* Tây Ban Nha: Số ca tử vong do COVID-19 vượt quá 10.000 người
Theo Reuters, Bộ Y tế Tây Ban Nha ngày 2/4 thông báo, số ca tử vong do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này đã vượt quá ngưỡng 10.000 người sau khi Tây Ban Nha ghi nhận mức tăng kỷ lục 950 ca tử vong trong đêm.
Theo Bộ Y tế, Tây Ban Nha ghi nhận tổng cộng 10.003 ca tử vong, trong khi đó số ca mắc COVID-19 đã tăng lên 110.238 người, tăng từ mức 102.136 ca trong ngày 1/4.
* Ấn Độ có ca nhiễm đầu tiên tại khu ổ chuột lớn nhất nước
Tại Ấn Độ, trang mạng India Today đưa tin Ấn Độ đã ghi nhận trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên tại khu ổ chuột Dharavi, thành phố Mumbai, bang Maharashtra.
Theo phóng viên TTXVN tại Ấn Độ, bệnh nhân là một nam giới 56 tuổi đã được nhập viện điều trị. Khoảng 8 đến 10 thành viên trong gia đình người này đã được cách ly kiểm dịch. Dharavi có diện tích 613 hécta và 1,5 triệu dân là khu ổ chuột lớn nhất Ấn Độ và cũng là lớn nhất châu Á.
Trong khi đó, Mumbai là một điểm nóng lây lan dịch COVID-19 tại Ấn Độ, chiếm hơn 50% trong số hơn 320 ca nhiễm tại bang Maharashtra. Theo trang mạng The Hindu, đến nay Ấn Độ đã ghi nhận 1.897 bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 59 người đã tử vong.
Ngày 1/4, Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca thông báo nước này đã ghi nhận thêm 2.148 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 15.679 ca.
Số ca tử vong tại Thổ Nhĩ Kỳ trong 24 giờ qua là 63 ca, nâng tổng số người tử vong do COVID-19 tại nước này lên 277 người. Phát biểu tại họp báo, Bộ trưởng Koca cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành 14.369 xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua.
Hiện có 979 bệnh nhân đang được điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt và thêm 692 người phải đặt ống thở. Số ca phục hồi tại Thổ Nhĩ Kỳ là 333 ca. Với 8.852 ca nhiễm, Istanbul là khu vực có số ca nhiễm cao nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ, tiếp đó là Izmir với 853 ca và thủ đô Ankara với 712 ca.
Cùng ngày, Giám đốc điều hành hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ Turkish Airlines Bilal Eksi cho hay hãng này sẽ kéo dài việc hủy các chuyến bay từ ngày 17/4 sang 1/5 do dịch COVID-19. Tuy nhiên, 14 chuyến bay nội địa sẽ vẫn được duy trì.
Cuối tuần trước, Turkish Airlines đã thông báo sẽ ngừng mọi chuyến bay nội địa và quốc tế trong bối cảnh chính quyền đang đẩy nhanh các biện pháp nhằm kiểm soát dịch COVID-19 hiện đã khiến 277 người tử vong tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Tại Israel, Bộ Y tế thông báo đã có 734 người có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 trong ngày 1/4, nâng tổng số ca nhiễm tại đây lên 6.092 ca. Số ca tử vong do COVID-19 đã tăng thêm 6 người lên 26 ca. Các ca tử vong mới trong độ tuổi từ 66-98, tất cả đều có những bệnh lý nền nghiêm trọng khác.
Trong số 658 bệnh nhân đang được điều trị tại các bệnh viện trên khắp Israel, có 94 người đang trong tình trạng nghiêm trọng. Trong số 5.408 bệnh nhân còn lại, có 3.128 người đang được cách ly tại nhà, 700 người đang được chăm sóc tại các khách sạn, 241 người đã phục hồi và 1.339 người sẽ được bác sĩ chỉ định xem nên điều trị ở đâu.
* Hà Nội lập 30 điểm chốt đường bộ tại các cửa ngõ ra vào Thủ đô
Sáng 2/4/2020, tại Hà Nội, Công an phối hợp với Sở Giao thông vận tải Hà Nội triển khai lực lượng tại 30 điểm chốt đường bộ tại các cửa ngõ ra vào Hà Nội. Các tổ công tác có nhiệm vụ chốt trực 24/24 giờ và bắt đầu từ 18h ngày 1/4 cho đến hết ngày 15/4 hoặc có lệnh điều động mới nhằm chủ động ứng phó với dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Ảnh: TTXVN |
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info cập nhật đến 0h30 ngày 2/4 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận hơn 911.500 ca nhiễm COVID-19, trong đó 45.532 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh gần 191.000 người trong khi vẫn còn tới 33.777 ca nguy kịch.
Mỹ vẫn là nước dẫn đầu với 205.035 ca nhiễm, trong đó 4.516 ca tử vong. Số ca nhiễm mới và tử vong trong 24 giờ qua vẫn tăng mạnh so với 1 ngày trước, lần lượt là 16.505 ca nhiễm và 463 ca tử vong.
Đứng thứ hai vẫn là Italy với 110.574 ca nhiễm và 13.155 ca tử vong. Số ca nhiễm mới đã giảm khi 4.782 ca được ghi nhận trong 24 giờ qua, nhưng số ca tử vong vẫn cao với 727 ca. Tiếp theo là Tây Ban Nha, với 102.163 ca nhiễm và 9.053 ca tử vong.
Trung Quốc đứng thứ tư với 81.554 ca nhiễm, tăng 36 ca trong 24 giờ qua, số ca tử vong tăng thêm 7 lên 3.312. Tiếp theo là Đức với 76.544 ca nhiễm, tăng 4.736 ca trong 24 giờ qua, số người tử vong hiện là 858 ca, tăng 83 ca.
Pháp là nước đứng thứ sáu với 52.128 ca nhiễm và 3.523 ca tử vong. Tuy nhiên, tình hình dịch COVID-19 ở quốc gia này đang được kiểm soát tốt khi không có ca nhiễm mới cũng như ca tử vong mới trong 24 giờ qua.
Với 4.324 ca nhiễm mới và 563 ca tử vong, Anh ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong tăng đột biến trong 24 giờ qua. Như vậy, tính đến nay Anh đã có tổng cộng 29.474 ca nhiễm và 2.352 ca tử vong.
Trong khi châu Âu vẫn là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với tổng số 458.601 ca nhiễm và 30.063 ca tử vong, thì tại Trung Quốc, dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang "hạ nhiệt". Trong 24 giờ qua, Trung Quốc chỉ ghi nhận 36 ca nhiễm mới và 7 ca tử vong.
Hoạt động hoạt động sản xuất kinh doanh đang phục hồi và dần tăng tốc. Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết mức độ tái hoạt động của các chuỗi siêu thị lớn và các cửa hàng tiện ích đã đạt lần lượt 99,5% và 95,4%, với doanh số vượt các mức ghi nhận cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, 95,8% các trung tâm thương mại và 80% ngành giải trí đã hoạt động trở lại.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo 2 tuần tới là giai đoạn rất khó khăn trong cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19 tại nước này. Ông khuyến cáo người dân tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội cho đến hết tháng 4. Phát biểu trước báo giới từ Nhà Trắng, Tổng thống Trump nêu rõ: "Điều quan trọng tuyệt đối là người dân Mỹ phải tuân thủ những chỉ dẫn về y tế trong 30 ngày tới. Đây là vấn đề giữa sống và chết".
Tại "Lục địa già", Cơ quan Y tế châu Âu (EMA) cho biết phải ít nhất 1 năm nữa trước khi một loại vaccine phòng virus SARS-CoV-2 được phê duyệt và có sẵn với số lượng đủ để sử dụng rộng rãi.
Theo EMA, hiện có 2 loại vaccine đang được đưa vào giai đoạn đầu thử nghiệm lâm sàng, tức là được thử nghiệm trên những tình nguyện viên khỏe mạnh. Tuy nhiên, các mốc thời gian về phát triển các sản phẩm thuốc rất khó dự đoán. EMA cho biết dựa vào thông tin hiện có và kinh nghiệm lâu năm về khung thời gian phát triển vaccine, phải ít nhất 1 năm nữa mới có vaccine phòng virus SARS-CoV-2.
Nhằm ứng phó với dịch bệnh COVID-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp, Nhật Bản ngày 1/4 thông báo mở rộng lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân nước ngoài tới từ 73 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tại phiên họp của nhóm đặc trách về ứng phó với dịch, Thủ tướng Shinzo Abe nêu rõ lệnh cấm mới sẽ được áp dụng từ ngày 3/4 tới và có hiệu lực cho đến cuối tháng này. Những công dân nước ngoài từng tới những khu vực trên trong 14 ngày qua sẽ không được phép nhập cảnh vào Nhật Bản.
Bắt đầu từ ngày 1/4, tất cả hành khách nhập cảnh vào Hàn Quốc cũng bắt buộc phải có thời gian cách ly 14 ngày. Đối với những người không đến từ khu vực châu Âu và Mỹ được khuyến cáo tự cách ly tại nhà; những người không có nơi ở cố định ở Hàn Quốc mà phải sử dụng cơ sở cách ly do nhà nước chỉ định sẽ phải chi trả mức phí khoảng 100.000 won/ngày (82 USD).
Bên cạnh đó, tất cả hành khách nhập cảnh đều phải cài đặt phần mềm theo dõi trên điện thoại thông minh để cho phép cơ quan chức năng sở tại có thể kiểm soát và đảm bảo không có sự vi phạm quy định cách ly. Người dùng cũng có thể thông báo cho cơ quan chức năng về tình trạng sức khỏe của mình qua phần mềm này.
Với chiến dịch xét nghiệm quy mô lớn của Hàn Quốc, được ghi nhận là giúp làm chậm sự lây lan của virus SARS-CoV-2, hiện đã 121 nước đề nghị quốc gia này hỗ trợ cung cấp bộ thử virus SARS-CoV-2 trong bối cảnh các nhà lãnh đạo thế giới đang chịu áp lực lớn trong cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19 ngày càng phức tạp. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết Hàn Quốc đã thành lập một đội đặc nhiệm để xác định cách thức có thể hỗ trợ, hoặc qua xuất khẩu, hoặc viện trợ nhân đạo.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục lây lan nhanh trên toàn thế giới, con người vẫn chưa thể tìm ra phương thuốc hữu hiệu nhất để tiêu diệt virus SARS-CoV-2, “giãn cách xã hội” (cách ly xã hội - social distancing) đang được xem là biện pháp tối ưu, được hầu hết các quốc gia áp dụng để ngăn chặn sự lây lan của chủng virus gây chết người này.
Về cơ bản, “giãn cách xã hội” được hiểu là biện pháp nhằm hạn chế tiếp xúc, nghĩa là người dân nên ở nhà, giữ một khoảng cách cụ thể với mọi người xung quanh, không tụ tập đông người, hạn chế sử dụng phương tiện công cộng…
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, nếu một người bị nhiễm bệnh, sau 5 ngày có thể làm lây cho 2,5 người và sau 30 ngày thì số người bị nhiễm bệnh có thể bùng phát lên 406 người. Nhưng nếu như người đó hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, giảm thiểu nguy cơ phơi nhiễm khoảng một nửa thì sau 5 ngày, số người bị lây nhiễm chỉ còn là 1,25 người và sau 30 ngày thì số người bị lây nhiễm sẽ chỉ là 15 người.
Điều này cho thấy, thực hiện “giãn cách xã hội” càng sớm thì càng cho hiệu quả càng lớn. Và biện pháp này cần phải được duy trì ở một mức độ nào đó cho đến khi tìm ra một loại vaccine hoặc một phương pháp điều trị hiệu quả.