Bình đẳng giới trong giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ là lĩnh vực then chốt

Bình đẳng giới trong giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ là lĩnh vực then chốt, đóng vai trò quyết định trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thúc đẩy tiến bộ xã hội.
PGS.TS Trần Thị Minh Thi, Phó Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội
PGS.TS Trần Thị Minh Thi, Phó Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội

Tại hội thảo “Bình đẳng giới trong giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ” diễn ra vào sáng 19/2 tại TP.HCM, do Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phối hợp với Viện Thông tin Khoa học Xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) tổ chức.

PGS.TS Trần Thị Minh Thi – Phó Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học Xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cho rằng, “bình đẳng giới trong giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ là lĩnh vực then chốt, đóng vai trò quyết định trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thúc đẩy tiến bộ xã hội”.

“Thúc đẩy bình đẳng giới trong giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước mà còn là của toàn xã hội. Việc đảm bảo cơ hội công bằng cho cả nam và nữ sẽ tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp vào sự phát triển bền vững và thịnh vượng của quốc gia”, PGS.TS Thi cho biết.

Theo khảo sát, tỷ lệ học sinh nữ ở bậc tiểu học và THCS duy trì ở mức 47,8-48,3% trong giai đoạn 2014-2022. Tuy nhiên, đến bậc phổ thông trung học lên đại học, tỷ lệ học sinh nữ cao hơn hẳn so với nam giới, duy trì ở mức 53,1% - 53,7%. Điều này cho thấy, số lượng nữ giới có xu hướng tiếp tục theo học THPT cao hơn so với nam giới, tỷ lệ nữ sinh viên đại học tăng mạnh sau năm 2018.

Kết quả khảo sát 9.094 người của nhóm nghiên cứu cho thấy rõ điều này. Hiện tỷ lệ nam giới có trình độ đại học cao hơn nữ giới, nhưng sự chênh lệch này không quá lớn. Ở khu vực đô thị, tỷ lệ nam giới có trình độ đại học là 36,9%, nữ giới là 35,3%. Ở nông thôn, tỷ lệ này lần lượt là 20,5% và 17,6%.

Tuy nhiên, nếu xét theo nhóm tuổi, tỷ lệ nam giới có trình độ đại học chỉ cao hơn nữ giới ở nhóm 31-59 tuổi (nam là 23,6%, nữ là 19,2%). Nhưng ở nhóm 30 tuổi trở xuống, phụ nữ có trình độ đại học cao hơn hẳn (48,4% so với 42,7%).

Tỷ lệ lao động có trình độ đại học cũng đang có xu hướng tăng cao ở nhóm người trẻ. Nhóm dưới 30 tuổi có tỷ lệ trình độ đại học cao nhất (45,5%), giảm dần ở nhóm 31-59 tuổi (21%) và thấp nhất ở nhóm 60 tuổi trở lên (11,7%). Với xu hướng lao động trẻ có trình độ đại học ngày càng tăng và nữ học đại học nhiều hơn nam, tương lai tỷ lệ lao động nữ có trình độ đại học sẽ vượt qua nam giới.

Theo PGS.TS Trần Thị Minh Thi, điều này cho thấy sự gia tăng của nữ giới trong giáo dục bậc cao, phản ánh xu hướng phụ nữ đầu tư vào học vấn để nâng cao cơ hội nghề nghiệp và thăng tiến trong xã hội. Kết quả nghiên cứu phản ánh xu hướng nữ giới ngày càng có cơ hội học đại học nhiều hơn trong những năm gần đây. Điều này cho thấy các chính sách khuyến khích nữ sinh theo học đại học đã phát huy hiệu quả, giúp tăng cơ hội tiếp cận của nữ giới.

Bình đẳng giới trong giáo dục giúp đảm bảo rằng tất cả mọi người, không phân biệt giới tính, đều có cơ hội được học tập và phát triển tối đa khả năng của mình. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân mà còn cho toàn xã hội, giúp tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao.

Sự tham gia đầy đủ của phụ nữ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ là rất quan trọng để đảm bảo rằng các nghiên cứu và phát triển đáp ứng được nhu cầu của cả nam và nữ. Ngoài ra, sự đa dạng trong đội ngũ các nhà khoa học và kỹ sư còn giúp thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới.

Bà Thi cho rằng, con đường học vấn, nâng cao trình độ giáo dục là một trong những giải pháp mà nhiều phụ nữ và gia đình hiện nay lựa chọn để con cái và bản thân họ có cơ hội tốt hơn trong nghề nghiệp, nâng cao vị thế xã hội.

Hoàng Toàn

Vai trò của gia đình trong thực hiện bình đẳng giới

Vai trò của gia đình trong thực hiện bình đẳng giới

Gia đình đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành nhận thức và thực hành bình đẳng giới. Đây là môi trường đầu tiên và gần gũi.