Khẳng định vai trò của nữ giới Phật giáo Việt Nam trong giao lưu và phát triển Phật giáo châu Á

Với 39 tham luận và 9 báo cáo trình bày, hội thảo khoa học về vai trò nữ giới Phật giáo Việt Nam đã đề cập đến nhiều vấn đề thiết thực, từ tổng quan về Ni giới Việt Nam đến những dấu chân hành pháp ở châu Á và vai trò của các nhân vật tiêu biểu trong quá trình hội nhập quốc tế.

Vừa qua, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, quận Ba Đình, được sự đồng ý của Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Nữ giới Phật giáo thuộc Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Đóng góp của Nữ giới Việt Nam với giao lưu và phát triển Phật giáo Châu Á”.

Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo

Tham dự hội thảo có sự hiện diện của Ni trưởng Như Dung, Phó Trưởng Phân ban Ni giới Trung ương, Cố vấn Trung tâm Nghiên cứu Nữ giới Phật giáo; Ni sư, Tiến sĩ Như Nguyệt, Giám đốc Trung tâm; Ni sư, Tiến sĩ Tuệ Liên, Phó Giám đốc Thường trực; cùng các Ni sư Tiến sĩ Huệ Hiếu, Như Ngọc, Như Minh – Phó Giám đốc Trung tâm. Hội thảo còn có sự tham dự của chư tôn đức Tăng Ni đến từ Học viện Phật giáo Việt Nam và các cơ sở nghiên cứu, đào tạo liên quan.

Về phía Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Trung – Viện trưởng; Tiến sĩ Kiều Thanh Nga và Tiến sĩ Phan Cao Nhật Anh – Phó Viện trưởng. Bên cạnh đó, hội thảo còn có sự tham dự của đại diện các đơn vị như Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ thành phố Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Học viện Ngoại giao, Viện Trần Nhân Tông… cùng các nhà khoa học, chuyên gia đến từ các đơn vị nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Hội thảo là diễn đàn học thuật nhằm chia sẻ thông tin, tri thức, đồng thời đưa ra các giải pháp thiết thực để Ni giới, nữ giới Phật giáo tham gia một cách tích cực và chủ động hơn vào các hoạt động giao lưu, hội nhập quốc tế của Phật giáo. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Nữ giới Phật giáo phụng sự đạo pháp và dân tộc

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Trung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi – bày tỏ vinh dự khi được đón tiếp Ni trưởng Như Dung, quý chư Ni, Phật tử cùng các đại biểu tham dự.

PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng ISAWAAS phát biểu khai mạc Hội thảo
PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng ISAWAAS phát biểu khai mạc Hội thảo

Ông nhắc lại lời dạy của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng – Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam: “Chư Ni có thể tham gia mọi lĩnh vực hoạt động. Đừng vì quan niệm giới tính mà quên đi tiềm năng siêu việt của mỗi con người.”

Theo Phó Giáo sư, chính sự ghi nhận và khích lệ từ chư Tôn đức là nguồn động lực lớn lao để Ni giới ngày càng tự tin, phát huy vai trò trong hành trình hộ đạo, giúp đời và đóng góp vào sự phát triển chung của Phật giáo Việt Nam trong thời đại hội nhập.

Viện trưởng Nguyễn Xuân Trung nhấn mạnh, việc ghi nhận đúng đắn những đóng góp của nữ giới trong giao lưu và phát triển Phật giáo quốc tế không chỉ khẳng định vai trò của họ trong nước, mà còn góp phần nâng cao hình ảnh đất nước, con người và bản sắc văn hóa Phật giáo Việt Nam trên trường quốc tế.

Ni sư, TS. Như Nguyệt, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nữ giới Phật giáo trình bày báo cáo Đề dẫn Hội thảo
Ni sư, TS. Như Nguyệt, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nữ giới Phật giáo trình bày báo cáo Đề dẫn Hội thảo

Trong bài phát biểu đề dẫn hội thảo, Ni sư, Tiến sĩ Như Nguyệt – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nữ giới Phật giáo đã nêu rõ ba nhóm nội dung trọng tâm cần tập trung thảo luận: Đánh giá, ghi nhận vai trò và giá trị của nữ giới Việt Nam trong giao lưu và phát triển Phật giáo châu Á. Phân tích thực trạng, cơ hội và thách thức đối với nữ giới Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là Ni giới, trong quá trình hội nhập quốc tế thời đại công nghiệp lần thứ tư. Đề xuất các giải pháp giúp Ni giới phát huy năng lực, khẳng định bản lĩnh, hội nhập quốc tế và trở thành lực lượng có ảnh hưởng sâu rộng trong cộng đồng Phật giáo khu vực và thế giới.

39 tham luận, 9 báo cáo trình bày, nhiều vấn đề thiết thực được đặt ra

Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 39 tham luận gửi về, trong đó lựa chọn 9 báo cáo tiêu biểu để trình bày tại Hội thảo. Các tham luận được chia theo 03 nhóm chủ đề chính: Tổng quan về Ni giới Việt Nam trong giao lưu và phát triển Phật giáo châu Á. Nữ giới Việt Nam, những dấu chân hành pháp ở châu Á. Và Phật giáo Việt Nam hội nhập quốc tế, nhìn từ vai trò của một số nhân vật tiêu biểu.

PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Xã hội học và Tâm lý học trình bày báo cáo tham luận
PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Xã hội học và Tâm lý học trình bày báo cáo tham luận

Trong phần thảo luận, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Xã hội học và Tâm lý học, khẳng định vai trò của nữ giới trong việc duy trì, truyền bá giáo lý, lan tỏa tinh thần từ bi và trí tuệ trong gia đình và cộng đồng. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, nữ giới Phật giáo Việt Nam ngày càng có nhiều đóng góp cụ thể cho sự lan tỏa của Phật giáo ra khu vực và thế giới.

Sư cô Tịnh Đức chia sẻ, dù còn nhiều rào cản như phân biệt giới tính, hạn chế cơ hội thăng tiến, khó khăn về cơ sở vật chất..., nữ tu Phật giáo Việt Nam vẫn không ngừng phát huy vai trò của mình trong cải cách giáo hội, dẫn dắt cộng đồng và góp phần thúc đẩy bình đẳng trong Phật giáo khu vực Đông Nam Á.

Sư cô Tịnh Đức trình bày cáo cáo tham luận tại Hội thảo
Sư cô Tịnh Đức trình bày cáo cáo tham luận tại Hội thảo

Tiến sĩ Tống Thị Quỳnh Hương nhấn mạnh vai trò quan trọng của Ni giới trong việc truyền bá Phật pháp, thực hiện các hoạt động thiện nguyện, giảng dạy, giáo dục đạo đức và đưa giáo lý vào đời sống cộng đồng một cách thiết thực.

Đề xuất hướng đi mới cho nghiên cứu và phát triển

Phát biểu tổng kết hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Trung đánh giá cao chất lượng các tham luận và phần trao đổi chuyên sâu của đại biểu. Ông ghi nhận những đóng góp nổi bật của các nhân vật tiêu biểu như Ni trưởng Huỳnh Liên, Ni trưởng Huệ Hương, Ni trưởng Hải Triều, Ni sư Như Nguyệt… đã và đang góp phần quan trọng trong phong trào giao lưu và phát triển Phật giáo Việt Nam và khu vực.

Một số tham luận đã đề cập đến các xu hướng mới như chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, cho thấy sự chủ động và thích nghi của Ni giới trong thời đại mới. Viện trưởng cho rằng, đây là những tín hiệu tích cực, chứng minh vai trò của Ni giới ngày càng rõ nét trong quá trình phát triển Phật giáo.

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Kết quả của hội thảo sẽ là cơ sở để các nhà nghiên cứu, chuyên gia đề xuất các kiến nghị chính sách phù hợp nhằm phát huy vai trò của nữ giới trong Phật giáo Việt Nam. Đồng thời, hội thảo mở ra cơ hội hợp tác nghiên cứu sâu rộng hơn giữa Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi và Trung tâm Nghiên cứu Nữ giới Phật giáo trong thời gian tới.

Hoàng Toàn

Bình đẳng giới: Yếu tố then chốt cho một xã hội hạnh phúc

Bình đẳng giới: Yếu tố then chốt cho một xã hội hạnh phúc

Ngày Quốc tế Hạnh phúc nhắc nhở chúng ta rằng, hạnh phúc không thể tách rời khỏi công bằng. Bình đẳng giới không chỉ là quyền lợi của mỗi người.