Cập nhật COVID 19 ngày 13/4: Số ca tử vong tại Anh lên gần 11.500 người

Cập nhật COVID 19 ngày 13/4 tại Việt Nam và thế giới với thông tin nhanh nhạy, kịp thời và chính xác từ các nguồn chính thống.
21h55

Số ca tử vong tại Anh lên gần 11.500 người

Theo AFP, Bộ Y tế Anh ngày 13/4 công bố dữ liệu cho thấy, tính đến 16h ngày 12/4 (23h00 cùng ngày theo giờ Hà Nội), số ca tử vong do COVID-19 ở nước này đã tăng thêm 717 trường hợp so với 1 ngày trước đó, lên 11.329 người.

Đây là số người thiệt mạng vì đại dịch COVID-19 thấp nhất ở Anh trong vài ngày qua, mặc dù đây không phải là điều bất thường khi các con số thống kê giảm xuống sau một kỳ nghỉ cuối tuần do sự chậm trễ trong công tác thu thập dữ liệu.

Tuy nhiên, con số trên chỉ phản ánh những ca tử vong tại các bệnh viện ở Anh. Trong khi đó, tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 ở Anh tính đến 8h ngày 13/4 (17h00 giờ cùng ngày theo giờ Hà Nội) đã tăng thêm 4.342 trường hợp, lên 88.621 người.

18h39

Thêm 3 ca nhiễm, Việt Nam lên 265 ca

Cụ thể, bệnh nhân 263 (BN263) là nữ, 45 tuổi, trú tại Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội. Ngày 25/3, bệnh nhân có biểu hiện sốt rét, đau rát họng, ho khan, mệt. Bệnh nhân thuộc diện sàng lọc và được lấy mẫu xét nghiệm ngày 11/4, được kết luận dương tính với COVID-19 vào ngày 13/4, hiện đang được cách ly, điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

Bệnh nhân 264 (BN264) cũng là nữ, 24 tuổi, trú tại Hạ Lôi, thuộc diện sàng lọc và được lấy mẫu xét nghiệm ngày 11/4, có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 13/4, hiện đang được cách ly, điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

Thôn Hạ Lôi hiện là ổ dịch lớn nhất cả nước và đang được phong tỏa.
Thôn Hạ Lôi hiện là ổ dịch lớn nhất cả nước và đang được phong tỏa.

Bệnh nhân 265 (BN265) là nam, 26 tuổi, trú tại Hà Tĩnh, ngày 23/3 từ Thái Lan nhập cảnh về Việt Nam qua cửa khẩu Cha Lo, Quảng Bình, hiện đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Cầu Treo, Hà Tĩnh.

Hiện trên cả nước ghi nhận 4 ổ dịch lớn. Tại ổ dịch thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội có 10 ca nhiễm. Cơ quan chức năng đã tiến hành khoanh vùng cách ly toàn bộ thôn Hạ Lôi với 11.077 người (2.711 hộ dân). Hiện nay đang tiếp tục điều tra dịch tễ học.

Thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, tính đến 18h ngày 13/4/2020, tổng số ca mắc COVID-19 ở nước ta là 265 trường hợp, trong đó 159 người từ nước ngoài, chiếm 60,7%; có 103 người lây nhiễm thứ phát, chiếm 39,3%.

Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã chữa khỏi cho 145 bệnh nhân nhiễm COVID-19. Số bệnh nhân còn lại hiện đang được điều trị tại 14 cơ sở y tế trong cả nước, có cả bệnh viện tuyến Trung ương, Bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện dã chiến.

Có 73 ca đang được điều trị tại các bệnh viện tuyến trung ương, có 39 ca đang điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh và 4 ca đang điều trị tại các bệnh viện tuyến huyện.

Hiện 109 bệnh nhân có sức khoẻ ổn định; có 8 bệnh nhân nặng, trong đó 1 trường hợp chạy ECMO, 2 trường hợp thở máy, 5 trường hợp thở ô xy.

17h10

TP.HCM kiến nghị cách ly xã hội đến ngày 30/4

Chiều 13/4, trong cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19, TP.HCM kiến nghị tiếp tục kéo dài thời gian cách ly xã hội đến ngày 30/4/2020.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết: Tính đến nay, trên địa bàn thành phố có 54 ca nhiễm, trong đó, 35 trường hợp lây nhiễm ở nước ngoài chiếm 65%, 19 trường hợp lây nhiễm ở cộng đồng chiếm 35%.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp. Ảnh: Chinhphu.vn
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp. Ảnh: Chinhphu.vn

Hiện đã điều trị khỏi bệnh cho 40 trường hợp và chỉ còn 14 trường hợp đang điều trị. Đặc biệt, kể từ ngày 1/4 triển khai cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, TP.HCM có 10 ngày không có ca nhiễm mới. Đối với các khu cách ly tập trung, tổng cộng có 12.000 trường hợp, trong đó, có 11.760 trường hợp đã hết thời gian cách ly và chỉ còn 240 trường hợp đang cách ly.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng nhấn mạnh: Hiện nay, diễn tiến dịch bệnh vẫn còn phức tạp, nguy cơ xâm nhập ca bệnh từ các nước trên thế giới vẫn còn đang rất cao, đặc biệt là các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, nguy cơ tiềm ẩn các trường hợp lây nhiễm dịch bệnh từ cộng đồng và tiếp tục lây lan cho nhiều người.

Vì vậy, những kết quả ban đầu mà chúng ta đã đạt được chưa thể khẳng định một chiến thắng cuối cùng. Chính vì vậy, TP.HCM sẽ tập trung kiểm soát chặt chẽ các yếu tố nguy cơ.

Để kiểm soát chặt chẽ hơn nữa tình hình dịch bệnh, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục kéo dài thời gian cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 đến ngày 30/4 với tinh thần kiên định, chủ động và quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Rõ ràng việc thực hiện cách ly xã hội đã mang lại những hiệu quả về ngăn dịch COVID-19 bùng phát ở Việt Nam, cụ thể là số mắc mới đã giảm liên tục từ ngày 4/4 đến nay.

Trong gần 10 ngày qua, ba ngày có số mắc cao nhất ghi nhận 4 bệnh nhân/ngày, cũng đã có 2 ngày ghi nhận 1 bệnh nhân, trong khi ở thời điểm cuối tháng 3 đầu tháng 4, số bệnh nhân ghi nhận mỗi ngày đều trên 10 người (ngày 22/3 ghi nhận tới 19 bệnh nhân), các ổ dịch mới mất dấu ca F0 liên tiếp xuất hiện...

14h32

Tỉnh thứ ba ở Nhật Bản tự ban bố tình trạng khẩn cấp

Ngày 13/4, ông Tanimoto Masanori, Thống đốc tỉnh Ishikawa, đã ban bố tình trạng khẩn cấp do dịch COVID-19 tăng đột biến tại địa phương này trong những ngày gần đây. Đây là chính quyền tỉnh thứ ba ở Nhật Bản tự ban bố tình trạng khẩn cấp sau các tỉnh Aichi và Hokkaido.  

Phát biểu với các phóng viên, ông Tanimoto cho biết tình trạng khẩn cấp ở tỉnh này sẽ có hiệu lực cho đến ngày 6/5, đồng thời kêu gọi người dân tránh đi ra ngoài nếu không cần thiết.  

Tính đến ngày 13/4, tỉnh Ishimawa đã ghi nhận 113 trường hợp mắc COVID-19. Tuy nhiên, Ishikawa chưa được đưa vào danh sách các tỉnh trong tình trạng khẩn cấp mà Thủ tướng Abe Shinzo đã ban bố hôm 7/4.

Tính đến 14h30 ngày 13/4 (giờ Việt Nam), Nhật bản ghi nhận 7.370 ca nhiễm, 123 ca tử vong và 784 ca hồi phục. 

11h09

Tổng thống Ecuador giảm 50% lương vì COVID-19

Tổng thống Ecuador Lenin Moreno ngày 12/4 đã quyết định cắt giảm 50% mức lương của cá nhân ông và tất cả các thành viên nội các, nghị sĩ Quốc hội và quan chức chính phủ.

Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh các biện pháp kinh tế mà chính phủ thông qua trước đó nhằm khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 đang bị một bộ phận xã hội và giới doanh nghiệp chỉ trích mạnh mẽ.

Chính phủ Ecuador cũng lập một Quỹ hỗ trợ nhân đạo quốc gia với nguồn vốn được trích 5% từ lợi nhuận của các doanh nghiệp có doanh thu trên 1 triệu USD và người lao động có thu nhập trên 500 USD/tháng sẽ đóng góp lũy tiến trong vòng 9 tháng nhằm giúp các gia đình có thu nhập thấp hơn.  

Tổng thống Moreno cho biết biện pháp này nhằm bảo đảm việc làm, y tế và lương thực cho người dân. Tuy nhiên, các nhóm cộng đồng thổ dân, giới công đoàn và doanh nghiệp cho rằng mức đóng góp này là không công bằng vì không có sự đóng góp của các cơ quan nhà nước. Chính phủ Ecuador dự báo tăng trưởng kinh tế nước này có thể bị suy giảm từ 3% đến 7% do đại dịch COVID-19 trong năm nay.

Theo thống kê của cơ quan y tế, Ecuador đã ghi nhận 7.466 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 333 ca tử vong.

Cũng trong ngày 12/4, Bộ Y tế Brazil cho biết số ca tử vong tại nước này đã tăng thêm 99 trường hợp trong 24 giờ qua, nâng tổng số người chết lên 1.223 người, trong khi số ca nhiễm bệnh cũng tăng lên 22.169 người.

Sao Paulo tiếp tục là bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 8.755 ca nhiễm bệnh và 588 trường hợp tử vong.

Trong khi đó, tại Chile, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp trong ngày 12/4 khi đã có 7.213 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 80 người tử vong, tăng thêm 286 ca nhiễm mới và 7 ca tử vong so với 1 ngày trước đó. Theo thông báo chính thức, hiện có 387 bệnh nhân đang được điều trị tại các khoa hồi sức tích cực, 78 trường hợp nguy kịch.

11h00

Venezuela kéo dài tình trạng báo động và lệnh cách ly trên cả nước thêm 30 ngày 

Trong tuyên bố được phát đi trên truyền hình nhà nước, Phó Tổng thống Venezuela Delcy Rodriguez nhấn mạnh quyết định nói trên nhằm tiếp tục kiểm soát và ngăn chặn dịch COVID-19 vốn đã gây ra 9 ca tử vong và 175 ca nhiễm bệnh đến nay tại quốc gia Nam Mỹ này.

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro ngay sau đó cũng đã xác nhận thông tin trên, đồng thời kêu gọi người dân kiên quyết, có ý thức chấp hành lệnh cách ly tập thể trước sự nguy hiểm của dịch bệnh.

Chính quyền Venezuela ban bố tình trạng báo động quốc gia và lệnh cách ly xã hội do dịch bệnh vào trung tuần tháng 3, đồng thời ngay lập tức áp đặt hạn chế đối với các chuyến bay đến từ châu Âu, Colombia, Panama và Cộng hòa Dominicana.

10h58

Canada điều tra 31 ca tử vong ở một cơ sở dưỡng lão

Cảnh sát Canada đang phối hợp với các cơ quan y tế nước này mở cuộc điều tra về vụ 31 người tử vong tại cơ sở chăm sóc người cao tuổi Herron ở West Island, Montreal, tỉnh bang Quebec, kể từ ngày 13/3 đến nay.

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, Thủ hiến tỉnh bang Quebec, ông François Legault cho biết chủ của cơ sở Herron đã che giấu thông tin về những người sống trong nhà dưỡng lão và các nhân viên của Herron đã rời bỏ vị trí công tác.

Ông Francois Legault chỉ trích đã có “bất cẩn lớn” và cho biết chủ của cơ sở y tế trên đã không hợp tác khi các cơ quan chức năng lần đầu tiên đến kiểm tra về vụ việc. 5 trường hợp tử vong tại nhà dưỡng lão này được xác nhận do nhiễm virus SARS-CoV-2, trong khi nguyên nhân gây ra cái chết của 26 người khác vẫn chưa được khẳng định.

Ngày 29/3, các cơ quan y tế đã tới kiểm tra cơ sở Herron, nơi có 150 giường bệnh, sau khi có báo cáo về tình trạng thiếu hụt nhân lực trầm trọng tại đây. Khoảng một nửa trong số các ca tử vong do COVID-19 ở Quebec là các trường hợp ở nhà dưỡng lão.

Trong một phát biểu mới đây, Phó Thủ tướng Canada, bà Chrystia Freeland cũng cảnh báo tình trạng tại các cơ sở chăm sóc người cao tuổi “rất đáng quan ngại”. Theo số liệu cập nhật lúc 11h ngày 12/4 (giờ miền Đông ở Bắc Mỹ), số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 tại Canada đã tăng hơn 12% chỉ trong vòng 1 ngày, lên 674 ca, trong tổng số 23.719 ca nhiễm bệnh.

Hiện Quebec đang chiếm hơn một nửa số ca tử vong ở Canada. Đại dịch COVID-19 buộc Canada phải đình chỉ các hoạt động kinh tế không thiết yếu, khiến tỷ lệ thất nghiệp có nguy cơ tăng lên khoảng 25%. Quốc hội Canada ngày 11/4 đã nhanh chóng thông qua chương trình trợ cấp lương trị giá 73 tỷ CAD (52 tỷ USD) để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn này. 

09h50

Pháp cách ly gần 1.900 quân nhân trên tàu sân bay Charles De Gaulle'

Tàu sân bay Pháp Charles De Gaulle chiều 12/4 cập cảng Toulon, căn cứ hải quân ở miền Nam Pháp, sau khi được gấp rút triệu hồi về nước do bùng phát dịch COVID-19 trên tàu.

Quân đội Pháp sau đó đã thực hiện cách ly và xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ hơn 1.900 quân nhân trên tàu sân bay, cùng các tàu hộ tống.

Tàu sân bay Pháp, Charles De Gaulle. Ảnh: French Navy.
Tàu sân bay Pháp, Charles De Gaulle. Ảnh: French Navy.

Theo Người phát ngôn của lực lượng hải quân Pháp tại Địa Trung Hải Christine Ribbe, ngay sau khi cập bến, toàn bộ hơn 1700 quân nhân trên tàu sân bay cùng 200 quân nhân trên tàu hộ tống đã được vận chuyển trên xe bus đến các địa điểm cách ly của quân đội Pháp. Những người này sẽ phải cách ly ít nhất 2 tuần.

Quân đội Pháp cũng tuyên bố sẽ xét nghiệm cho tất cả hơn 1.900 quân nhân.

Một chiến dịch lớn để khử khuẩn toàn bộ tàu sân bay cũng như các tàu hộ tống cũng sẽ được tiến hành từ ngày 14/4.

Đến thời điểm này, theo quân đội Pháp, có 50 trường hợp trên tàu sân bay Charles De Gaulle được xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Tất cả đều đang trong tình trạng sức khoẻ ổn định.

Nguyên nhân khiến dịch COVID-19 bùng phát trên tàu sân bay Charles De Gaulle hiện vẫn chưa được làm rõ. Tàu sân bay này đã rời đất liền từ ngày 15/3, sau đó tạm dừng ở cảng Brest miền Tây Bắc nước Pháp.

Đến ngày 8/4, tức 3 tuần sau khi rời đất liền và không có các tiếp xúc với bên ngoài, các ca nghi nhiễm đầu tiên xuất hiện trên tàu sân bay, khiến giới chức y tế Pháp nghi ngờ thời gian ủ bệnh với một số người có thể kéo dài bất thường.

Theo Bộ Quốc phòng Pháp, việc tàu sân bay Charles De Gaulle phải về nước sớm không ảnh hưởng đến hiệu quả tác chiến của chiến dịch chống khủng bố mà Pháp tiến hành ở Bắc Phi và vùng hạ Sahara.

08h48

Châu Phi ghi nhận gần 13.700 ca mắc COVID-19 mới, 744 người tử vong

Ngày 12/4, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của châu Phi cho biết châu lục này đến nay đã ghi nhận tổng cộng 13.686 ca mắc COVID-19, trong đó có 744 trường hợp tử vong.

Phóng viên TTXVN thường trú tại khu vực Bắc Phi cho biết, dịch COVID-19 đến nay đã lan rộng đến 52/55 quốc gia trên toàn châu Phi.

Trong số 13.686 ca mắc, đã có 2.283 ca được điều trị khỏi và hồi phục sức khỏe tốt.

Kể từ ngày 27/1, Liên minh châu Phi (AU) đã kích hoạt CDC châu Phi và hệ thống quản lý sự cố (IMS) để thực hiện các hoạt động khẩn cấp và đối phó đại dịch COVID-19.

Hiện, CDC Châu Phi đang kế hoạch hành động thứ 3, diễn ra từ ngày 16/3-15/5, để đối phó đại dịch COVID-19 trên toàn lục địa.

Lực lượng y tế Nam Phi chuẩn bị tiến hành xét nghiệm COVID-19 tại một khu dân cư tại ngoại ô thành phố Johannesburg. Ảnh: Phi Hùng/TTXVN.
Lực lượng y tế Nam Phi chuẩn bị tiến hành xét nghiệm COVID-19 tại một khu dân cư tại ngoại ô thành phố Johannesburg. Ảnh: Phi Hùng/TTXVN.

Cùng ngày, chính phủ Sudan đã ban bố lệnh cấm mọi hình thức vận chuyển người giữa các thành phố cũng như triển khai luật khẩn cấp để đảm bảo tuân thủ các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Theo Hội đồng lãnh đạo hỗn hợp, lệnh cấm phương tiện chở khách tư nhân và thương mại giữa các thành phố, các bang sẽ có hiệu lực ngay lập tức.

Bên cạnh đó, theo luật khẩn cấp, những người vi phạm các quy định về giới nghiêm, hạn chế đi lại, không chấp hành các biện pháp kiểm dịch, che giấu, khai báo không trung thực thông tin liên quan tình hình sức khỏe hoặc cản trở việc điều trị y tế có thể sẽ phải đối mặt với việc xử lý hình sự.

Đến thời điểm hiện nay, Sudan mới chỉ ghi nhận 19 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó 2 người đã tử vong, nhưng dịch COVID-19 xuất hiện ở thời điểm nước này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế.

Với điều kiện cạn kiệt về nguồn lực hiện tại, hệ thống y tế Sudan không thể ứng phó nếu dịch bệnh bùng phát triên diện rộng.

Nước này hiện chỉ có khoảng 100 máy thở nhân tạo và số lượng giường bệnh hạn chế phục vụ điều trị COVID-19.

Cũng trong ngày 12/4, Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari đã kêu gọi người dân nước này tiếp tục hạn chế ra ngoài để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, trong bối cảnh chính phủ đang cân nhắc việc gia hạn lệnh giới nghiêm áp đặt tại tại một số bang.

Kể từ ngày 31/3, Chính phủ Nigeria đã ban bố phong toả Lagos, Ogun và thủ đô Abuja. Người dân bắt buộc phải ở trong nhà, chỉ được phép ra ngoài để mua sắm thương thực, thực phẩm và trong những trường hợp đặc biệt. Lệnh giới nghiêm dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 13/4.

Người phát ngôn Tổng thống cho biết hiện chưa có thông tin về khả năng kéo dài lệnh giới nghiêm, bởi đây không phải là quyết định chính trị thông thường mà phải dựa trên cơ sở y tế và khoa học.

Chính vì vậy, chính phủ Nigeria chỉ đưa ra quyết định gia hạn lệnh giới nghiêm sau khi tham vấn các chuyên gia y tế và khoa học.

Nigeria - quốc gia đông dân nhất châu Phi, với gần 200 triệu người, cũng là nước có số người sống dưới mức nghèo khổ cao nhất thế giới.

Đến nay Nigeria đã ghi nhận 318 ca mắc, trong đó 10 người đã tử vong.

Dù là nền kinh tế lớn nhất châu Phi nhưng Nigeria cũng đối mặt với những khó khăn nhất định trong đối phó dịch COVID-19, do những hạn chế của hệ thống y tế.

06h47

Thế giới 114.053 ca tử vong, Mỹ trung bình trên 1.000 người chết mỗi ngày

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 13/4 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 1.849.473 trường hợp, trong đó số ca tử vong là 114.053 người. Trong vòng 24h vừa qua, đã có thêm 5.274 người thiệt mạng vì bệnh COVID-19 và 69.631 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Đến nay, đại dịch COVID-19 đã tấn công 209 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 422.558 bệnh nhân COVID được điều trị khỏi bệnh, trong khi vẫn còn tới 50.762 người đang trong tình trạng nguy kịch.Mỹ và Anh là hai nước có số ca mắc bệnh và tử vong mới cao nhất thế giới trong vòng 24h qua.

Kiểm tra thân nhiệt các tài xế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại bang Parana, Brazil ngày 11/4/2020. Ảnh: TTXVN.
Kiểm tra thân nhiệt các tài xế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại bang Parana, Brazil ngày 11/4/2020. Ảnh: TTXVN.

Ổ dịch lớn nhất thế giới, Mỹ, ghi nhận thêm 25.772 ca mắc và 1.425 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 558.651 trường hợp và tổng số ca tử vong vì dịch bệnh này là 22.002 trường hợp.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đặt mục tiêu ngày 1/5 sẽ là ngày có thể nới lỏng biện pháp “cách ly tại nhà” trên khắp nước Mỹ. Trả lời trên kênh truyền hình ABC, ông Stephen Hahn - Ủy viên Cơ quan quản lý dược và thực phẩm Mỹ cho rằng, nước Mỹ đã nhìn thấy "ánh sáng cuối đường hầm". Do những vấn đề kinh tế khẩn cấp nên nhiều người dân muốn sớm quay trở lại làm việc.

Tuy nhiên, ông cũng thận trọng khi cho rằng, vẫn còn quá sớm để nói rằng mục tiêu đó có thể đạt được hay không. Ngoài ra, còn nhiều yếu tố tác động đến quyết định cuối cùng, trong đó có câu hỏi về mức độ an toàn khi dỡ bỏ các giới hạn này.

00h15

Tính đến 0h15 ngày 13/4 (giờ Việt Nam), theo thống kê của trang worldometers, thế giới có 1.818.649 người nhiễm COVID-19, 112.371 người tử vong và 416.127 ca bình phục. Mỹ vẫn là quốc gia dẫn đầu thế giới về số người bệnh cũng như tử vong với 537.356 ca nhiễm và 21.435 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, quốc gia này tăng thêm 4.477 ca nhiễm và 858 người tử vong.

  Một người phụ nữ khóc khi nói chuyện điện thoại tại Trung tâm y tế Wyckoff Heights ở Brooklyn, thành phố New York, ngày 6/4/2020. Ảnh: REUTERS

Một người phụ nữ khóc khi nói chuyện điện thoại tại Trung tâm y tế Wyckoff Heights ở Brooklyn, thành phố New York, ngày 6/4/2020. Ảnh: REUTERS

Mặc dù số người nhiễm và tử vong tại Mỹ vẩn tăng, nhưng bang New York chỉ ghi nhận 758 ca tử vong, giảm 25 ca so với ngày trước đó, nâng tổng số ca tử vong tại tiểu bang tính đến nay là 9.385 ca.

Tại cuộc họp báo cập nhật tình hình chống dịch ngày 12/4, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo nhận định rằng mức độ lây lan của đại dịch đã có dấu hiệu chậm lại. Tuy nhiên, ông cũng chỉ trích chính quyền liên bang trong việc ứng phó với dịch vì cho rằng tiền cứu trợ đã được phân bổ không phù hợp khi mà nhiều bang không bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch lại nhận được khoản cứu trợ quá lớn.

Ông cho biết sẽ ký lệnh ngay trong ngày 12/4 yêu cầu các chủ doanh nghiệp bán các mặt hàng thiết yếu phải cấp cho nhân viên của mình khẩu trang khi tiếp xúc với người dân.  Trước đó, trong buổi họp báo riêng cùng ngày, thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio cho biết chính quyền sẽ bố trí thêm 5 điểm xét nghiệm mới tại những cộng đồng bị lây nhiễm nhiều nhất sau khi số liệu tuần vừa qua cho thấy số người Mỹ gốc Latin và gốc Phi bị tử vong vì COVID-19 cao gấp đôi so với người Mỹ trắng.  

Thị trưởng de Blasio cũng khẳng định đã có những tín hiệu khích lệ trong cuộc chiến chống dịch tuần vừa qua với số người cần phải được trợ giúp bằng máy thở tiếp tục giảm. Ông Cuomo cũng nêu rõ kể từ ngày 13/4, tất cả những người làm việc tại thành phố New York có tiếp xúc với người dân phải đeo khẩu trang.

Đừng ngay sau Mỹ là Tây Ban Nha với 166.019 ca nhiễm (tăng 2.992 ca trong 24 giờ qua) và 16.972 ca tử vong. Thứ 3 là Italy với 156.363 ca nhiễm (tăng 4.092 ca trong 24 giờ qua) và 19.899, tăng 431 ca. Italy hiện là nước có số ca tử vong xếp thứ 2 thế giới, sau Mỹ.

CHẤN HƯNG (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương