"Nghe vải kể chuyện" và hành trình 45 năm miệt mài cùng tranh cắt vải của nữ họa sĩ Thanh Thục

Triển lãm "Nghe vải kể chuyện" là một minh chứng cho sự sáng tạo không ngừng nghỉ và tình yêu nghệ thuật mãnh liệt của họa sĩ Thanh Thục.

Sáng 2/4, triển lãm "Nghe vải kể chuyện" – triển lãm cá nhân lần thứ ba của nữ họa sĩ Thanh Thục đã chính thức khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội). Triển lãm đánh dấu chặng đường 45 năm miệt mài theo đuổi nghệ thuật cắt vải độc đáo của nữ họa sĩ, mang đến cho người xem một không gian nghệ thuật đầy màu sắc và cảm xúc.

Triển lãm thu hút đông đảo giới chuyên môn đến từ Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Nữ trí thức Việt Nam, Câu lạc bộ Nữ nghệ sĩ tạo hình Việt Nam và những người yêu nghệ thuật, tới tham dự, thưởng lãm.

Triển lãm
Triển lãm "Nghe vải kể chuyện" thu hút đông đảo giới chuyên môn từ Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Nữ trí thức Việt Nam, Câu lạc bộ Nữ nghệ sĩ tạo hình Việt Nam và những người yêu nghệ thuật, tới tham dự, thưởng lãm

Triển lãm "Nghe vải kể chuyện" giới thiệu 75 tác phẩm cắt vải với đa dạng kích thước và chủ đề, đưa người xem vào một hành trình khám phá vẻ đẹp của đất nước Việt Nam qua lăng kính nghệ thuật độc đáo. Những bức phong cảnh trải dài từ Mũi Sa Vĩ đến Cà Mau, những ký ức tuổi thơ về giàn hoa, giếng nước, ngõ quê, hay những hình ảnh Hà Nội thanh bình, xinh đẹp được tái hiện một cách đầy cảm xúc.

45 năm, một con số không hề nhỏ, với họa sĩ Thanh Thục, đó là hành trình của sự kiên trì, đam mê để khám phá và chinh phục chất liệu vải độc đáo. Bà không vẽ, không tô màu, mà dùng đôi tay khéo léo để cắt, dán, sắp xếp những mảnh vải in sẵn, biến chúng thành những tác phẩm nghệ thuật đầy cảm xúc, nơi mỗi đường cắt, mỗi mảng màu đều chứa đựng một câu chuyện riêng.

"Các họa tiết vải đã mặc định như thế rồi, chị không thể phóng to, thu nhỏ nó lại. Tác phẩm phải dựa vào họa tiết chị tìm kiếm được", “...để tạo nên những bức tranh có độ sâu, độ xa tôi phải sưu tập rất nhiều loại vải mỏng nhẹ và thực hiện kỹ thuật chồng xếp lớp vải lên nhau một cách tỉ mỉ”- nữ họa sĩ chia sẻ về những trở ngại khi làm việc với chất liệu vải. Nhưng có lẽ, chính những khó khăn đó đã tôi luyện nên một Thanh Thục nhẫn nại, kiên trì, bản lĩnh.

Họa sĩ Trần Thanh Thục phát biểu khai mạc Triển lãm
Họa sĩ Trần Thanh Thục phát biểu khai mạc Triển lãm

Tại lễ khai mạc triển lãm "Nghe vải kể chuyện", bà Nguyễn Thị Hồi, Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, thay mặt lãnh đạo Hội Nữ trí thức Việt Nam đã gửi lời chúc mừng tới họa sĩ Thanh Thục.

Bà nhấn mạnh: "Không gian nghệ thuật hôm nay thực sự ấn tượng, quy tụ số lượng lớn tác phẩm với đủ kích cỡ, phản ánh khát vọng và những sáng tạo không ngừng của họa sĩ Thanh Thục. Trong từng tác phẩm, tôi cảm nhận được sự dịu dàng của người phụ nữ, đồng thời là sự mạnh mẽ, kiên cường của một người cha. Thục đã vừa làm mẹ, vừa làm cha trong suốt nhiều năm qua. Những bức tranh tại triển lãm cũng phản ánh tình yêu, ý chí, khát vọng vươn lên, sự cống hiến của nữ họa sĩ”.

Cũng tại buổi lễ, họa sĩ Thanh Thục đã trao tặng bức tranh "Trường Sa không xa" cho Câu lạc bộ Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu, như một món quà ý nghĩa gửi đến những chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ biển đảo quê hương.

GS.TS Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam (thứ hai, từ trái sang) và họa sĩ Thanh Thục (ngoài cùng bên trái) trao tặng bức tranh
GS.TS Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam (thứ hai, từ trái sang) và họa sĩ Thanh Thục (ngoài cùng bên trái) trao tặng bức tranh "Trường Sa không xa" cho Câu lạc bộ Vì Trường Sa thân yêu

Bà Đỗ Thị Thanh Bình, Phó Tổng Biên tập Báo Thiếu niên & Nhi đồng, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu, Phó Giám đốc Quỹ học bổng Vừ A Dính, bày tỏ niềm vinh dự khi được tham dự triển lãm. Bà ấn tượng trước quy mô của triển lãm, sự say mê và tâm huyết của họa sĩ Thanh Thục, đặc biệt là màu sắc độc đáo trong các tác phẩm. Bà Đỗ Thị Thanh Bình cũng gửi lời cảm ơn đến họa sĩ Thanh Thục vì những tình cảm mà nữ họa sĩ đã dành cho Câu Lạc bộ Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu và Quỹ học bổng Vừ A Dính.

Triển lãm
Triển lãm "Nghe vải kể chuyện" thu hút đông đảo giới chuyên môn và những người yêu nghệ thuật trong và ngoài nước, tới tham dự, thưởng lãm
Triển lãm
Triển lãm "Nghe vải kể chuyện" thu hút đông đảo giới chuyên môn và những người yêu nghệ thuật trong và ngoài nước, tới tham dự, thưởng lãm

Chia sẻ với Phóng viên Tạp chí Phụ nữ Mới, nhà phê bình mỹ thuật Lê Đình Thuận cho biết: "Một tác phẩm mỹ thuật có giá trị, cần có sự hòa quyện giữa nhân cách nghệ sĩ - tức là tài năng vốn có - và khả năng làm chủ chất liệu. Xét về phong cách nghệ thuật thì đây là những tác phẩm phong cảnh, không mới, từ thế kỷ XVII người ta đã vẽ phong cảnh rất tốt. Nhưng điều đặc biệt là Thanh Thục sử dụng chất liệu vải màu để tạo ra những bức tranh phong cảnh giàu cảm xúc, đấy là nét đặc trưng và rất hiếm. Bản thân người họa sĩ phải yêu phong cách của mình, phải có vật liệu, kiên trì trong việc sưu tầm vật liệu - bởi chỉ cần thiếu một mảnh vải màu, quá trình sáng tác sẽ bị gián đoạn. Nhưng khi có đủ vật liệu rồi phải làm chủ được vật liệu, tức là phải khéo tay, chọn vải như nào, phối màu ra sao để rồi cuối cùng người ta nhìn thấy bức tranh chứ không thấy vải. Đó là điều mà không phải ai cũng làm được, nhưng Thanh Thục làm được việc ấy, như một cái duyên định mệnh với nghề. Để khi nhắc tới tranh cắt vải là người ta nhớ ngay tới Thanh Thục”.

Một góc làm việc của họa sĩ Thanh Thục được mô phỏng và trưng bày tại Triển lãm
Một góc làm việc của họa sĩ Thanh Thục được mô phỏng và trưng bày tại Triển lãm
Công chúng yêu nghệ thuật tham quan góc làm việc của họa sĩ Thanh Thục
Công chúng yêu nghệ thuật tham quan góc làm việc của họa sĩ Thanh Thục

Họa sĩ Bùi Nam, Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, đánh giá: "Các tác phẩm của họa sĩ Thanh Thục về màu sắc, bố cục và cảm thức đều rất tuyệt vời. Đây là những kinh nghiệm quý báu cần được truyền lại cho sinh viên. Việc sử dụng chất liệu vải để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật đẹp đòi hỏi sự sáng tạo và kỹ thuật cao. Mặc dù có nhiều họa sĩ thử nghiệm với chất liệu vải, nhưng để đạt đến trình độ chuyên nghiệp như họa sĩ Thanh Thục là rất hiếm. Tôi thực sự ngưỡng mộ lao động nghệ thuật của chị".

Lãnh đạo Hội Nữ trí thức Việt Nam và bạn bè tới chúc mừng họa sĩ Thanh Thục
Lãnh đạo Hội Nữ trí thức Việt Nam và bạn bè tới chúc mừng họa sĩ Thanh Thục

"Nghe vải kể chuyện" không chỉ là một triển lãm, mà còn là một hành trình về cuộc đời, về tình yêu, về sự sáng tạo không ngừng nghỉ của họa sĩ Thanh Thục. Triển lãm kéo dài đến hết ngày 8/4, hứa hẹn sẽ mang đến cho người xem những khoảnh khắc lắng đọng và những trải nghiệm nghệ thuật khó quên.

Một số tác phẩm trưng bày tại Triển lãm "Nghe vải kể chuyện":

Tác phẩm
Tác phẩm "Bến sông quê tôi"
Tác phẩm
Tác phẩm "Bạch liên hoa"
Tác phẩm
Tác phẩm "Chợ hoa Tết Hàng Lược"
Tác phẩm
Tác phẩm "Hạnh phúc nhà Tễu"

Diệu Thuần

Triển lãm tranh 'Bắc Giang – Xưa ấy và Nay'

Triển lãm tranh "Bắc Giang – Xưa ấy và Nay"

Triển lãm diễn ra từ 16h ngày 26/4 đến ngày 5/5, tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội.