Các dự án hạ tầng trọng điểm sẽ mở ra cánh cửa tăng trưởng kinh tế và bất động sản

Các dự án hạ tầng trọng điểm sẽ mở ra cánh cửa tăng trưởng kinh tế, tạo sức bật hình thành các khu đô thị và trung tâm kinh tế - giải trí - du lịch sôi động khu vực phía Nam. Cùng với đó, việc kết nối tốt hơn sẽ thu hút người dân về an cư, kéo theo nhu cầu về bất động sản. 

Đồng thời, hàng trăm ngàn tỷ đồng đầu tư công chắc chắn sẽ khiến sức cầu bất động sản được “thơm lây”. Chưa kể, “cú huých” từ dòng vốn đầu tư giải ngân đầu tư công sẽ kéo theo dòng tiền từ nhiều nguồn chảy vào thị trường, đặc biệt là dòng vốn ngoại.

Theo bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, bất động sản và hạ tầng là 2 yếu tố có mối liên hệ mật thiết với nhau. Giá trị bất động sản có thể bị đóng băng vì hạ tầng, nhưng cũng có thể tăng mạnh nhờ hạ tầng.

Số liệu cập nhật của các đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy, 70-80% nguồn cung mở bán các dự án mới thường nằm xa trung tâm nội đô từ 5-10 km, thậm chí đang có xu hướng hướng ra xa hơn. Giá cả thấp hơn, trong khi không gian rộng rãi, thoải mái hơn khiến người mua nhà dễ dàng chấp nhận hơn việc sinh sống xa trung tâm. “Điều quan trọng là các tuyến đường mới mở, cùng tiện ích xã hội phát triển giúp họ có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc di chuyển, cũng như chọn chỗ học hành cho con cái”, bà An nói và cho biết thêm, khi người dân có xu hướng ly tâm sẽ kéo giãn mật độ cư dân ra ngoại ô, các loại hình dịch vụ cũng sẽ dịch chuyển theo.

Xuất hiện trong quảng cáo của chủ đầu tư nhiều năm qua, nhưng 2021 là năm đầu tiên lợi thế giao thông của các dự án dọc theo tuyến đường sắt đô thị (metro) được hiện thực hóa. Đầu tháng 11/2021, tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông của Hà Nội chính thức đi vào vận hành sau 10 năm thi công.

Dù chỉ dài hơn 13 km, nhưng đã có hơn 100 dự án bất động sản đã và đang được phát triển dọc tuyến metro này. Khảo sát của Colliers Việt Nam cho thấy, nhiều dự án quanh tuyến đường từng bị “lãng quên” cũng bắt đầu thu hút sự quan tâm trở lại.

Trong khi đó, tại TP HCM, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên lỡ hẹn. Dù vậy, nó cũng đã tạo ra một làn sóng đầu tư bất động sản bao quanh, từ nhà ở đến các trung tâm thương mại, với hơn 30 dự án “ăn theo”. Giá mở bán các dự án tại những quận có tuyến metro này đi qua trong giai đoạn 2012-2016 tăng khoảng 150-200% so với các khu vực khác, đến nay tiếp tục tăng thêm 15-50%.

Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trong 5 năm tới, sẽ khởi công xây mới 67 dự án giao thông quan trọng, trong đó ưu tiên vốn ngân sách nhà nước để đầu tư nhiều tuyến đường bộ cao tốc. Trong số này, có 6 dự án quan trọng quốc gia, gồm cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Vành đai 4 Hà Nội; Vành đai 3 TP.HCM; dự án mở rộng cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Việc Chính phủ đẩy mạnh triển khai các dự án hạ tầng, theo TS. Trần Chủng, Chủ tịch Hội Các nhà đầu tư công trình đường bộ giao thông (VARSI), sẽ tạo ra lực đẩy quan trọng cho nền kinh tế nói chung, thị trường bất động sản nói riêng.

Đặc biệt, dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đang được triển khai và dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 là hai “điểm nổ” quan trọng kích hoạt cho cuộc cách mạng đầu tư hạ tầng những năm tới.

Cần phải nói thêm rằng, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông có phạm vi từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến Cà Mau, tổng chiều dài 2.063 km, quy mô 4-6 làn xe, các đoạn cửa ngõ đô thị quy mô 8-10 làn xe. Đến nay, tuyến cao tốc xuyên Việt này mới đưa vào khai thác 478 km, đang đầu tư 829 km, còn lại 756 km chưa đầu tư.

Với 552 km dự kiến đầu tư trong phạm vi dự án Xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025, dù chưa thể đóng mạch toàn bộ nhưng vẫn sẽ mang lại động lực phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng cho 31 địa phương dọc tuyến đường.

Tổng Hợp