Ngắm tranh của Bình Nhi để cảm nhận được cuộc sống nhẹ nhàng, thấy được hương vị thiền, sự ung dung tự tại ngay cả khi chị thể hiện sự hỗn loạn của nội tâm. Đôi khi nữ họa sĩ thấy chính mình trong bản thể của con cua, con tôm, con loăng quăng, và có lẽ chị mỉm cười với ý nghĩ thú vị ấy. Nghiên cứu Phật pháp, vẽ tranh Phật để tu sửa chính mình, với Bình Nhi, sự tĩnh lặng, hay nông nổi, cũng chính là mình.
HỘI HỌA LÀ ĐẠO
Chị biết mình sẽ theo con đường hội họa từ khi nào?
Từ nhỏ tôi đã rất đam mê vẽ, tôi vẽ từ tờ giấy nhỏ cho đến giấy to nhất là A0 do mẹ và các chị mua cho vẽ. Tôi vẽ mọi thứ nhưng chủ yếu là vẽ qua tivi, báo chí. Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học tôi đã xác định thi duy nhất vào trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam, mặc dù thi mất hai năm mới đỗ nhưng tôi không hề nản chí. Có thể nói, hội họa đã chọn tôi và tôi luôn giữ lửa đam mê đó.
Họa sĩ Bình Nhi bên tác phẩm của mình. |
Là một người có gốc là dân tộc Tày, Lạng Sơn, có bao giờ chị suy ngẫm về xuất xứ của mình và tìm lại, thể hiện lại những giá trị văn hóa của người Tày vào tác phẩm của mình hay không?
Tôi sinh ra và lớn lên ở Lạng Sơn, nơi núi đồi xanh thẳm. Sau nhà tôi có con sông Thương xanh trong veo, nơi đây đã gắn bó bao kỷ niệm tuổi thơ tôi. Trong tôi luôn chứa đựng tình yêu bao la của bố tôi (người dân tộc Kinh, Bắc Ninh) và mẹ tôi (người dân tộc Tày, Lạng Sơn).
Từ nhỏ, bố đã đưa tôi đi khắp các miền quê Kinh Bắc, bố mẹ đưa tôi về thăm quê ngoại nơi nhiều núi non trùng điệp, những dải núi trồng cây na ở Đồng Mỏ, Chi Lăng xanh ngắt... thấp thoáng những màu áo xanh chàm người Tày đẹp như những bức tranh. Cảnh vật và con người nơi tôi sinh ra đã hòa quyện vào tâm hồn tôi từ thơ bé, nên trong một số tác phẩm của tôi luôn phảng phất hồn sông núi hay sắc màu quê hương mình. Đây là điều tôi không phủ nhận. Trích lời bài viết của nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng trong triển lãm cá nhân đầu tiên của tôi năm 2015, ông nói: “Một nữ họa sĩ gốc Tày, Ngô Bình Nhi không giấu đi đâu được những tính cách dân tộc riêng, hiền lành, ít bộc lộ nhưng ẩn chứa trong mình những khát vọng sống không lúc nào vơi...”.
Ai cũng tìm cho mình một hướng đi trong hội họa. Làm thế nào để không bị những cái bóng của “các mét” khiến cho mình cảm thấy nhỏ bé?
Trước tiên tôi phải cảm ơn đến các thế hệ đi trước, các thầy cô trong trường đã hướng dẫn tôi và để lại cho thế hệ sau chúng tôi nhiều bài học hay, nhiều kinh nghiệm quý báu về nghề.
Một tác phẩm của họa sĩ Bình Nhi. |
Hội họa rất gần đạo hay hội họa là đạo. Những bước đi đầu tiên bản thân mỗi chúng tôi luôn cần những người thầy, người đi trước dày dặn kinh nghiệm dìu dắt về cơ bản, sau khi ra trường, chúng tôi phải tự lập đứng bằng đôi chân của mình trên con đường gian nan mình đã chọn. Lúc đó, mình chính là người thầy của bản thân. Tôi rất tâm đắc với câu ngài Lục Tổ Huệ Năng nói với ngài Ngũ Tổ khi qua sông: “Khi con mê thì thầy độ, khi con ngộ thì con tự độ con”.
Ai cũng cố gắng tự tìm hướng đi riêng trên con đường nghệ thuật của mình không ngoại trừ tôi. Tìm hướng đi cũng là tìm về chính mình, nhìn vào trong mình và bộc lộ tiếng nói riêng. Dù nó thô hay vi tế cũng nên cần là mình, tôi nghĩ vậy. Con người thấy nhỏ bé, sợ hãi hay ngại ngần chỉ khi cái tâm tham, sân, si trong mình quá lớn, tu sửa cái tâm đó là đang tu sửa đạo trong mình, đang hoàn chỉnh mình. Hội họa cũng vậy, đã là ngôn ngữ riêng ắt phải để nó bộc lộ một cách tự nhiên nhất theo bản thể sẵn có hay đúng với tính chân thực vốn có. Hướng đi của tôi cũng không có gì đặc biệt, bởi nó là cuộc sống hàng ngày của tôi đang có mà thôi.
CẢM NHẬN VÀ CHẤT THIỀN
Có bao giờ chị bế tắc trong sáng tác và trong cuộc sống? Chị tìm cách giải tỏa chúng bằng cách nào?
Tôi còn nhớ lần đầu tiên triển lãm nhóm với chồng tôi, họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng vào năm 2013. Anh cũng là người đi trước hướng dẫn chuyên môn cho tôi những năm đầu tôi bắt đầu sáng tác. Khi biết mình ảnh hưởng anh rõ nét về bút pháp vẽ bay trong tranh phong cảnh, tôi đã tự quyết định vẽ một loạt tranh chân dung về người lao động ở Hải Phòng để mong tìm được một điều gì đó cho riêng mình.
Thực sự ngay từ lúc đó, tôi đã ý thức phải tìm hướng đi riêng cho mình. Đó là bế tắc đầu tiên tôi vướng phải, hơn 10 bức tranh phong cảnh sau đó tôi đã cất giữ không trưng bày, cũng không rạch xé hay hủy đi... tôi giữ đến tận bây giờ. Đó là thái độ của tôi với tác phẩm của mình. Sau đó 3 năm, tôi bày triển lãm cá nhân đầu tiên tại 16 Ngô Quyền, do CLB Họa sĩ trẻ Hà Nội chọn tôi là gương mặt họa sĩ trẻ được bày cá nhân. Là thế hệ sau không tránh được những bước đi đầu tiên đầy thử thách, gạch đá nhưng tôi chưa từng nản bước, nó luôn là động lực giúp tôi bước tiếp.
Trong hội họa, bút pháp có thể học được nhưng tư duy thì tuyệt nhiên không. Tôi vẫn chỉ đang là một học giả nghiên cứu học hỏi, học tu và hoàn chỉnh những thiếu sót. Tôi nghiên cứu Phật pháp và vẽ tranh Phật để tu sửa mình và tìm về chính mình. Sau này, nhiều tác phẩm tôi vẽ luôn có nhiều mảng màu ngũ sắc mạnh mẽ, tươi sáng hay những khoảng lặng mơ màng... đó là tôi, là sự tĩnh lặng hay nông nổi như chính mình.
Nghiên cứu Phật giáo khiến cho chị thay đổi tâm thức thế nào?
Đạo Phật dạy cho tôi biết đủ, biết sống chan hòa, yêu thương, chia sẻ và tăng trưởng lòng từ bi với muôn loài. Mọi thứ thực sự không xa vời cuộc sống, nó chính là cơm ăn nước uống hàng ngày, là mọi thứ diễn ra quanh ta. Và tôi vẽ những gì đang sống, đó là thực tại.
Vị thầy nào trong hội họa, vị thầy nào trong Phật giáo có sự ảnh hưởng lớn với chị?
Bậc thầy trong hội họa có ảnh hưởng rất lớn với tôi về phần tâm lý nghệ thuật là danh họa Edvard Munch và bút pháp vẽ cuồn cuộn đầy xúc cảm, màu sắc rực rỡ của Vincent van Gogh. Trong một bức thư ông nói với người em trai: “Thay vì tìm cách sao chép những gì mắt nhìn thấy, anh muốn dùng màu một cách linh hoạt hơn để diễn tả sinh động về bản thân mình”. Màu sắc ấn tượng và ngôn ngữ biểu hiện luôn ám ảnh tôi muốn theo đuổi và thể hiện trong nhiều tác phẩm của mình.
Họa sĩ Bình Nhi. |
Sau này, tôi nghiên cứu thêm ý nghĩa hay tâm ý tác giả ở khoảng trống trong tranh quốc họa Trung Hoa. Triết học Phương Đông đưa con người ta gần gũi với thiên nhiên, cây cỏ và sự sống. Hướng con người tới những điều tốt đẹp. Một thời gian dài tôi đã vẽ hoa lá, côn trùng, động vật mà mình hàng ngày quan sát được. Hòa mình với thiên nhiên làm cho cuộc sống tôi thấy an lạc, hạnh phúc. Sống thuận theo lẽ tự nhiên của trời đất và thực hành nhiều việc thiện là tôi đang tìm về chính mình.
Chị có ngồi thiền không và thấy gì qua thiền?
Tôi nhớ tới một bài thơ thiền “Kệ Vân” của Phật Hoàng Trần Nhân Tông viết:
“Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền”
Cuộc sống của tôi đơn giản hơn mọi người tưởng tượng. Thiền đối với tôi là thở ra hít vào, là nhận thức được mình đang sống chan hòa với thiên nhiên và con người. Là nhận biết mình đang bước đi nhanh hay chậm. Chỉ vậy thôi. Những tác phẩm của tôi phải thực sự là cái tôi muốn nói, nó chân thật, mộc mạc như cuộc sống tôi có. Thiền theo cá nhân tôi thiển nghĩ cũng vậy không hề xa vời, chỉ là ta có tĩnh lặng tâm mình để thấy hay không! Tranh tôi luôn mạnh mẽ, hỗn loạn về bút pháp, rối tung trong bố cục, màu sắc tươi sáng rực rỡ... Tâm ý luôn hoan ca trong hương vị an lạc hạnh phúc!
TRI TÚC THƯỜNG LẠC
Đôi khi “mọi thứ không chỉ tồn tại hiện hữu, có lẽ tôi tự cho mình bị hoang tưởng”, phải chăng đó là lúc chị trải nghiệm gì chăng?
Đó là lúc tôi tự đặt mình vào mọi sự vật không chỉ tồn tại hiện hữu đó. Bởi vạn vật trên thế gian này không thật và cũng không hoàn toàn giả! Mà “cuộc sống thì vô thường mau hơn nước dốc”! Tôi không dám nói cái hiểu thiển cận của mình, chỉ mong ngày ngày an vui với hiện tại, với việc mình làm và vui vẻ với mọi người xung quanh. Thực hành sống “Tri túc thường lạc”.
Đôi khi tôi chợt thấy mình là mây trời, là sóng nước, là hoa cỏ, là côn trùng... là con tôm con cua, con loăng quăng... hay không là gì cả! Với tôi, sống và vẽ là một. Mà không, có lẽ nhiều năm nay vẽ là hơi thở trong tôi. Thực sự giống như tôi khát tôi uống nước, đói thì tôi ăn cơm vậy. Đã là một con người, không ai là không ham sống sợ chết, tôi đã thử đặt mình vào những sinh vật nhỏ bé đó và cảm nhận sự sống yêu thương biết nhường nào. Có lẽ, một phút giây nào đó khi tâm mình phẳng lặng, bớt tạp duyên, bớt sân si mà trải lòng yêu thương, thì mọi thứ tự nhiên như là. Chẳng cần cầu đâu xa, hạnh phúc thực sự ở quanh ta.
Dạo này chị đang suy ngẫm về đạo, về đời, và sự giải thoát?
Tôi thường thực hành một thói quen hàng ngày là luôn nhận thức mình đang sống trong thực tại, những suy nghĩ cũng đồng nhất như nhau, không mơ màng xa vời gì cả. Tôi quy y ở một ngôi chùa làng gần nhà, nơi còn đậm nét văn hóa đồng bằng Bắc Bộ. Việc thực hành ăn chay, tụng kinh hay tu tập... cũng được coi như bản thân đang chập chững từng bước tập tu sửa chính bản thân mình thôi. Tập để mình sống chan hòa, “thiểu dục tri túc”, tăng trưởng lòng từ bi và yêu thương tới người xung quanh.
“Ngay chốn này cực lạc rồi đây
Không cần đợi đến sau này
Thân về an dưỡng tháng ngày thanh cao”
(Trích đoạn “Cảnh Sách - Mộc Bản Chiều”)
Thực sự chị đã cảm nhận sự an lạc hiện hữu ngay lúc này?
Cuộc sống ai cũng vậy, đã sống ở một kiếp người không ai tránh được Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Chỉ là thái độ của mình trước mọi sự thay đổi ra sao. Những người thân của mình lần lượt ra đi, hay những buồn vui trong cuộc sống vô thường vẫn luôn biến đổi. Quan trọng mình hiểu và làm chủ cuộc sống của mình ra sao. Nơi bình yên trong tôi chính là lúc tôi đối mặt với mọi sự vô thường bằng tâm nhận biết, không mờ mịt, không trốn tránh, mà bằng tâm chân thật. Nên tâm mình an thì vạn sự sẽ an.
Chị chọn thời điểm nào để khai bút trong năm mới?
Khởi đầu cho một năm mới tôi thường khai bút cùng cả gia đình, cùng bố chồng (khi ông còn sống), cùng chồng, con trai. Mẹ chồng thường chuẩn bị tiệc ngọt như rượu vang, trà, cafe và những bản nhạc nhẹ nhàng, vui vẻ để cả nhà chung vui. Chủ đề vẽ thường là hoa, con giáp hay những mảng màu tươi tắn để chào đón một năm mới tốt lành. Đó là truyền thống nhiều năm trong gia đình tôi vào mỗi dịp năm mới.
Sống trong gia đình có hai nghệ sĩ, thực sự tôi thấy mình rất may mắn khi 20 năm nay tôi được sống trong một gia đình truyền thống hội họa như vậy. Mọi người ai cũng động viên và ủng hộ tôi vẽ, để đi được xa hơn với hội họa cũng là nhờ có gia đình nhà chồng tôi, bố mẹ sinh ra tôi và các chị gái luôn là điểm tựa vững chắc cho tôi. Tôi chưa từng thấy có một sự xung khắc hay đối lập giữa hai vợ chồng khi cùng nghề, ngược lại anh luôn hỗ trợ tôi về mọi mặt để tôi được vẽ.
Trước kia thì gia đình tôi ở Hải Phòng vài năm để sinh cháu, nơi đây trở thành nơi quen thuộc, gần gũi và rất nhiều anh chị em họa sĩ tài năng. Nơi ở mới của chúng tôi gắn bó gần 10 năm nay là làng cổ Cự Đà, ngôi làng thân yêu, mộc mạc và giản dị. Nếp xưa vẫn còn lại nhiều ở nơi đây, văn hóa làng còn sâu đậm, nhiều đình chùa, miếu, cổng làng, nhà cổ... rất gần gũi với lối sống yên tĩnh chúng tôi thích.
Tôi rất thích Tết, từ nhỏ đến giờ lúc nào tôi cũng thích Tết. Bởi Tết đến là một thời khắc mới, một sự khởi đầu cho một năm. Tết đến, tôi luôn là bà nội trợ phụ nấu với mẹ chồng nhiều món, cùng bà đi chợ, nấu cơm cúng gia tiên và nhiều món ăn chay cúng Phật. Làm thêm nhiều món cho con trai tôi nữa, đó là hạnh phúc nên tôi không thấy mệt mỏi. Tết là lúc để mình có cơ hội hỏi thăm, chúc nhau những điều tốt lành, quan tâm tới người thân hơn.
Xin chân thành cảm ơn chị. Chúc chị và gia đình một mùa xuân an lạc.
Hoa của đá hay 15 năm tình yêu Tây Bắc
Cảnh vật và con người Tây Bắc tuyệt đẹp qua ống kính của nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Cao Bảo Long, người đã 15 năm nặng lòng với Tây Bắc