Hội thảo khoa học “Bình đẳng giới trong chính trị, lãnh đạo và quản lý”

Ngày 25/2, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức “Hội thảo khoa học về Bình đẳng giới trong chính trị, lãnh đạo và quản lý”. Đây là đề tại Thuộc cấp Quốc gia “Nghiên cứu, đánh giá tổng thể về bình đẳng giới phục vụ phát triển bền vững”.
Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo

Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, lãnh đạo và quản lý tại Việt Nam và trên thế giới. Xác định các rào cản chính đối với phụ nữ trong quá trình tham gia vào các vị trí lãnh đạo. Đề xuất giải pháp, chính sách và mô hình hiệu quả nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí ra quyết định. Thảo luận vai trò của các bên liên quan (chính phủ, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, truyền thông) trong việc thúc đẩy bình đẳng giới.

Hội thảo là diễn đàn khoa học quan trọng để các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách và cộng đồng cùng nhau trao đổi và đóng góp ý tưởng, nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong chính trị, lãnh đạo và quản lý.

Hội thảo khoa học “Bình đẳng giới trong chính trị, lãnh đạo và quản lý”

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cho biết: Bình đẳng giới là một trọng tâm trong phát triển ở Việt Nam trong nhiều năm qua. Trong đó, bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị là một trong những thước đo quan trọng và cao nhất về mức độ bình đẳng giới. Bình đẳng hơn về giới trong lĩnh vực chính trị vừa thể hiện mức tiến bộ của phụ nữ trong xã hội so với nam giới vừa là phương tiện hiệu quả đảm bảo cho sự tiến bộ một cách liên tục. Khả năng tham gia chính trị của phụ nữ làm thay đổi quy trình xác định những ưu tiên cho chính sách công và giúp chính phủ có cách nhìn công bằng và bao quát hơn. Khi quyền tham gia chính trị của phụ nữ được thực hiện một cách đầy đủ hơn, phụ  nữ có thể đẩy mạnh các nỗ lực phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa. Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị không chỉ là mục đích tự thân vận động mà nó còn là yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự bình đẳng trong những  lĩnh vực khác.  

Hội thảo là điều kiện để các nhà quản lý, xây dựng chính sách, chuyên gia, nhà khoa học và các tổ chức liên quan cùng thảo luận về các giải pháp cụ thể nhằm giảm thiểu khoảng cách giới và thúc đẩy  tiếng nói và mức độ đại diện cân bằng của nam và nữ trong hệ thống chính  trị, lãnh đạo và quản lý. Bên cạnh đó, hội thảo còn mang ý nghĩa thúc đẩy sự thay đổi trong tư duy xã hội, giúp cộng đồng hiểu rõ hơn về lợi ích của  bình đẳng giới đối với sự phát triển bền vững.  

Ông Tạ Minh Tuấn đánh giá cao thành quả nghiên cứu công phu, nghiêm túc, khoa học của đề tài cũng như đánh giá cao việc tổ chức các hội thảo chuyên sâu công bố, chia sẻ các kết quả nghiên cứu về bình đẳng giới.

PGS.TS. Trần Thị Minh Thi, Phó Viện trưởng Viện Thông tin KHXH
PGS.TS. Trần Thị Minh Thi, Phó Viện trưởng Viện Thông tin KHXH

Tại báo cáo dẫn đề PGS.TS. Trần Thị Minh Thi, Phó Viện trưởng Viện Thông tin KHXH, Chủ nhiệm đề tài chia sẻ: Bình đẳng giới trong chính trị, lãnh đạo và quản lý là một trong những tiêu chí then chốt thể hiện sự phát triển bền vững và tiến bộ xã hội của mỗi quốc gia. Đối với Việt Nam, chủ đề này không chỉ gắn liền với việc thực hiện các cam kết quốc tế như Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, đặc biệt là Mục tiêu số 5 về bình đẳng giới, mà còn phù  hợp với định hướng của Đảng và Nhà nước trong quá trình xây dựng nhà  nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. 

Trong bối cảnh tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và tiến hành kiện toàn, hợp nhất  các đơn vị hành chính, việc đảm bảo bình đẳng giới trong các vị trí lãnh đạo càng trở nên cấp thiết. Việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ không chỉ nâng cao chất lượng ra quyết định mà còn góp phần xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Tuy nhiên, trên thực tế, các rào cản về định kiến xã hội, sự bất bình đẳng trong tiếp cận cơ hội nghề nghiệp và các yếu tố văn hóa truyền thống vẫn tồn tại, đòi hỏi cần có  những nghiên cứu khoa học để đề xuất các giải pháp phù hợp với điều kiện  của Việt Nam. 

GS.TS. Trịnh Duy Luân, Hội Xã hội học Việt Nam
GS.TS. Trịnh Duy Luân, Hội Xã hội học Việt Nam

GS.TS. Trịnh Duy Luân, Hội Xã hội học Việt Nam cho rằng, bình đẳng giới là một quyền cơ bản được ghi trong Hiến pháp. Nghị quyết của Đảng đã chỉ rõ đường lối chính trong thực hiện BĐG, phải được luật hóa để triển khai thực thi. Điều này cần nhiều thời gian cho hệ thống xây dựng pháp luật với hệ thống các văn bản luật, dưới luật, các chính sách,.. tạo nền tảng pháp lý vững chắc để triển khai các hoạt động, nhằm thúc đẩy và bảo đảm bình đẳng giới và quyền của phụ nữ Việt Nam trên thực tế. Bình đẳng giới cũng là một trong những nội dung và mục tiêu thúc đẩy phát triển xã hội, phát triển bền vững quốc gia.  

Trong quá trình xây dựng các văn bản pháp luật về BĐG, Việt Nam đã tiếp thu và vận dụng nhiều kinh nghiệm và bài học quốc tế, thông qua việc  tham gia ký kết nhiều công ước quốc tế liên quan đến các vấn đề của phụ  nữ và bình đẳng giới. Ví dụ điển hình là ngay từ năm 1980, khi đất nước  còn đang trong bối cảnh khủng hoảng sau chiến tranh, Việt Nam đã là một  trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ký tham gia Công ước CEDAW  về Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ - văn kiện đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc phê chuẩn và có hiệu lực ngày 3/9/1981. Đây  là văn kiện quan trọng và toàn diện nhất về quyền bình đẳng của phụ nữ.  Những điều khoản của công ước là công cụ và cơ sở để thiết lập pháp luật nhằm bảo vệ quyền của phụ nữ và đạt bình đẳng giới. Vì vậy, Công ước có ảnh hưởng tích cực đến việc phát triển luật pháp về BĐG ở các nước,  trong đó có Việt Nam.

Bà Đào Thị Vi Phương, Phó Trưởng ban CSPL, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam
Bà Đào Thị Vi Phương, Phó Trưởng ban CSPL, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

Bà Đào Thị Vi Phương, Phó Trưởng ban CSPL, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã đưa ra một số khuyến nghị giải pháp thúc đẩy phụ nữ tham chính gồm:

Thứ nhất, đảm bảo sự đồng bộ, nhất quán trong các văn bản của Đảng và Nhà nước về các chỉ tiêu cán bộ nữ, tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện, đánh giá thực chất các chỉ tiêu. Điều này là quan trọng cho giai đoạn hiện nay, chuẩn bị cho đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng; chuẩn bị cho bầu cử Quốc hội XVI và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ tới.

Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì và đặt các chỉ tiêu “cứng” (hạn ngạch) về sự tham gia của phụ nữ theo hướng đảm bảo bình đẳng giới.

Thứ hai, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ nữ; coi công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển cán bộ nữ là công việc quan trọng, thường xuyên, tránh sự thiếu hụt về nguồn cán bộ nữ. Mạnh dạn lấy kết quả thực hiện các chỉ tiêu về cán bộ nữ là một trong những tiêu chí đánh giá, xếp loại tập thể, người đứngđầu. Tăng cường trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong thựchiện hiệu quả việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình hoạch định chính sách. Trong bối cảnh sắp xếp lại, tinh gọn tổ chức, bộ máy hiện nay, vấn đề bình đẳng giới và các chỉ tiêu về công tác cán bộ nữ cần được quan tâm, đảm bảo.

Thứ ba, tăng cường các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức xã hội về giới, bình đẳng giới, xoá bỏ định kiến giới; về vai trò, sự đóng góp của phụ nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Truyền thông hướng tới cam kết và sự thay đổi mạnh mẽ của các cấp lãnh đạo, người đứng đầu trong nhận thức về bình đẳng giới

Thứ tư, xây dựng và triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực cho các ứng viên nữ tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Thứ năm, đẩy nhanh lộ trình sửa đổi, bổ sung Luật Bình đẳng giới và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ, thống nhất với quy định hiện hành, đáp ứng yêu cầu tình hình mới.

Hoàng Toàn

Bình đẳng giới trong lao động: Chìa khóa cho sự phát triển bền vững

Bình đẳng giới trong lao động: Chìa khóa cho sự phát triển bền vững

Bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động là một nguyên tắc quan trọng nhằm bảo đảm rằng mọi cá nhân, bất kể giới tính, có cơ hội và quyền lợi.