Không có bản phác thảo, không một nét màu, chỉ sử dụng vải, không có bức tranh nào giống bức nào, mọi tác phẩm tranh vải của họa sĩ Trần Thanh Thục đều là độc bản.
Tranh vải độc bản
Phải rồi, làm sao mà không độc bản được, khi mọi họa tiết trên vải đều có giới hạn, khi chính người họa sĩ còn không bao giờ vẽ phác thảo bức tranh mình định sáng tạo. Mọi thứ đều trôi tuột, đều bị chính những vẻ đẹp của tấm vải cuốn đi. Mỗi bức tranh là một sự ngẫu hứng đầy cảm xúc của người họa sĩ, con đường của họa sĩ đi cũng là cuộc chơi độc hành.
Họa sĩ Trần Thanh Thục. |
Bức Nhà thờ đổ biển Hải Lý. KT 80cmx110cm. ST 2019. |
Người đàn bà có dáng vẻ thuần hậu, một mình trong ngôi nhà vừa là nhà ở, vừa là gallery nhỏ xinh của chị. Có buổi sáng, tôi gọi điện thoại mãi không được, tới 10 giờ sáng mới có thể liên lạc với chị, thì ra, chị luôn làm việc thâu đêm mỗi khi “vào guồng”, cày đêm như vậy, nên “ngủ trễ”. Căn gác nhỏ, nơi bao vây tứ bề, có lẽ là những mảnh vải, chất liệu chính tạo nên các tác phẩm của họa sĩ Trần Thanh Thục. Chị ngồi ở giữa đống bộn bề nhưng sặc sỡ các sắc vải, với bàn tay tài tình của người tổng chỉ huy biến hóa các chi tiết từ hàng chục mảnh vải để trở thành một bức tranh tổng thể theo ý tưởng của mình.
Bức Hà Nội chiều thu. KT 73cmx92cm. ST 2017. |
Khi say làm, chị cũng giống như ngồi thiền với guồng quay rất động của mình bất chấp cái nóng của mùa hè, cái lạnh của mùa đông. Tôi đã hỏi, sao chị không lắp máy lạnh hoặc bật quạt vào mùa hè, đóng cửa vào mùa đông? Không được. Nếu nóng, bật quạt, thì không thể thực hiện được việc cắt dán vải, bởi gió sẽ làm lệch các chi tiết. Cái này phải làm tỉ mỉ, kiên nhẫn. Nếu bật điều hòa thì nói thật, bụi vải sẽ không thoát ra được. Mùa đông, cũng không được đóng cửa, để cho thoáng.
Những năm 80, thời ấy khi vải còn đắt đỏ, một miếng vải đem đi bán ngoài chợ có thể cứu mấy bữa cơm cho một gia đình, thì Thục lại “phải lòng” với vải. Chị quanh quẩn, “nhẵn” mặt ở một số sạp vải quen, lang thang các chợ vải chỉ để tìm được mảnh vải nào phù hợp. Mua một đống vải, cuối cùng, mỗi mảnh chỉ lấy vài chi tiết cần thiết, còn đâu, “tan tành” hết cả nên phải bỏ. 40 năm trời, chị chìm trong vải, ăn vải, ngủ vải, chơi với vải, và “vật vã”, hết mình, nhưng cũng “phê pha” hết cỡ với vải. Những lúc ngồi lì 14, 15 tiếng với vải, không xong không yên, đó là cảm giác mà chị luôn phải trải qua.
Bức Mùa đông trên cao nguyên đá. KT 80cm x110cm. ST 2018 |
Là một họa sĩ vốn “dạn dày” với các chất liệu trong hội họa như sơn dầu, sơn mài, lụa, giấy dó, nhưng cuối cùng, chị thấy mình đầy năng lượng với chất liệu vải. Quan sát người họa sĩ thực hiện sáng tạo, sẽ thấy sự tập trung cao độ và có lẽ chính kỹ thuật chồng xếp vải nhiều lớp để tạo ra những sắc màu đặc biệt bất ngờ. Ví dụ để tạo thành một bầu trời có chiều sâu, nếu như trong sơn dầu, ta sử dụng một vài lớp sơn chồng lên nhau, thì ở đây, là các sắc độ của từng lớp vải chồng lên nhau để tạo ra một bầu trời có chiều sâu.
Trong tác phẩm, chị không sử dụng một chút màu nào, tất cả, duy nhất là vải. Mỗi ngày, chị thể hiện trên tác phẩm, từng tà áo của người thiếu nữ, chiếc mũ của trẻ nhỏ, tuyết rơi trên cung đường, màu của hoàng hôn, màu của ký ức… thấm đẫm trong tranh vải của người họa sĩ biết giấu mình vào tác phẩm.
Tình yêu thấm đẫm
Những tác phẩm của chị dường như luôn mang sự bình yên và lãng mạn. “Tôi không sinh ra ở Hà Nội nhưng tôi lớn lên cùng Hà Nội, từng góc phố, con đường, hàng cây, tiếng leng keng tàu điện sớm khuya đều gắn với những kỷ niệm vui buồn trong cuộc sống. Hà Nội với tôi đôi khi đơn giản là mùi của bắp ngô nướng, là vị lạnh của que kem trong ngày đông giá rét. Tôi yêu và biết ơn Hà Nội”.
Chị vẫn thầm lặng ngồi tỉ mẩn chọn từng chi tiết để thể hiện những lá bàng đỏ bừng lên ấm cả góc phố. Sự hồn hậu ấm áp của tình người thể hiện ngay ở ánh đèn điện vàng trong từng ngôi nhà mà theo chị, ở đâu cũng cần tình yêu thương, sự đoàn viên của gia đình, mỗi bữa cơm đoàn tụ, mỗi ánh đèn sáng chính là thể hiện hạnh phúc gia đình.
IMG_9739 |
Trần Thanh Thục chưa bao giờ hết “lãng đãng” trên phố Hà Nội. Đối với chị, thả bước trên phố chính là một liệu pháp tâm hồn. Đi để thư giãn chính mình, để có năng lượng làm việc. Không chỉ Hà Nội với năm cửa ô, chị rất yêu những chuyến đi xa. Ở đấy, tầm mắt có thể trài dài theo từng thửa ruộng bậc thang, thấm cái lạnh của miền núi, yêu thương từng đôi má hồng và đôi mắt trong veo của những đứa trẻ… Chị mang những cảm xúc đó vào tranh vải, những bức tranh thành hình từ cảm xúc mãnh liệt của người nghệ sĩ tài hoa.
Với Phật giáo, chị dành sự hiểu biết của mình trong quá trình nghiền ngẫm tìm hiểu giáo lý Phật giáo, đem vào các tác phẩm về đức Phật, hoa sen, đường tới bảo tháp… Có lẽ hành trình ấn tượng nhất trong cuộc đời đó là chuyến đi Nepal.
“Khi tới Nepal, nhìn người dân đi bộ hành hương, họ gùi hàng bằng trán, bóng họ đổ về phía trước, nhẫn nại, hiền lành, không nói nhiều, chỉ bằng niềm tin hướng về Đức Phật, điều đó làm tôi vô cùng cảm động. Trở về, tôi tìm chất liệu để tạo hình nên bức tranh về cuộc hành hương của người dân tới bảo tháp trên núi cao. Xa xa là cầu vồng lấp lánh, như biểu tượng của sự huyền diệu dành cho những phật tử thuận thành”.
Ngắm chị một mình một cõi tỉ mẩn với từng tác phẩm của mình, tưởng nhẹ nhàng, nhưng mà rất quyết liệt và mạnh mẽ. Người nghệ sĩ lúc đó mới thật là chính mình. Gần đây chị làm việc rất nhiều, làm như “điên”, đó là lời chị thổ lộ, đấy là lúc chớp lấy những nguồn năng lượng dồi dào trong mình để cho ra đời những tác phẩm đầy cảm xúc.
“Tôi không bao giờ cố để cho xong một bức tranh! Tôi muốn nói hết những điều tôi yêu thương, những kỷ niệm đang cựa mình đòi đi ra”. Chỉ cần vậy, là đủ để nói lên tình yêu của chị với mỗi tác phẩm. Yêu thì sao phải cố!
Ảnh: Lê Bích, Tất Sơn
Nhà thơ Giáng Vân: Không muốn mình là một kẻ amateur trong hội họa
Vẽ, không chỉ là niềm vui, sở thích, mà như một biểu hiện tồn tại của bản thân người đàn bà trong không gian khá xưa cũ.