) trình bày quan điểm về “Con gái thờ cúng cha mẹ”. Ông cho rằng hiếu kính cha mẹ không còn là đặc quyền của đàn ông và cần phải thay đổi những hủ tục như “trọng nam khinh nữ”, không thờ họ ngoại trong nội… Bởi vai trò của người phụ nữ trong gia đình đã tương đối cân bằng. Việc người vợ được thờ cúng tổ tiên, cha mẹ mình trong nhà chồng sẽ thể hiện được sự bình đẳng giữa hai họ nội -  ngoại, phù hợp với đạo hiếu, làm bền chặt tình cảm vợ chồng, nâng cao trách nhiệm của người con đối với đấng sinh thành, nhất là với những gia đình có con một bề.

Nhà nghiên cứu Thang Văn Phúc (Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đạo Mẫu Việt Nam) chia sẻ về giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đối với dân tộc Việt. Ông khẳng định đây là một nguồn lực tạo ra sức mạnh tiềm ẩn của dân tộc Việt Nam từ nghìn đời nay.

Với tham luận “Tín ngưỡng kính nhớ tổ tiên của người Việt theo đạo Công giáo”, TS. Vũ Hồng Thuật (Viện Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam) đã đưa ra những quan niệm về cái chết và thờ cúng tổ tiên của người công giáo, các hình thức tổ chức thờ cúng, và những biến đổi trong quan niệm và hình thức kính nhớ tổ tiên của người công giáo hiện nay. Qua quá trình nghiên cứu, TS. Vũ Hồng Thuật đánh giá Luật không ra đời kịp bằng sự biến đổi của tín ngưỡng tôn giáo. Điều đó dẫn tới hiện tượng mỗi nhà mỗi vẻ, mỗi khu vực, mỗi tộc người lại có hình thức thờ cúng tổ tiên khác nhau.

Trong tham luận “Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, một giá trị đẹp của văn hóa Việt”, ông Vũ Ngọc Khôi đã tóm tắt 5 điểm: Thứ nhất, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên không phải là một tôn giáo, mà chỉ gắn với lòng thành kính, biết ơn của thế hệ sau với thế hệ trước. Có thể xem đây là một Đạo, đạo lý uống nước nhớ nguồn, đạo thờ ông bà tổ tiên… Thứ hai, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt là sự tiếp nối tín ngưỡng thờ vật tổ từ rồng, chim, đến Hùng Vương và tổ tiên, quan sát thế giới  nhiên thần, nhân thần gắn với phong thủy… Thờ tổ tiên là một nhu cầu tự thân của cuộc sống mà không một gia đình Việt nào không cúng thờ. Với hơn 54 dân tộc anh em, với sự giao thoa, tiếp biến văn hóa, tính linh hoạt, người Việt có thể đặt ban thờ Phật, thờ chúa, thờ ông bà tổ tiên song song với ban thờ cha mẹ, có thể thắp hương, dâng trà, rượu, hoa quả, một cách trang nghiêm, kính trọng. Thứ ba, đối tượng thờ cúng là tổ tiên nhưng cần hiểu rõ tổ tiên không chỉ là cha mẹ, ông bà trực hệ mà còn là những vị tổ sư ngành, nghề, người có công khai dân lập ấp, các anh hùng chiến đấu bảo vệ làng mạc quê hương, danh nhân văn hóa... Việc sắp xếp không gian thờ cúng cần phải đưa vào quy định. Thứ tư, đồng thuận việc phụ nữ được thờ cha mẹ đẻ ở nhà chồng nhưng cần sắp xếp ban thờ hợp lý. Tương tự, đàn ông được cha mẹ vợ cưu mang, cũng nên được sự đồng thuận của nhà vợ trong việc thờ cũng cha mẹ đẻ của mình tại ban thờ nhà vợ. Thứ năm, hiện tượng cúng giỗ online là một xu hướng đang được nhiều gia đình thực hiện, được nhiều nhà nghiên cứu quan sát, quan tâm. Ông Vũ Ngọc Khôi cho rằng đó là một cách giải tỏa nhu cầu tâm linh và gắn với đạo hiếu.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu ThS Nguyễn Quang Trung, chuyên gia Bùi Đình Ngọc, ThS Nguyễn Thị Thúy Hằng cũng đã trình bày các tham luận đề cập đến việc thực hành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên: đưa ra sơ đồ về không gian thờ cũng tổ tiên tại gia của người Việt (tại đất trệt, biệt thự, chung cư) phù hợp, cách dâng hương, hoa, khấn, niệm, cũng như cách bố trí bát hương trên ban thờ…

Phát biểu tại Hội thảo, ông Hoàng Xuân Khóa (Hội Kiều học Việt Nam) cho rằng cần đưa những nét đẹp truyền thống văn hóa của người Việt vào triết lý giáo dục, vào giảng dạy để truyền lại cho thế hệ sau.

Bế mạc Hội thảo, ông Bùi Hữu Dược (Viện Nghiên cứu Ứng dụng Kiến trúc Phong thủy) đã gửi lời cảm ơn tới các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các nhà tài trợ đã đóng góp vào sự thành công của Hội thảo.

“Hội thảo mong muốn truyền tải những thông điệp về đạo đức, về văn hóa giá trị truyền thống của người Việt qua không gian thờ cúng tổ tiên xưa và nay…Hội thảo sẽ mở ra nhiều hội thảo tiếp sau, để tiếp tục bàn, tiếp tục nghiên cứu về vấn đề thờ cúng tổ tiên của người Việt để lựa chọn được mô hình thờ cúng tổ tiên phù hợp” - ông Bùi Hữu Dược phát biểu.

Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Hoàng Toàn
Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Hoàng Toàn

Diệu Thuần - Hoàng Toàn

Tục thờ cúng cá voi của Việt Nam lên báo nước ngoài, được cảnh báo 'thất truyền'

Tục thờ cúng cá voi của Việt Nam lên báo nước ngoài, được cảnh báo 'thất truyền'

Không chỉ được biết đến trong nước, tục thờ cúng cá voi của người dân sống ven biển còn được truyền thông nước ngoài quan tâm và mới đây, hãng tin Aljazeeera của Qatar đã có một bài viết đặc biệt về phong tục này. Xin giới thiệu bài viết này đến bạn đọc.