Không vô cớ mà người dùng trà lại yêu quý trà xuân tới vậy. Trung Hoa có cách gọi khác là trà tiền minh. Ở ta, gọi trà xuân, lại thêm có xuân-sớm (sau khi xén, mọc trước mùa xuân) là bởi lẽ gì?
Mỗi độ xuân sang, cây cối đua nhau đâm chồi nảy lộc, mầm xanh nhu nhú, mơn mởn đua chen hứng chút hơi sương, hưởng làn gió ấm, sau những ngày đông dài vùi sâu trong giấc ngủ chồi xanh đấy, mang trong mình tinh khí đất trời, tích tụ qua bao ngày đông, chỉ chờ làn mưa xuân, như tiếng pháo hiệu từ mẹ thiên nhiên, mang hết ẩn hương, tiềm vị ra mà phô diễn.
Khí trời xuân cũng mang cho con người sự phơi phới thương yêu, tính tình rộng mở, nhàn nhã thảnh thơi, nhờ vậy mà ta có thể hưởng thụ được trọn vẹn muôn vàn tình ý mùa xuân.Cây trà hoang cổ thụ, sống trên những vùng cao chừng từ 800m trở lên so với mực nước biển. Đông dài, hè ngắn nên xuân khí quý giá vô cùng.
Lẽ thường, chúng ngủ suốt sáu tháng thu đông để đợi xuân về, khi mưa xuân lất phất bay cũng là tín hiệu gọi những mầm cây thức giấc, mãnh liệt đâm chồi, như một ngày hội. Mỗi chồi non ra sức tỏ rõ sự căng tràn nhựa sống, bao nhiêu tài, vật tích trữ tháng ngày, nay mang ra hết. Nhờ đó mà ta có được vị ngọt từ đầu môi kéo dài mãi tới tận tâm can, dịu dàng mà dai dẳng. Nhờ đó, ta có được hương thơm phảng phất, e ấp, thu liễm nhưng thu hút mãnh liệt, như những thiếu nữ vận trên mình lụa đào yểu điệu giữa những tà áo trắng tinh khôi.
Mùa xuân, khi nắng ấm, lúc sương mờ, chẳng những là điều kiện tuyệt vời cho cây trà tỏ rõ sự cao khiết, điều kiện đó, cũng như trợ thủ đắc lực giúp trà-nhân có được sự thảnh thơi mà tạo ra những tinh phẩm tuyệt trần. Tiết trời đó như sợi chỉ hồng, nối kết người làm trà với những búp non mơn mởn, như sự phù trợ cho mối duyên lành trà và người.
Nhưng, đấy là câu chuyện của hàng chục năm về trước!
Đông 2015, bĩ cực, nhiều năm rời Tà Xùa chưa bao giờ như vậy, đại hàn kéo dài, bốn ngày băng phủ. Cây chết xám núi giữa độ xuân sang. Hàng hàng, lớp lớp trà trơ xác, xám mắt, sạm lòng. Xuân này, đương lúc mưa xuân, sớm còn nắng ấm, chiều đã sương phủ bạc cả núi đồi, giá rét thấu tận xương da, ngồi bên bếp lửa, bỏng rát mặt mà sau lưng buốt tê sống.
Xuân 2014, giữa lúc xuân sang, vừa độ nảy chồi, bỗng đâu lớp lớp gió Lào, ầm ập kéo sang, mầm trà bỗng chốc từ mơn mởn xanh tươi, trở nên héo úa. Thui chột mấy mùa!.Từ độ làm việc trên những nương trà, trải qua bao mùa mưa nắng, tôi mới thấy thật rõ ràng sự thay đổi ghê gớm của tự nhiên.
Chỉ chừng 5 năm trước thôi, tiết trời Tà Xùa vẫn tuần tự theo lẽ tự nhiên, xuân qua, gió Lào đến, gió Lào đi, hè đến rồi đông sang. Nhưng nay, mọi sự sai hết cả. Khi đang xuân lại có gió Lào, lúc giữa đông mà trời nắng cháy, cây trà cũng chật vật, đang đâm chồi thì khựng lại giữa chừng, đang ngủ đông bỗng dưng bị đánh thức… Nhìn trà, cũng thấy lo âu!
Tà Xùa có ba loại trà chính, cây canh tác mang giống từ Phú Thọ, Suối Giàng sang hoặc nhân giống từ hạt trà hoang bản địa được chừng ba bốn chục năm tuổi, và những cây cổ thụ hoang dã đã trăm năm. Đợt băng giá vừa qua, chỉ bốn ngày băng phủ, hầu như cây canh tác chết xám đồi, trơ núi, kiệt quệ hết cả. Ấy vậy mà sau cơn bạo bệnh, người ta cũng chẳng để chúng được yên thân, tiếp tục tỉa cành, thúc mầm nhằm thu hoạch đỡ phí mùa xuân.
Ai đâu hay, nếu cứ như thế rồi thân cây sẽ chết dần chết mòn trong chừng dăm ba năm tới. Riêng tôi, đốt gốc, tái sinh cây. Đốt gốc đi cũng như ta phẫu thuật vứt đi phần chân tay đang thối rữa mà giữ lại phần thân thể còn khỏe mạnh, nhờ đó mà giữ được tính mạng vậy. Cây sau khi đốt gốc, phần củ gốc và rễ vẫn vẹn nguyên phía dưới mặt đất. Khi tiết trời ấm áp, những mầm xanh non sẽ tái sinh từ tận cùng gốc rễ mẹ-cha, rồi trưởng thành, rồi vươn ra rễ mới nhờ sự tiếp sức của bộ rễ mẹ mà sẽ lực lưỡng lớn khôn.
Tất nhiên, người làm điều đó sẽ phải tiếp tục chịu thiệt thòi đôi ba năm nữa, cho cây trưởng thành. Những thân cây ấy sẽ vươn lên mạnh mẽ, tái sinh, và, sống cuộc sống của riêng nó cũng như lớp người sau thay thế lớp người trước với bản lĩnh và trí tuệ mới hoàn toàn.
Ba năm trước, tôi cùng A-Khư còn nhân nhạt cây trà hoang Tà Xùa, tạo nên được đôi nương trà mới, đương tuổi thiếu niên, lại sinh ra nơi đầu gió, sống trên những đỉnh núi, nắng gió hứng trước tất thẩy những nương trà canh tác kia, bằng phương pháp tôi tự xây dựng nên. May thay, những cây con đó chẳng hề suy chuyển sau cơn bĩ cực.
Xuân sang, chúng lại đâm chồi nảy lộc, lại xanh mướt tán cây. Tất nhiên, năm nay chúng vẫn được sống cuộc sống an nhàn, chúng tôi chưa vội bắt những đứa trẻ đó lao động làm gì.
Gốc cây trà cổ thụ gần 300 năm tuổi tại bản Bẹ, Tà Xùa. |
Những cây cổ thụ, lá rụng tả tơi, trơ cành trụi gốc, điều đó lại kích thích phản xạ sinh tồn vốn có từ cội cây từng trải bao độ nắng mưa giá rét. Những cây đó, tua tủa nảy mầm, gấp đôi, gấp ba năm trước. Nhưng đừng thấy thế làm vui, đừng khuấy động lòng tham mà thu cho kiệt quệ. Hiện tượng đấy chỉ là “hồi quang phản chiếu” mà thôi. Hãy thương xót những cây trà!
Xuân này, nếu lòng người chẳng quá tham lam, thì, những cây cổ thụ kia sẽ khỏe mạnh trở lại, thậm chí có phần hơn trước, lại còn cho chúng ta được những mẻ trà ngon mà từ ba năm trở lại khó sánh bằng. Nhưng, đừng tham lam quá, hãy để cây còn cho ta thêm nhiều vụ nữa!.
Theo dấu trà - Tà Xùa (Kỳ 1)
Trên vùng núi cao mây phủ-sương mờ, nơi phân chia trời-đất, có những cây trà chứng kiến bao kiếp người tộc Mông, nơi ấy có tên gọi Tà Xùa.