Phát hiện khảo cổ mới hé lộ lịch sử đền Ramesseum ở Nam Ai Cập

Những phát hiện mới được kỳ vọng sẽ giúp các nhà nghiên cứu phục dựng và hiểu rõ hơn về cuộc sống người Ai Cập cổ.

Một đoàn khảo cổ của Ai Cập và Pháp mới đây đã phát hiện nhiều di tích quan trọng tại khu vực phía Nam thành phố Luxor góp phần hé lộ thêm những khía cạnh mới trong lịch sử của đền Ramesseum – một công trình nổi tiếng do Pharaoh Ramses II xây dựng.

Phát hiện khảo cổ mới hé lộ lịch sử đền Ramesseum ở Nam Ai Cập

Theo thông tin từ Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập hôm 4/4, đoàn khảo cổ đã tìm thấy một cụm mộ có niên đại từ Thời kỳ Trung gian thứ ba (khoảng năm 1069–525 trước Công nguyên), cùng với các khu vực lưu trữ dầu ô liu và mật ong gần ngôi đền. Những phát hiện này cho thấy khu vực quanh đền Ramesseum từng là nơi diễn ra các hoạt động kinh tế và sinh hoạt phong phú, không chỉ giới hạn trong phạm vi tôn giáo.

Đặc biệt, bên trong khuôn viên đền, nhóm nghiên cứu đã phát hiện một công trình được gọi là “Ngôi nhà của sự sống” – một trung tâm giáo dục gắn liền với các ngôi đền lớn trong văn hóa Ai Cập cổ. Đây là lần đầu tiên có bằng chứng xác thực về sự tồn tại của một trường học trong khu vực đền Ramesseum. Các vật dụng tìm thấy tại đây bao gồm bản khắc, tranh vẽ và cả đồ chơi cho thấy một môi trường giáo dục sinh động của thời cổ đại.

Ngoài ra, ở phía Đông của đền, các nhà khảo cổ cũng phát hiện một nhóm kiến trúc có khả năng từng được sử dụng làm văn phòng hành chính, cho thấy Ramesseum từng là một trung tâm điều hành quan trọng. 

Tổng Thư ký Hội đồng Cổ vật Tối cao Ai Cập, ông Mohamed Ismail Khaled, nhận định những phát hiện này khẳng định đền Ramesseum không chỉ là nơi thờ cúng mà còn là trung tâm lưu trữ, phân phối sản vật và hỗ trợ cộng đồng, đặc biệt là các nghệ nhân và người lao động dưới sự quản lý của hoàng gia.

Bộ trưởng Du lịch và Cổ vật Sherif Fathy đánh giá cao nỗ lực của đoàn khảo cổ, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khám phá thêm những bí ẩn về vai trò tôn giáo và xã hội của đền Ramesseum trong nền văn minh Ai Cập cổ đại.

Đền Ramesseum được xây dựng bởi Pharaoh Ramses II, vị vua có triều đại dài thứ hai trong lịch sử Ai Cập (1279–1213 TCN). Tuy nhiên, vào năm 27 TCN, một trận động đất lớn đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho công trình này. Những phát hiện mới được kỳ vọng sẽ giúp các nhà nghiên cứu phục dựng và hiểu rõ hơn về giai đoạn huy hoàng của ngôi đền cũng như đời sống người Ai Cập cổ đại.

TM (T/H)

Giải mã 'tổ tiên bí ẩn' đóng góp 20% DNA của loài người hiện đại

Giải mã "tổ tiên bí ẩn" đóng góp 20% DNA của loài người hiện đại

Nghiên cứu đáng chú ý này cho thấy nguồn gốc loài người được định hình bởi mối liên kết di truyền phức tạp hơn là một dòng dõi tổ tiên duy nhất.