Trong khuôn khổ Hội nghị Nữ khoa học toàn quốc lần thứ IV tổ chức tại Huế, chiều ngày 3/4 các đại biểu đã đi thăm quan và tìm hiểu Mô hình kinh tế nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, chuỗi giá trị Quế Lâm tại Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Tại đây, sau khi thăm quan chuỗi giá trị chăn nuôi lợn hữu cơ hộ ông Nguyễn Văn Lịch, các đại biểu đã đến Tổ hợp Nông nghiệp hữu cơ, Kinh tế tuần hoàn sinh thái 4F Quế Lâm. PGS-TS Phạm Thị Vượng, Phó chủ tịch Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học Tập đoàn Quế Lâm đã trực tiếp hướng dẫn tham quan và giới thiệu cho các đại biểu những thông tin hữu ích về việc làm nông nghiệp sạch.
Theo PGS-TS Phạm Thị Vượng, nông nghiệp tuần hoàn được xem là giải pháp hữu hiệu, bền vững trong việc tái sử dụng các phụ phẩm của quá trình sản xuất này thành các sản phẩm đầu vào có giá trị cho quá trình sản xuất khác, vừa giảm chi phí đầu vào, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, góp phần cải tạo môi trường đất, nước trong sản xuất nông nghiệp.
Tại Mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ, PGS-TS Phạm Thị Vượng cho biết: “An toàn sinh học ở đây là an toàn bằng vi sinh vật và công nghệ sinh học chứ không phải bằng hóa học. Tại đây có 1000 con lợn, trong đó có 600 con lợn thịt, 100 con lợn nái và 300 con lợn “choai choai”. Khi dịch tả lợn Châu Phi xảy ra, vấn đề đặt ra là phải có con giống sạch bệnh và nuôi hữu cơ thì cũng phải có giống hữu cơ. Lúc đó, chỉ có Tập đoàn Quế Lâm thiết kế được hệ thống này. Hộ gia đình ông Lịch mà các đại biểu đến thăm hôm nay chỉ là 1 trong số hàng ngàn nông dân liên kết với Tập đoàn Quế Lâm chăn nuôi sạch, an toàn. Bất kỳ hộ gia đình nào chăn nuôi trong hệ thống chuỗi, Tập đoàn Quế Lâm thu mua hết. Ai thủy chung vì một nền nông nghiệp có trách nhiệm thì làm việc với Tập đoàn Quế Lâm”.
Dự án Tổ hợp chăn nuôi an toàn sinh học 4F của Quế Lâm được xây dựng trên diện tích 15ha với tổng vốn đầu tư 700 tỷ đồng. Các hạng mục đầu tư gồm: Nhà máy sản xuất các chế phẩm sinh học với công suất 50.000 tấn/năm theo công nghệ tiên tiến hàng đầu Nhật Bản; nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi hữu cơ (không hóa chất) với công suất thiết kế 100.000 tấn/năm, diện tích 3,5ha phục vụ chăn nuôi an toàn sinh học, hữu cơ, hiệu quả; trang trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học, hữu cơ; nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh. Với sự hướng dẫn của PGS-TS Phạm Thị Vượng, các đại biểu đã tham quan một phần của tổ hợp chăn nuôi an toàn sinh học 4F này.
Trong khuôn khổ chuyến tham quan, các đại biểu đã tham dự buổi Tọa đàm-Trao đổi chủ đề “Kinh tế nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn, chuối giá trị Quế Lâm” với sự chủ trì của GS.TS Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, ThS. Nguyễn Thị Ái Vân, Chủ tịch Hội Nữ trí thức thành phố Huế và ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Quế Lâm. Các đại biểu đã được nghe những chia sẻ kinh nghiệm thành công và thất bại của những người đã từng “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” vì một nền nông nghiệp xanh, sạch ở Quế Lâm. Bà Nguyễn Minh Lý, từng tham gia chương trình “Bạn của nhà nông” của VTV cho biết, bà rất ngưỡng mộ cách làm và sự thành công của Tập đoàn Quế Lâm mà người đứng mũi chịu sào là ông Nguyễn Hồng Lam. Bản thân bà từng khởi nghiệp một trang trại với cái đích “xanh-sạch” nhưng đã nhanh chóng phải đóng lại vì quá nhiều khó khăn. Bà đặt câu hỏi cho Chủ tịch Nguyễn Hồng Lam, với Quy mô đất đai hiện nay thì làm cách nào để có được quỹ đất đủ lớn làm mô hình kinh tế nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn như Quế Lâm đang có? Việc giải quyết đầu ra trong nuôi-trồng của nông dân liên kết với Tập đoàn ra sao?
Trả lời những câu hỏi có tính chất tìm hiểu kinh nghiệm của các đại biểu, ông Nguyễn Hồng Lam nhấn mạnh nhiều lần chuyện ông là “anh bộ đội cụ Hồ”. 11 năm là bộ đội, những trải nghiệm trong quân ngũ đã cho ông kinh nghiệm, kỹ năng sinh tồn trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất. Để có được thành công hôm nay, ông đã trải nhiều thất bại trong 40 năm, biết vì sao mình thất bại, vì sao có được thành công. “Nông nghiệp ảnh hưởng đến giống nòi nhưng ít được quan tâm”- ông Nguyễn Hồng Lam khẳng định.
Trăn trở với vấn đề làm nông nghiệp sạch, làm nông nghiệp có trách nhiệm những chia sẻ của ông Nguyễn Hồng Lam đã mang đến cho các đại biểu - những nữ khoa học đến từ các tỉnh, thành trong toàn quốc nhiều cảm xúc và bài học nhân văn: “ Tôi đã đi qua hơn 70 năm cuộc đời “ba chìm bảy nổi”, thấm thía cảnh no -đói ở quê nhà, thấu hiểu mọi vinh-nhục của phận người, thấy tường tận giới hạn mong manh giữa sông-chết, thiện-ác, thật-giả và chứng kiến rõ những hiểm họa khôn lường do nông nghiệp vô cơ mang đến. Tất cả những cảm nhận đó buộc tôi nghĩ đến bổn phận của mình phải làm một điều gì nhỏ nhoi, âm thầm thôi nhưng phải giải độc được cho đất, cho cây, cho con người, cho cuộc đời. Vậy nên tôi tự nguyện dấn thân vào làm nông nghiệp sạch. Tôi gọi con đường tôi đang đi là con đường từ bi, con đường hướng thiện. Trên con đường ấy tôi đã rút ra những bài học để đời gửi đến những người kế tục sự nghiệp của tôi và bất kỳ ai đó muốn dấn thân vào con đường nông nghiệp hữu cơ tôi đang đi”.
Trân trọng những gì mà ông Nguyễn Hồng Lam đã làm cho nền nông nghiệp nước nhà, GS.TS Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam cảm ơn ThS. Nguyễn Thị Ái Vân, Chủ tịch Hội Nữ trí thức thành phố Huế đã kết nối để các đại biểu tham dự Hội nghị Nữ khoa học toàn quốc lần thứ IV đến tham quan mô hình làm nông nghiệp sạch của Tập đoàn Quế Lâm. Bà cho biết: “ Tôi vốn là một bác sĩ công tác trong lĩnh vực y tế dự phòng ( dinh dưỡng), từ lâu tôi đã rất quan tâm đến thực phẩm hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Hôm nay, đến thăm mô hình nông nghiệp sạch của Tập đoàn Quế Lâm, diện kiến tận mắt,nghe những chia sẻ của Chủ tịch Tập đoàn -ông Nguyễn Hồng Lam tôi thực sự đã tìm thấy thực phẩm sạch, nông nghiệp tuần hoàn mà tôi luôn nghĩ đến và trăn trở”.
Một số hình ảnh các đại biểu tham quan Mô hình kinh tế nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, chuỗi giá trị Quế Lâm tại Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế
Đại biểu Hội nghị Nữ Khoa học toàn quốc lần thứ IV thăm Bệnh viện Trung ương Huế
Trong khuôn khổ Hội nghị Nữ khoa học toàn quốc lần thứ IV, các đại biểu đã có dịp thăm và giao lưu tại Bệnh viện Trung ương Huế.