Cập nhật COVID 19 ngày 22/4: 6,5 ngày liên tục Việt Nam không có ca nhiễm mới

Cập nhật tình hình dịch bệnh COVID 19 ngày 22/4 tại Việt Nam và các nước trên thế giới. Hãy cùng chúng tôi đẩy lùi virus corona.
18h09

Đã 6,5 ngày liên tục Việt Nam không có ca nhiễm mới

Bản tin của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 lúc 18h00 ngày 22/4 cho biết, chiều nay Việt Nam không ghi nhận thêm ca nhiễm COVID-19 nào. Như vậy, đến nay đã 6,5 ngày liên tục Việt Nam không có ca mắc mới. Trong ngày đã có 7 ca được công bố khỏi bệnh. Hiện chỉ có 45 ca đang điều trị.

Số người cách ly hiện này còn 67.022, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện: 358, cách ly tập trung tại cơ sở khác: 18.263, cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 48.401.

17h54

Ca nhiễm COVID-19 ở Singapore vượt 10.000

Singapore đánh dấu ngày thứ ba liên tiếp ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm COVID-19 mới, nâng ca nhiễm cả nước lên hơn 10.000.

Bộ Y tế Singapore hôm nay báo cáo thêm 1.016 ca nhiễm COVID-19, gồm 15 người Singapore và thường trú nhân, còn lại đều là lao động nước ngoài sống trong các ký túc xá, đưa ca nhiễm tại quốc đảo này lên 10.141. Số ca tử vong tại nước này vẫn là 11, không thay đổi trong vài ngày qua.    

Singapore chứng kiến sự gia tăng đột biến ca nhiễm trong những ngày gần đây, chủ yếu do sự xuất hiện liên tục các cụm dịch liên quan đến ký túc xá cùng xét nghiệm tích cực của giới chức cho lao động nước ngoài.

Bộ Y tế cho biết ca nhiễm mới trong cộng đồng đã giảm từ 38 ca xuống 28 ca tuần trước. Tuy nhiên, ca nhiễm không rõ nguồn gốc tăng lên, cho thấy có những cụm dịch chưa được phát hiện, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cảnh báo trong bài phát biểu trên truyền hình hôm qua.

Ông cũng tuyên bố gói giải pháp "cầu dao" để ngăn chặn Covid-19 lây lan sẽ được gia hạn đến 1/6, trong khi các quy tắc hiện hành được thắt chặt hơn trong hai tuần tới. Tất cả cửa hàng thực phẩm và đồ uống cũng như các cửa hàng làm tóc được yêu cầu đóng cửa trước 23h59, bắt đầu từ 21/4. (Nguồn: VnE)

17h34

Số ca tử vong do COVID-19 ở châu Âu vượt ngưỡng 110.000 

Theo AFP, theo số liệu được hãng tin AFP tổng hợp từ các nguồn chính thức đến 16h20 ngày 22/4 (theo giờ Việt Nam), số ca tử vong do bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-COV-2 gaay ra ở châu Âu đã vượt ngưỡng 110.000 người.

Với 110.192 ca tử do trong tổng số 1.246.840 ca nhiễm SARS-COV-2 được ghi nhận, châu Âu là lục địa bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19. Đại dịch này đã khiến 177.368 người tử vong trên toàn thế giới.

14h52

Ca nhiễm COVID-19 ở Đức vượt 145.000

Đức ghi nhận thêm hơn 2.200 ca nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm cả nước lên hơn 145.000, trong đó gần 5.000 người chết.

Viện Robert Koch (RKI), cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Đức, hôm nay cho biết nước này ghi nhận thêm 2.237 ca nhiễm COVID-19, đưa số ca nhiễm toàn quốc lên 145.694. Các ca nhiễm mới hàng ngày ở Đức hôm qua và hôm nay tiếp tục tăng sau khi có dấu hiệu giảm nhẹ trước đó.

Đức cũng báo cáo thêm 281 ca tử vong do COVID-19, cao hơn 194 ca 24 giờ trước đó, nâng số người chết cả nước lên 4.879. Quốc gia này đang là vùng dịch lớn thứ năm thế giới, sau Mỹ, Tây Ban Nha, Italy và Pháp, song được đánh giá là nước phản ứng nhanh với COVID-19 và ghi nhận tỷ lệ tử vong thấp, chỉ khoảng 3,3%.

Dù là một trong những nước có tỷ lệ tử vong do COVID-19 thấp nhất, Đức vẫn tiếp tục thực hiện các quy tắc cách biệt cộng đồng cho đến ngày 3/5. (Nguồn: VnE)

13h49

Phong tỏa thị trấn Đồng Văn, Hà Giang

Ông Hoàng Văn Thịnh, Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn (Hà Giang) cho biết, bắt đầu từ 9h ngày 22/4, huyện Đồng Văn quyết định phong tỏa toàn bộ khu vực thị trấn Đồng Văn, để cấp bách triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Theo Quyết định số 900/QĐ-UBND của UBND huyện Đồng Văn, địa bàn phong tỏa là toàn bộ thị trấn Đồng Văn, bao gồm diện tích 27.465,7 ha và 7.623 người dân trong khu vực phong tỏa với 1.629 hộ. Thời gian thực hiện phong tỏa từ 9 giờ ngày 22/4/2020 đến khi có thông báo của ngành Y tế.

Cập nhật COVID 19 ngày 22/4: 6,5 ngày liên tục Việt Nam không có ca nhiễm mới

UBND huyện Đồng Văn giao Trung tâm Y tế huyện, các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của huyện Đồng Văn phối hợp với UBND thị trấn Đồng Văn tổ chức triển khai thực hiện việc phong tỏa nghiêm túc, đúng quy định pháp luật, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Trước đó, ngày 16/4, tại tỉnh Hà Giang ghi nhận trường hợp đầu tiên dương tính với virus SARS-CoV-2 là bệnh nhân số 268 (sinh năm 2004), người dân tộc Mông, thường trú ở thôn Pín Tủng, xã Phố Là, huyện Đồng Văn. Hiện bệnh nhân số 268 đang được theo dõi, điều trị tại Khu cách ly Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn.

Đây là ca bệnh có những đặc điểm dịch tễ khá đặc biệt và hiện ngành y tế vẫn chưa xác định được nguyên nhân lây nhiễm của ca bệnh này.

Tính đến thời điểm này, các cơ quan chức năng đã lấy 358 mẫu xét nghiệm liên quan đến bệnh nhân số 268, trong đó 302 mẫu có kết quả âm tính, số còn lại đang chờ kết quả.

11h16

UEA đứng đầu về tỷ lệ xét nghiệm trong dân số

Trong 10 nước đứng đầu về số xét nghiệm COVID-19, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đứng đầu về tỷ lệ xét nghiệm trong dân số, với gần 80.000 xét nghiệm/1 triệu dân, tương đương khoảng 8% dân số được xét nghiệm.

Cập nhật COVID 19 ngày 22/4: 6,5 ngày liên tục Việt Nam không có ca nhiễm mới
10h12

Mỹ ghi nhận thêm 40.000 ca nhiễm trong 24 giờ qua

Theo số liệu cập nhật mới nhất do Đại học Johns Hopkins tổng hợp và công bố vào lúc 8h30 sáng 22/4 (theo giờ Việt Nam), trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận gần 40.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới và 2.751 ca tử vong do COVID-19. 

Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Mỹ đã vượt 800.000 ca, trong đó có 44.845 ca tử vong. Con số báo cáo nêu trên phản ánh tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Mỹ vẫn diễn biến phức tạp.

Trước đó, ngày 17/4, Tổng thống Trump công bố hướng dẫn mở cửa kinh tế trở lại theo từng giai đoạn và thống đốc các bang sẽ đảm nhận tiến trình này. Theo kết quả thăm dò dư luận do Wall Street Journal/NBC thực hiện và công bố mới đây, đa phần người dân Mỹ đã bày tỏ lo ngại việc dỡ bỏ các hạn chế quá sớm sẽ khiến dịch COVID-19 lây lan mạnh hơn.

Trong khi đó, một số cuộc biểu tình đã diễn ra tại một loạt bang của Mỹ, kêu gọi chính quyền địa phương dỡ bỏ lệnh đóng cửa doanh nghiệp và khu vực công cộng càng sớm càng tốt do cho rằng họ đang phải gánh chịu những hậu quả do việc đóng cửa nền kinh tế.

09h50

Thủ tướng Pakistan phải xét nghiệm COVID-19

Thủ tướng Pakistan Imran Khan sẽ phải xét nghiệm sau khi tiếp xúc với một người nhiễm COVID-19 tuần trước.

Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã gặp Faisal Edhi, người đứng đầu tổ chức từ thiện lớn nhất Pakistan tại một cuộc họp ở Văn phòng thủ tướng tại thủ đô Islamabad hôm 15/4. Edhi, người đã trao séc tài trợ 10 triệu rúp Pakistan (hơn 62.000 USD) cho cuộc chiến chống COVID-19, được xác nhận dương tính với COVID-19 hôm 21/4.

  Thủ tướng Pakistan (phải) nhận séc tài trợ từ Faisal Edhi, người đứng đầu tổ chức từ thiện lớn nhất Pakistan, trong cuộc họp ở Islamabad hôm 15/4. Ảnh: Văn phòng Thủ tướng Pakistan.

Thủ tướng Pakistan (phải) nhận séc tài trợ từ Faisal Edhi, người đứng đầu tổ chức từ thiện lớn nhất Pakistan, trong cuộc họp ở Islamabad hôm 15/4. Ảnh: Văn phòng Thủ tướng Pakistan.

Hình ảnh được Văn phòng Thủ tướng Pakistan công bố cho thấy cả Thủ tướng Khan lẫn ông Edhi đều không đeo khẩu trang khi trao nhận tờ séc ở khoảng cách gần.

Faisal Sultan, bác sĩ cá nhân kiêm cố vấn cấp cao của ông Khan về Covid-19, cho hay Thủ tướng sẽ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 hôm nay nhưng không nói rõ bao giờ có kết quả. Ông Khan đã chủ trì một số sự kiện trong những ngày qua, bao gồm cuộc họp nội các hôm 21/4. Ông cũng gặp Tổng thống và Bộ trưởng Tình báo Pakistan một ngày trước.

Pakistan ghi nhận 9.565 người nhiễm COVDI-19 và 201 người tử vong. Quốc gia này bắt đầu nới lỏng phong tỏa, cho phép một số ngành công nghiệp và dịch vụ thiết yếu tiếp tục hoạt động. Chính quyền cũng dỡ lệnh hạn chế với nhà thờ bởi tháng ăn chay Ramadan sẽ bắt đầu tuần này.

08h51

Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 30 ca nhiễm mới

Theo Reuters, Trung Quốc đại lục ngày 22/4 đã ghi nhận thêm 30 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới, gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 23 ca bệnh "ngoại nhập" liên quan tới những người đi từ nước ngoài về.

Trong một tuyên bố, Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) cho biết tổng số ca mắc COVID-19 ở Trung Quốc đại lục tính đến ngày 22/4 đã tăng lên thành 82.788 người, trong khi số ca tử vong vẫn duy trì ở mức 4.632 người.

08h09

Mỹ ghi nhận thêm 2.765 ca tử vong

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h00 sáng 22/4 (theo giờ Việt Nam), đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã lây lan tổng cộng 210 nước và vùng lãnh thổ toàn thế giới, khiến 2.555.754 người nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 177.459 người đã tử vong. Hiện số người bình phục và xuất viện ở mức 690.224 người, trong khi số trường hợp bệnh nặng và nguy kịch là 57.254 trường hợp.

Mỹ vẫn là quốc gia ghi nhận số ca nhiễm virus và ca tử vong cao nhất thế giới, dừng ở con số tương ứng 817.952 ca và 45.279 ca. Riêng trong 24 giờ qua, Mỹ đã ghi nhận 25.193 ca nhiễm mới và thêm 2.765 ca tử vong.

Trong tuyên bố ngày 21/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ công bố một lệnh tạm ngừng cho phép nhập cư vào Mỹ và biện pháp này sẽ có hiệu lực trong 60 ngày, sau đó sẽ được cân nhắc lại.

Mặc dù dịch COVID-19 ở Mỹ vẫn khiến hàng ngàn người chết ở Mỹ mỗi ngày, nhưng biểu tình phản đối cách ly xã hội kéo dài của các tiểu bang vẫn diễn ra. Ảnh: REUTERS
Mặc dù dịch COVID-19 ở Mỹ vẫn khiến hàng ngàn người chết ở Mỹ mỗi ngày, nhưng biểu tình phản đối cách ly xã hội kéo dài của các tiểu bang vẫn diễn ra. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Trump tuyên bố ông và chính quyền của ông sẽ xem xét các biện pháp bổ sung liên quan tới vấn đề nhập cư nhằm "bảo vệ người lao động Mỹ" và việc tạm ngừng cho phép nhập cư mới cũng sẽ giữ được nguồn lực y tế quan trọng cho công dân Mỹ. Ông Trump cho biết ông có thể sẽ ký sắc lệnh về nhập cư vào ngày 22/4.

Cũng theo thông báo ngày 21/4, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo (An-đru Cu-mô) cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý để Chính phủ liên bang trợ giúp mua các thuốc thử hóa học và các vật dụng cần thiết khác cho New York để tăng cường năng lực xét nghiệm của bang này với SARS-CoV-2 nhằm đẩy nhanh cuộc chiến chống COVID-19 tại "điểm nóng" này. 

Cùng với Mỹ, châu Âu vẫn là "điểm nóng" của dịch COVID-19 hiện nay. Tổng số ca nhiễm mới tại các nước có diễn biến dịch bệnh nghiêm trọng như Nga, Anh, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Hà Lan vẫn tăng gần con số 20.000 ca.

Cụ thể, trong 24 giờ qua, Nga là quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất châu Âu (5.642 ca). Tiếp sau đó là Thổ Nhĩ Kỳ (+4.611 ca), Anh (+4.301 ca), Tây Ban Nha (+3968 ca), Italy (+2.729 ca), Pháp (+2.667 ca), Hà Lan (+ 729 ca).

Trong khi đó, Anh ghi nhận số ca tử vong cao nhất tại châu Âu trong 24 giờ qua, 828 ca. Hiện tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Anh là 17.337 ca, đứng sau Italy (24.648 ca), Tây Ban Nha (21.282 ca), Pháp (20.796 ca). Tổng số ca tử vong tại Nga đến thời điểm hiện tại là 456 ca, sau khi ghi nhận thêm 51 ca tử vong trong 24 giờ qua.

Tại Trung Đông, Saudi Arabia đang là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 với tổng số ca nhiễm là 11.631 ca, trong đó có 1.147 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 1.147 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và 6 ca tử vong.

Trong 24 giờ qua, các nước trong khu vực như Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar, Ai Cập... tiếp tục ghi nhận các ca nhiễm mới hàng trăm ca nhiễm mới, trong khi số ca tử vong chỉ dừng lại ở 1 con số. 

Tại châu Phi, diễn biến tình hình dịch bệnh tuy có chậm hơn song các tổ chức y tế quốc tế đều đang đặc biệt quan ngại về dịch bệnh COVID-19 tại châu lục này, bởi một khi bùng phát mạnh, khu vực này khó có thể chống đỡ do hệ thống y tế yếu kém và thiếu mọi nguồn lực hỗ trợ tại đây. Nam Phi hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 tại châu Phi với 3.465 ca nhiễm và 58 ca tử vong.

Trong 24 giờ qua, Nam Phi ghi nhận thêm 165 ca nhiễm và không có ca tử vong nào.  Tại Đông Nam Á, Singapore ghi nhận tổng cộng 9.125 ca nhiễm, sau khi ghi nhận 1.111 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Hiện tổng số ca tử vong do COVID-19 ở nước này đã lên tới 11 ca.

Việt Nam đã bước qua ngày thứ 6 liên tiếp không ghi nhận các ca nhiễm mới, dừng lại con số 268 ca.  Trước diễn biến dịch bệnh suy giảm tại nhiều nước và cũng để giảm thiểu những tổn thất về kinh tế do tác động của các biện pháp hạn chế nhằm phòng chống dịch COVID-19, nhiều nước trên thế giới hiện bắt đầu hoặc xem xét nới lỏng các biện pháp hạn chế, bước vào giai đoạn mới chuẩn bị cho giao đoạn sau của đại dịch.

Tuy nhiên, các tổ chức y tế quốc tế và giới chuyên gia khuyến cáo chính phủ các nước cân nhắc kỹ lưỡng việc nới lỏng các biện pháp hạn chế bởi đại dịch một khi tái bùng phát sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn nữa.

07h05

6 ngày liên tục Việt Nam không có ca nhiễm mới

Sáng nay (22/4), Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết, Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới nào. Như vậy, đã 6 ngày liên tục, Việt Nam không có ca nhiễm mới. Dự kiến trong hôm nay có 6 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh

Tính đến hiện tại, tổng số ca nhiễm tại Việt Nam là 268 trường hợp, trong đó, 160 người từ nước ngoài chiếm 59,7%, 108 người lây nhiễm trong cộng đồng chiếm 40,3%.

Cập nhật COVID 19 ngày 22/4: 6,5 ngày liên tục Việt Nam không có ca nhiễm mới


 

01h00

Italy ghi nhận số bệnh nhân giảm ngày thứ 2 liên tiếp 

Theo số liệu của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy, trong ngày 21/4, nước này ghi nhận thêm 2.729 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 183.957 trường hợp.

Trong khi đó, số ca tử vong đã tăng lên 24.648 người (tăng 534 ca). Số ca hồi phục tăng lên 51.600 người (tăng 2.723 ca). 

Trong đó, tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 trong ngày 21/4 là 107.709, giảm 528 bệnh nhân so với mức 108.237 trong ngày 20/4. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp Italy ghi nhận số bệnh nhân mắc COVID-19 giảm, sau khi nước này lần đầu tiên ghi nhận số bệnh nhân giảm trong ngày 20/4 với 20 ca.

Bên cạnh đó, số ca phải điều trị tích cực cũng tiếp tục giảm 104 ca xuống còn 2.471 bệnh nhân.

00h21

Cố vấn Tổng thống Indonesia từ chức

Ngày 21/4, ông Adamas Belva Syah Devara, đồng sáng lập Công ty khởi nghiệp giáo dục Ruangguru, đã tuyên bố rút khỏi nhóm cố vấn của Tổng thống Indonesia Joko "Jokowi" Widodo.

Trong một bài đăng trên tài khoản Instagram cá nhân, ông Belva cho biết đã gửi đơn từ chức lên Tổng thống vào ngày 17/4 nhằm "tránh các cuộc tranh cãi kéo dài gây mất tập trung cho Tổng thống trong cuộc chiến chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19".

Ông Belva đã đối mặt với sự chỉ trích gay gắt của công chúng sau khi Ruangguru được chọn là một trong 8 đối tác của Chính phủ Indonesia trong chương trình thẻ việc làm trị giá 20 nghìn tỷ rupiah (1,27 tỷ USD) hồi tuần trước nhằm tăng cường mạng lưới an sinh xã hội trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Các ý kiến chỉ trích cho rằng có xung đột lợi ích do ông Belva đóng “vai trò kép” khi vừa là cố vấn của Tổng thống, vừa là Giám đốc điều hành của Công ty khởi nghiệp giáo dục Ruangguru.

Ông Belva là một trong 7 người thuộc thế hệ Millennials (những người sinh ra trong giai đoạn từ đầu thập niên 1980 đến đầu thập niên 2000) được Tổng thống Jokowi bổ nhiệm làm cố vấn vào tháng 11 năm ngoái.

CHẤN HƯNG (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương