Nhìn vào thực tế, khách hàng sẽ là người được hưởng lợi đầu tiên khi các ngân hàng thực hiện miễn phí giao dịch, không chỉ là nhờ không mất phí mà một phần nhờ vào độ phủ dịch vụ ngân hàng tăng cao nhờ vào chiến dịch đó.
Có thể thấy, chiến lược không thu phí sẽ khuyến khích khách hàng thường xuyên sử dụng tài khoản, từ đó hình thành xu hướng duy trì số dư tài khoản cao hơn, giúp chi phí vốn của ngân hàng sẽ giảm.
Thêm vào đó, việc khách hàng giao dịch trực tuyến nhiều hơn còn giúp giảm thời gian giao dịch và thời gian hạch toán của ngân hàng, tăng năng suất lao động từ đó giảm chi phí vận hành. Không chỉ tiết giảm chi phí vốn, chiến lược trên còn kích thích khách hàng sử dụng thẻ, giúp ngân hàng xây dựng dữ liệu thông tin khách hàng. Ngân hàng, từ đó, hiểu nhu cầu khách hàng, đẩy mạnh việc bán chéo các sản phẩm dịch vụ đi kèm.
Cách đây 5 năm, Techcombank mở màn chiến dịch "Zero fee", miễn phí hoàn toàn cho các giao dịch trực tuyến bắt đầu từ khách hàng cá nhân vào tháng 9/2016, rồi mở rộng sang khách hàng doanh nghiệp cùng kết hợp với chương trình hoàn tiền Cashback 1%. Ngân hàng đã chứng kiến lượng khách hàng cá nhân gia tăng nhanh chóng, từ 5 triệu khách hàng năm 2016 đến tháng 6/2021, quy mô khách hàng mà Techcombank phục vụ đã đạt gần 9 triệu, tức tăng khoảng 80%. Chấp nhận hy sinh nguồn thu từ dịch vụ thanh toán, Techcombank đã đưa tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của mình lên top đầu toàn hệ thống. Theo số liệu từ Techcombank, tỷ lệ CASA của ngân hàng cũng liên tục gia tăng từ 22,7% lên 24,1%, 28,7%, 34,5% và đột biến lên 46,1% qua các năm giai đoạn 2016-2020. Tính đến tháng 9/2021, CASA của ngân hàng đạt 49%.
Thành công của Techcombank đã mở màn cho cuộc đua "Zero fee" tại các ngân hàng tư nhân sau đó với sự tham gia của TPBank, VIB, MB, MSB, PVcomBank, VPBank hay Nam A Bank,..
Sự tham gia của nhóm "ông lớn" Big4, những ngân hàng có số lượng tài khoản khách hàng lớn nhất hiện nay đang tạo ra một thách thức lớn với nhóm NHTM tư nhân. Vietcombank với hơn 53 triệu tài khoản khách hàng cá nhân và 13 triệu khách hàng sử dụng E-banking (tính đến cuối năm 2020) hay BIDV với hơn 11,6 triệu khách hàng cá nhân là những con số khổng lồ và cách biệt rõ nét với nhóm ngân hàng cổ phần.
Những dư địa có sẵn này sẽ tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn cho nhóm Big4 trong cuộc đua khốc liệt về thị phần thanh toán, từ đó dẫn đến thị phần tiền gửi không kỳ hạn với quy mô gần 800.000 tỷ đồng trong hệ thống ngân hàng (tính đến hết quý III/2021).
Mới đây, cả ba ông lớn Vietcombank, BIDV rồi sau đó là VietinBank đều bất ngờ thông báo miễn phí chuyển tiền online cho toàn bộ giao dịch cả trong và ngoài hệ thống cho khách hàng. Vào tháng 5, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã thực hiện chính sách miễn phí chuyển tiền trong nước, áp dụng đồng loạt tại 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn quốc và cả các kênh ngân hàng điện tử của Agribank.
Như vậy cả nhóm Big4 ngân hàng đều ngừng thu phí chuyển tiền online áp dụng cho tất cả khách hàng cá nhân. Không ít người dùng khá bất ngờ với nước đi này của các "ông lớn" khi đây là những ngân hàng vốn trung thành với chiến lược thu phí với mức phí giao dịch đối với khách hàng cá nhân tương đối cao so với mặt bằng chung trong ngành.
Doanh thu từ dịch vụ thanh toán tại nhóm này lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, trong một phần lớn là giao dịch của nhóm khách hàng cá nhân. "Zero fee" một mặt buộc ngân hàng phải hy sinh nguồn thu từ dịch vụ thanh toán, trong khi vẫn phải chịu các chi phí giao dịch liên quan nhưng mặt khác chính sách này lại giúp ngân hàng nhanh chóng tăng quy mô khách hàng cũng như tăng lượng tiền gửi không kỳ hạn.
Bên cạnh đó, chiến lược miễn phí giao dịch cũng là một trong những động thái nhằm thực hiện chiến lược chuyển đổi số của quốc gia nói chung và của ngành ngân hàng nói riêng, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.
Tổng Hợp