Ông Đặng Văn Háu (59 tuổi), trưởng thôn Xà Phìn, xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang cùng cây chè Shan tuyết cổ thụ hơn 300 năm tuổi |
Chia sẻ về những cây chè cổ thụ trong vườn, ông Đặng Văn Háu (59 tuổi), trưởng thôn Xà Phìn, xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang chia biết: “Cây có tuổi ước chừng 300 - 400 năm. Khi lớn lên tôi đã thấy cây chè ở vườn, thân to khẳng khiu như vậy. Bố tôi cũng từng nói, cây chè đã tồn tại ở vườn từ trước khi ông ra đời. Cây chè giống như thành viên, chứng kiến sự trưởng thành của nhiều thế hệ trong gia đình tôi”.
Hiện tại gia đình ông và nhiều hộ gia đình khác tại địa phương hiện đang sở hữu hàng trăm cây chè cổ thụ. Tại các khu vườn khác cũng có nhiều cây chè “cụ” tương tự với đường kính tới 40 – 50cm. Thậm chí, có nhiều cây già quá nhưng do không được chăm sóc và thu hái đúng kỹ thuật khiến cây thiếu dưỡng chất đã bị cằn cỗi chết đi. Riêng với gia đình ông Háu hiện đang sở hữu 2 – 3 ha, đều là những gốc chè cổ thụ từ thời cha ông để lại.
Ông cho hay, tôi sinh ra, lớn lên và gắn bó cả cuộc đời với những cây chè cổ đặc sản, có lẽ tôi và một số người trong thôn là người hiểu rõ về đặc tính của từng cây chè hơn ai hết. Muốn có sản phẩm chè ngon, giữ nguyên dưỡng chất của nó thì sau khi hái cần sao khô luôn trong ngày. Làm như vậy, sẽ đảm bảo chất lượng thơm ngon nhất.
“Trung bình, mỗi gốc chè cổ thụ sẽ cho 20kg lá/lần thu hái. Đặc biệt, từ lá già, lá non, búp, nụ và hoa chè đều dùng được hết. Cây chè càng già càng ngon, bởi lá chè dày, khi được pha nước sẽ cho nhiều dinh dưỡng, đậm vị và càng ngon. Chè Shan tuyết thành phẩm từ cây cổ thụ, có giá trung bình hơn 1 triệu/kg” – ông Háu thông tin.
Mỗi cây chè có độ tuổi khác nhau, sẽ cho chất lượng chè khác nhau. Do đó, mỗi lần thu hái gia đình ông Háu và các hộ dân thường phân loại chè theo từng gốc để sao và đóng gói và dán tem riêng.
Có lẽ, vì những ưu điểm đặc biệt này nên từ lâu chè Shan tuyết được coi là đặc sản quý hiếm không phải nơi nào cũng có được.
Những năm gần đây, khi đường giao thông vào bản thuận lợi, nhiều khách du lịch là người miền xuôi lần đầu đến Xà Phìn, cũng là lần đầu được biết đến cây chè Shan tuyết. Không ít người sẵn sàng chi hàng trăm triệu với mong muốn được sở hữu cây chè cổ thụ này.
“Năm 2021, từng có một vị khách trả 40 triệu để được khai thác và thu hoạch. Họ đề nghị mua cây chè nhưng vẫn giữ nguyên tại chỗ. Hàng năm, khi đến mùa thu hoạch họ nhờ gia đình hái, sao khô trọn gói để phục vụ nhu cầu sử dụng của gia đình họ. Tuy nhiên, gia đình không đồng ý. Gần đây nhất, một người đàn ông khác đã trả giá 400 triệu để di chuyển đi, nhưng chúng tôi cũng không bán.
Cây chè là cây trồng mũi nhọn của gia đình từ lâu rồi, không gì có thể thay thế được. Điều quan trọng hơn nữa là tôi muốn gìn giữ những gốc chè này cho các cháu sau này lớn lên tiếp tục được sở hữu, hiểu hơn về công việc truyền thống cũng như món quà vô giá mà cha ông để lại” – ông Háu nói thêm.
Được biết, Xà Phìn là thôn vùng cao của xã Phương Tiến, cung đường đèo dốc chênh vênh, cũng là địa danh nằm trên cung đường để chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh – nơi được mệnh danh là nóc nhà của vùng Đông Bắc.
Xà Phìn có khí hậu mát mẻ quanh năm, sương mù kết hợp độ ẩm cao đặc trưng, là nơi lý tưởng để những cây chè Shan tuyết sinh trưởng và phát triển. Nhiều gốc chè cổ thụ đã tồn tại bao đời nay, chứng kiến bao đổi thay của mảnh đất này.
“Cây chè sống trên những ngọn núi cao, quanh năm “tắm gió”, “uống sương” sản sinh ra những búp chè tươi mang tinh túy của đất trời, bởi vậy mà chất lượng rất thơm, ngon đặc trưng.
Người dân Xà Phìn nhiều đời nay đều gắn bó với cây chè. Cũng từ lâu, chè Shan tuyết đã trở thành cây trồng “mũi nhọn” của thôn, đem lại nguồn thu nhập khá cho các gia đình” – ông Háu chia sẻ.